Vì sao 6 tháng TPHCM chỉ giải ngân vốn ODA đạt 20,7%?
Vì sao 6 tháng TPHCM chỉ giải ngân vốn ODA đạt 20,7%?
Quốc Hải
Thứ hai, ngày 29/06/2020 17:59 PM (GMT+7)
Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, UBND TP.HCM đã đề xuất hàng loạt các giải pháp, nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc giải ngân nguồn vốn các dự án ODA. Theo đó, TP khẳng định, nếu được tháo gỡ những vướng mắc, việc giải ngân đầu tư công năm 2020 sẽ không khó để hoàn thành kế hoạch...
Báo cáo về tình hình giải ngân vốn ODA tại TP.HCM, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho hay: TP có 9 dự án ODA, 6 dự án nhóm A, 3 dự án nhóm B, tổng vốn là 122.567 tỷ đồng. Trong đó vốn ODA là 102 nghìn tỷ đồng, vốn đối ứng gần 20.000 tỷ đồng.
Theo ông Hoan, nguồn cấp phát từ trung ương trung hạn (giai đoạn 2016-2020), với tổng hạn mức là 15.000 tỷ đồng. Trong đó, phân bổ chi tiết 90%, với khoảng 13.500 tỷ đồng và dự phòng 10% với 1.500 tỷ đồng.
Tại tờ trình 180, Chính phủ trình Quốc hội về điều chỉnh vốn nước ngoài giai đoạn 2016-2020 cho các dự án. Trong đó, có TP.HCM được bổ sung thêm 5.365 tỷ đồng. Như vậy, tổng kế hoạch vốn nước ngoài được cấp phát từ ngân sách trung ương, trong giai đoạn này là 20.365 tỷ đồng.
"Tình hình giải ngân trong giai đoạn 2016-2020, những năm trước phần lớn đều đạt kế hoạch; riêng 6 tháng đầu năm 2020 thì mới giải ngân đạt 20,7%. Tổng vốn là 14.249 tỷ là kế hoạch giao nhưng 5 năm vừa qua mới giải ngân được 7.726 tỷ", ông Hoan, cho hay.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, kế hoạch giao cho TP là 15.532 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương là 5.044 tỷ đồng, ODA vay lại từ vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 10.487 tỷ, vốn đối ứng của TP là 1.723 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giải ngân tính đến tháng 6 gồm: vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương đã giải ngân được 1.045 tỷ đồng (20,7%); vốn ODA vay lại từ vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 555 tỷ đồng, rất thấp; vốn đối ứng của TP giải ngân được 7,77% kế hoạch vốn.
Tình hình giải ngân chậm, theo ông Hoan, do có 4 nguyên nhân chính. Thứ nhất là do một số dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, như dự án giao thông xanh, dự án vệ sinh môi trường TP… Có một số dự án, đặc biệt như metro 1, metro 2 mới được phê duyệt điều chỉnh dự án.
Thứ hai, một số nội dung đang lựa chọn kế hoạch nhà thầu, chưa có giải ngân được đồng nào, hoặc chưa tổ chức được công tác đấu thầu… dẫn đến tiến độ giải ngân. Đặc biệt, với gói metro 2 thì phải tạm dừng các công tác đấu thầu của các gói thầu cũ vì còn chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Thứ 3, một số dự án kéo dài nên phải đàm phán lại hợp đồng đã ký kết để điều chỉnh lại nội dung hợp đồng cho phù hợp với thực tế.
"6 tháng qua, TP đã liên hệ với các nhà tài trợ, các tổ chức tài chính để điều chỉnh các nội dung liên quan đến hợp đồng triển khai dự án", ông Hoan nói.
Nguyên nhân cuối cùng, đó là một số dự án do dịch Covid-19 diễn biến bất ngờ, đặc biệt là dự án metro 1 có nhiều hạng mục công trình đang làm nhưng cũng có 1 số hạng mục công trình lẽ ra cũng đã về đây và một số công việc đáng lý ra đã thực hiện nhưng do dịch nên một số chuyên gia nước ngoài cũng như hàng hóa chưa về kịp… đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công.
TP kiến nghị 4 nhóm giải pháp
Trước những khó khăn ảnh hưởng đến giải ngân vốn ODA cho các dự án, để tháo gỡ những khó khăn TP cũng kiến nghị 4 nhóm giải pháp.
Thứ nhất, xây dựng kế hoạch bố trí vốn trung hạn, bố trí vốn hàng năm cho TP. Đối với tuyến đường sắt metro số 1, UBND TP xin kiến nghị sớm cho ý kiến về việc sử dụng tiền yên hay tiền đồng trong thanh toán.
"UBND TP, Bộ Tài chính ban đầu rất thuận lợi, đồng thuận trong việc sử dụng đồng Yên theo hợp đồng khai mà chúng ta đã ký với phía Nhật Bản, Bộ Kế hoạch Đầu tư thì có băn khoăn một chút nhưng trên cơ sở chỉ đạo của phó Thủ tướng, TP đã chủ động làm việc với 2 bộ và 2 đồng chí bộ trưởng cũng đồng thuận theo việc sử dụng đồng tiền Yên.
Nhưng sau đó, bằng văn bản gửi ra thì Bộ Tài chính đồng thuận, nhưng Bộ Kế hoạch - Đầu tư có 3 vụ thì chỉ có 2 vụ đồng thuận", ông Hoan lý giải thêm.
