Vì sao băng nhóm Minh “Sâm” lộng hành nhiều năm mà không bị bắt?

B.T.V (tổng hợp) Thứ năm, ngày 21/08/2014 15:14 PM (GMT+7)
Băng nhóm “xã hội đen” tại Bắc Ninh gồm 10 đối tượng do Minh “sâm” cầm đầu vừa bị khởi tố, tạm giam để điều tra về tội "Cưỡng đoạt tài sản" có tổ chức và “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” và nhiều tội danh khác đang là điểm nóng dư luận. Điều gì đã làm nên sức mạnh nguy hiểm và giúp “tập đoàn mafia” này tồn tại “hùng mạnh” trong một thời gian khá dài như vậy?
Bình luận 0
Băng nhóm Minh "Sâm" đối mặt nhiều tội danh

Ngày 20.8, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Bộ Công an cho biết, để thực hiện thành công chuyên án 108M - triệt phá ổ nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” tại Bắc Ninh do Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh "sâm”) cầm đầu, từ tháng 5.2013 lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47), Bộ Công an đã bắt đầu vào cuộc.

img

Lực lượng công an khám xét đêm 13.8.

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến nhận định, qua các tài liệu chuyên án, lực lượng chức năng xác định đây là băng nhóm tội phạm hoạt động với nhiều hành vi phạm tội: Cưỡng đoạt tài sản, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, cố ý gây thương tích và có dấu hiệu của tội buôn lậu, trốn thuế… Băng nhóm tội phạm này hoạt động rất manh động, liều lĩnh, các đối tượng thường đem theo vũ khí, công cụ hỗ trợ để đe dọa người dân gây ra tình hình rất phức tạp trên địa bàn Bắc Ninh.

Như đã đưa tin, chiều và đêm ngày 13.8, Cục C47 phối hợp với các lực lượng của Bộ Công an đã đột kích, khám xét tại Công ty TNHH Đại An do Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh “Sâm”) làm giám đốc và Công ty TNHH Thành Hưng Bắc Ninh (cùng đóng trụ sở ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) do Nguyễn Thành Hưng (tức Hưng “Sóc”) làm giám đốc; bắt Minh "Sâm", Hưng "Sóc" cùng 7 đồng phạm khác; thu giữ 1 quả lựu đạn, 6 khẩu súng quân dụng và súng bắn đạn hoa cải, 7 xe ô tô cùng nhiều tang vật, tài liệu liên quan đến vụ án.

Ngày 14.8, Cơ quan Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự “Cưỡng đoạt tài sản” liên quan đến 2 công ty này, bắt thêm đối tượng thứ 10 là Nguyễn Thanh Thắng (tức Thắng “Mậu”, ngụ Bắc Ninh). Đến ngày 17.8, Cơ quan CSĐT đã khởi tố cả 10 đối tượng về hành vi Cưỡng đoạt tài sản. Cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ hành vi phạm tội của các bị can để xử lý trước pháp luật.

Theo Dân trí, sau khi băng nhóm Minh "Sâm" bị triệt phá, người dân địa phương cho biết, Minh “Sâm” là một nhân vật nổi tiếng Bắc Ninh. Trước khi thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp, Minh “Sâm” từng nổi tiếng ở xới bạc Chùa Dận - một trong những tụ điểm đánh bạc nổi tiếng phía Bắc và bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an triệt xóa vào cuối tháng 11.2012.

Theo người dân địa phương, việc Minh “Sâm”, Hưng “Sóc” thành lập công ty mục đích chủ yếu để cho chúng dễ bề hoạt động, qua mặt các cơ quan chức năng. Đồng thời việc thành lập công ty của Minh “Sâm”, Hưng “Sóc” như là một hình thức “rửa tiền”.

Theo đánh giá của một lãnh đạo Bộ Công an, “rửa tiền” đó là hình thức hoạt động của tội phạm băng nhóm xã hội đen. Việc công ty của Minh “sâm”, Hưng “sóc” được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen và treo các tấm hình chụp các vị lãnh đạo cấp cao như để khoe về các mối quan hệ với người dân làm ăn chính là những vỏ bọc của loại hình tội phạm có tổ chức, vừa mang tính chất hình sự vừa mang tính chất kinh tế. Công ty đã tạo nên những vỏ bọc từ thiện, đóng góp này khác để che mắt các cơ quan nhà nước, chính quyền.

Băng nhóm Minh “sâm” hoạt động theo kiểu bảo kê, cưỡng đoạt tài sản tại chợ gỗ Phù Khê rất tinh vi. Một số người dân và cánh tài xế xe tải chở gỗ cho biết, mỗi xe gỗ khi về chợ Phù Khê thì đều bị những đàn em của Cty Minh “Sâm” và Hưng “Sóc” đến thu tiền từ 150 – 250 nghìn đồng tiền vào bến. Nếu tài xế hoặc chủ hàng mà không chấp hành, thì ngay lập tức bọn chúng điều các đối tượng đến gây khó dễ. Ngoài ra, bọn chúng còn ép các chủ hàng, lái xe gỗ vào chợ bắt buộc phải sử dụng nhân công, phương tiện vận chuyển thuê từ Công ty Đại An hoặc Thành Hưng, nếu không tất cả những xe này đều không thể vào chợ và cũng không thể bốc dỡ hàng.

Người dân địa phương cũng cho biết các đầu gỗ quý như gỗ hương, gỗ trắc đều bị Công ty Đại An khống chế do Minh “Sâm” làm chủ, kiểm soát khi xuất nhập vào chợ gỗ Phù Khê và đưa đi các tỉnh, nếu các chủ hàng đưa gỗ về chợ Phù Khê mà không bán cho bọn chúng thì cũng không ai dám mua vì bị bọn chúng gây khó khăn. Mặc dù các chủ hàng gỗ bị chèn ép nhưng cũng không ai dám đứng ra tố cáo vì sợ bọn chúng trả thù.

Một chủ hàng gỗ ở chợ Phù Khê, cho biết, Minh “Sâm” không chỉ là trùm gỗ mà còn thâu tóm nhiều đất nhất khu vực Từ Sơn. Dưới quyền Minh “Sâm” có nhiều đàn em, gồm cả đối tượng xã hội. “Chúng tôi muốn mua gỗ đều phải qua tay ông Minh, nếu không đi đường kiểu gì cũng bị bắt vì không đủ giấy tờ”, chủ hàng cho biết.

5 nguyên nhân giúp băng nhóm Minh "Sâm" lộng hành nhiều năm

Trên báo Pháp luật Việt Nam, nhà nghiên cứu xã hội học, PGS.TS Hoàng Văn Chức đã phân tích nguyên do làm nên sức mạnh nguy hiểm và giúp “tập đoàn mafia” do ông trùm Minh "Sâm" cầm đầu tồn tại “hùng mạnh” trong một thời gian khá dài.

img

Minh "Sâm" (bên trái) và Hưng "Sóc" trước khi bị bắt.

 

Theo PGS.TS Hoàng Văn Chức: Đây là một ổ nhóm tội phạm lớn trên địa bàn, có nhiều mối quan hệ phức tạp và những thành tích lẫy lừng như mở võ đường để thu nạp đàn em, lập khu xưởng gỗ để hoạt động bảo kê, lập kỳ tích giải phóng mặt bằng trong hai ngày… Cơ quan điều tra đã phải mất một thời gian dài kỳ công làm công tác trinh sát, theo dõi mới có thể triệt phá. Vì sao lại như vậy?

Thứ nhất, đây là một tổ chức tội phạm có tổ chức núp dưới danh nghĩa là các tổ chức kinh doanh; “Công ty TNHH Đại An” và “Công ty TNHH Thành Hưng”. Việc thành lập công ty trong nền kinh tế thị trường được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện. Bởi vậy, tổ chức tội phạm này đã tạo được vỏ bọc “Tin cậy” và “Hợp pháp” dưới danh nghĩa “Công ty” để hợp thức hóa các hoạt động phạm tội dưới vỏ bọc “Bảo vệ”.

Thứ hai, là tổ chức tội phạm có sự liên kết trên cơ sở dòng máu, gia đình: Trần Thái Sơn, con rể của Minh “Sâm”; Nguyễn Thu Hằng, con gái Minh “sâm”, vợ của Sơn; Quách Văn Lộc, con nuôi Hưng “Sóc”. Ngay sự liên kết của hai ông trùm cũng trên nền tảng của tình cảm “anh em kết nghĩa”. (Theo tài liệu cơ quan điều tra, Hưng “Sóc” nổi tiếng là một gã giang hồ cộm cán, ra tù vào tội từ những năm 1973, với tổng cộng ba án kéo dài hơn 20 năm, Hưng trở thành một trong những đàn anh ở trại giam cũng như tại địa phương.