Trong trường hợp có được 3.676 tỷ đồng giải ngân được thì TP rất thuận lợi, TP cũng mong nếu số tiền này giải ngân được thì Bộ Kế hoạch Đầu tư tiếp tục bố trí vốn trung hạn, không chờ kế hoạch năm sau. Vì TP hiện nay tuyến metro số 1 đang tăng tốc, nên rất cần tập trung để đưa tuyến này vào hoạt động và có thể nói năm nay là "năm tăng tốc" cho tuyến metro số 1.
"Nếu giải ngân xong đợt này, thật ra là tháo khoán được đồng Yên rồi thì TP sẽ giải ngân sẽ rất nhanh. Năm nào các nhà thầu cũng lên tiếng, đặc biệt về tiến độ thanh toán nên nếu được chủ trương sử dụng tiền Yên, sau đó giải ngân được ngay cho TP thì TP sẽ đạt các kế hoạch đề ra", ông Hoan khẳng định.
Đối với dự án tuyến metro số 2 hiện cũng đang khó khăn giải phóng mặt bằng. "Đối với dự án metro số 2 có 2 phần là cấu phần đầu tư và bồi thường giải phóng mặt bằng. Hiện nay, khi điều chỉnh tổng mức đầu tư thì cấu phần bồi thường giải phóng mặt bằng này với cấu phần xây dựng cũng đạt được yêu cầu của Trung ương. Tuy nhiên, quy định hiện nay là khi điều chỉnh tổng mức đầu tư không được vượt quá tổng mức mà Bộ Chính trị đã duyệt.
Ngay tại thời điểm mà TP.HCM tiến hành điều chỉnh dự án đang đứng trước một tình thế không thể làm khác được là trong có số 400 dự án đã trình cho Trung ương thì đã lập vào năm 2017. Tuy nhiên, ngay thời điểm TP.HCM ký hợp đồng với các nhà đầu tư là vào năm 2019 thì đã có những yếu tố làm tăng tổng mức đầu tư, kể các thiết bị máy móc, nhân công, tỷ giá…
Bây giờ vào thực hiện thì gói xây lắp chưa có vấn đề gì, còn bồi thường giải phóng mặt bằng thì khoảng 3.400 tỷ nhưng khi tổ chức thẩm định giá lần chót vào năm 2020 và ban hành hệ số điều chỉnh giá và tổ chức bồi thường cho người dân lại tăng thêm 500 tỷ.
"Nếu bổ sung thêm 500 tỷ này thì vượt quá khỏi khung mà Trung ương đã duyệt trước đó, vậy thì có phải xin ý kiến Quốc hội hay không ? HĐND Thành phố xem xét bổ sung thêm 500 tỷ để sử dụng trong bồi thường giải phóng mặt bằng thì vấn đề này có phải xin ý kiến Trung ương hay không ?
Thứ hai là xem lại phần bố trí vốn để có thể chia ra trong phần xây lắp cho phần giải phóng mặt bằng, tuy nhiên không biết giải pháp này có thể sử dụng được hay không?", ông Hoan đặt vấn đề.
Cũng theo ông Hoan, trong trường hợp giải ngân không hết số vốn dự kiến bố trí trong năm 2020, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành trung ương xem xét hỗ trợ TP thủ tục điều chuyển số kế hoạch vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương còn lại của kế hoạch vốn trung hạn giải đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025 để làm cơ sở bố trí kế hoạch vốn năm 2021 để giải ngân cho dự án.
Ngoài ra, TP cũng kiến nghị Bộ Tài chính sớm hướng dẫn thủ tục hoàn ứng ngân sách TP đối với phần tiền VNĐ. Đồng thời, Bộ Tài chính ủng hộ phương án hoàn ứng từ nguồn vốn ODA vay lại đã bố trí cho dự án là 9.946,1 tỷ đồng để nâng cao giá trị giải ngân cho TP. Đặc biệt, TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cơ chế đặc biệt cho việc nhập nhập cảnh của các chuyên gia để triển khai các công đoạn tiếp theo của tuyến metro số 1, sớm đi vào vận hành.
Thứ 2, TP.HCM kiến nghị Bộ Tài Chính có văn bản xem xét cho Thành phố sử dụng vốn dư khoảng 76, 8 triệu USD của dự án vệ sinh môi trường Thành phố giai đoạn 2.
"Trong quá trình đấu thầu, Thành phố có lợi được 76,8 triệu USD nên sớm có đề xuất sử dụng số tiền này vào một dự án mới tương tự", ông Hoan nói.
Thứ 3, TP.HCM kiến nghị Bộ Tài Chính xem xét sớm có văn bản xem xét điều chỉnh lịch trả nợ của hai khoản vay WB đến ngày 30/9/2027, thẩm định hồ sơ cho vay lại đối với dự án để làm cơ sở ký các hiệp định vay bổ sung vốn cho dự án theo hồ sơ mà TP đã đề nghị.
Vấn đề cuối cùng, TP đề xuất cho dự án mới giai đoạn 2021 - 2025. Ông Hoan cho biết, hiện nay, TP.HCM đã vận động được 4 dự án mới, trong đó có 2 dự án gửi các bộ trình Thủ tướng để xem xét phê duyệt, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến của các bộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.