Năm 20 tuổi, Minh “nhúng chàm” trong một vụ án dùng vũ khí quân dụng giết người, tuổi trẻ của Minh cũng được gắn bó sau song sắt. Vào trại, Minh chỉ là “dân đen”, thường bị các bạn tù bắt nạt, may mắn gặp Hưng là một đàn anh ở lâu lên lão làng, đã có số má trong trại, lại cùng đồng hương Bắc Ninh nên Minh được Hưng che chở, bao bọc để sau đó Minh cũng trở thành một đàn anh có số má trong trại. Từ đó, Hưng “Sóc” và Minh “Sâm” trở thành đôi bạn thân. Mối quan hệ giang hồ ấy đã kết dính khi Minh “Sâm” nhận Hưng “Sóc” làm anh em kết nghĩa).

Bởi vậy, các băng, nhóm xã hội đen thường được hình thành trên nền tảng tình cảm, họ hàng, ruột thịt và tạo một vỏ bọc hợp pháp đang là xu hướng phổ biến không chỉ ở tổ chức tội phạm này mà còn ở nhiều tổ chức tội phạm khác. (Để duy trì được những phi vụ làm ăn phi pháp, tất nhiên các ông trùm nhất thiết cần phải có những cánh tay tin cậy bên mình và ở đây, Hưng “sóc” và hai con của ông trùm – máu mủ ruột thịt là những người đáng tin cậy nhất).

Thứ ba, để che giấu tội ác của mình, các tổ chức tội phạm ngoài việc tạo vỏ bọc “hợp pháp”, chúng còn tạo ra các vỏ bọc chắc chắn khác dưới các danh nghĩa: hoạt động từ thiện, hoạt động bảo trợ, cứu giúp người nghèo, người khó khăn như hoạt động của hai ông trùm Minh “Sâm” và Hưng “Sóc” ở Từ Sơn.

Thứ tư, để tạo vỏ bọc, ngoài các thủ đoạn trên, các tổ chức tội phạm còn cố tạo ra các danh hiệu mà không do năng lực của mình mà do từ tính côn đồ, tính tàn bạo để qua mặt các cơ quan quản lý nhà nước và dư luận, rồi được tặng danh hiêu, khen thưởng. Cụ thể như: Theo thông tin báo chí đưa, năm 2011, UBND tỉnh Bắc Ninh giao cho Công ty TNHH Đại An thi công tỉnh lộ 277 (đoạn từ cầu Tấn Bào đến khu lưu niệm ở xã Phù Khê) dài 2,2 km, mặt cắt đường rộng 33-35 m theo tiêu chuẩn đường đô thị, với vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng.

Công trình này đi qua khu dân cư làng nghề với nhiều cửa hàng với giá đất được ví là “tấc đất tấc vàng” nên rất khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Nhưng chỉ sau 2 ngày nhóm của Minh "Sâm” ra tay, các hộ dân đã răm rắp đến nhận tiền và tháo dỡ phần diện tích giải tỏa, không có khiếu kiện gì. “Bí quyết” của chúng là khi triển khai giải phóng mặt bằng, Minh “Sâm”, Hưng “Sóc” dẫn theo một nhóm côn đồ, tay lăm lăm hung khí nên người dân không ai dám “trái lệnh”, đành ngậm bồ hòn làm ngọt, ngoan ngoãn ký nhận và bàn giao mặt bằng).

Thứ năm, với các ông trùm “có số” như Minh “Sâm”, Hưng “Sóc”, việc hoàn lương là rất khó. Trong một khắc nào đó có thể họ hoàn lương, tỏ vẻ nhân đức. Nhưng khi thời cơ, điều kiện đến là “ngựa quen đường cũ”. Cái vỏ bọc hoàn lương “làm trưởng thôn” của Hưng “Sóc” là minh chứng.

Thông tin từ báo chí cho thấy, nhiều người dân nhận xét: Dưới sự quản lý của trưởng thôn Hưng “Sóc”, người dân thôn Phù Khê Thượng (xã Phù Khê, huyện Tiên Sơn) được sinh con và đốt pháo nhân các dịp lễ hội thoải mái (bất chấp các quy định cấm của chính quyền).

Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua trách nhiệm của chính quyền địa phương. Việc để các tổ chức xã hội đen có tổ chức lộng hành thời gian dài, trên một địa bàn sát cạnh Thủ đô và có truyền thống cách mạng; thể hiện sự yếu kém trong quản lý của chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương qua các thời kỳ trên địa bàn huyện Từ Sơn không thể không có trách nhiệm trong việc để cho các ông trùm Minh “Sâm” và Hưng “Sóc” lộng hành nhiều năm trên địa bàn huyện như vậy.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem