Vì sao Bình Dương ngừng hỗ trợ phát triển vườn cây ăn trái đặc sản dù nhiều nông dân mong chờ?

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 03/01/2024 08:00 AM (GMT+7)
Công nghiệp hóa, đô thị hóa tác động trực tiếp đến diện tích sản xuất, làm thay đổi giá trị đất đai. Phần lớn diện tích sản xuất nhỏ, phân tán nên không thu hút được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển vườn cây ăn trái đặc sản.
Bình luận 0

UBND tỉnh Bình Dương đã đề xuất với HĐND tỉnh không tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn trái đặc sản tỉnh Bình Dương trong giai đoạn tiếp theo.

Nông dân hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ vườn cây ăn trái đặc sản

Vùng đất Lái Thiêu - Thuận An với những vườn cây ăn trái đặc sản trăm năm đã đi vào ký ức của nhiều thế hệ, trở thành niềm tự hào không chỉ của riêng Bình Dương.

Bà Nguyễn Thị Loan, ngụ xã An Sơn (TP.Thuận An) kể, vườn cây ăn trái Lái Thiêu được xem là thánh địa của các loại cây lành trái ngọt như bòn bon, sầu riêng, mít tố nữ và nhất là trái măng cụt.

Vườn trồng măng cụt của nông dân xã An Sơn (TP.Thuận An, Bình Dương). Ảnh: Nguyên Vỹ

Vườn trồng măng cụt của nông dân xã An Sơn (TP.Thuận An, Bình Dương). Ảnh: Nguyên Vỹ

Những năm qua, chính sách hỗ trợ của Bình Dương đã giúp người dân có điều kiện cải tạo vườn cây, cho năng suất, chất lượng cao và giữ được thương hiệu cây ăn trái Lái Thiêu.

Vì áp lực đô thị hóa, diện tích vườn cây ăn trái đặc sản ở các xã, phường khác của Thuận An không còn nhiều như ở An Sơn. "Nông dân rất mong chính quyền có biện pháp hỗ trợ để giữ vững diện tích các vườn cây ăn trái đặc sản này", bà Loan nói.

Theo ông Trần Văn Viễn - Giám đốc HTX An Sơn, những vườn cây ăn trái đặc sản Thuận An được coi là lá phổi xanh, với không khí trong lành, mát dịu; rất phù hợp cho việc kinh doanh loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái.

Tuy nhiên Bình Dương phát triển quá mạnh về công nghiệp. Diện tích vùng trồng cây ăn trái đặc sản ngày càng thu hẹp.

"Lãnh đạo tỉnh cần quan tâm, hỗ trợ thêm để người dân giữ vườn cây ăn trái đặc sản, như chính sách hỗ trợ trước đây đã từng giúp nông dân phấn khởi", ông Viễn đề nghị.

Theo HĐND tỉnh, Bình Dương ban hành Nghị quyết quy định mở rộng danh sách đối tượng hỗ trợ, bao gồm các vườn cây ăn trái đặc sản trên khắp địa bàn tỉnh Bình Dương, tập trung chủ yếu ở TP.Thuận An và TP.Tân Uyên. Đến cuối năm 2021, chính sách đã hết hiệu lực thi hành.

Xã Bạch Đằng (TP.Tân Uyên, Bình Dương) có sản phẩm bưởi đường lá cam được chính sách hỗ trợ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Xã Bạch Đằng (TP.Tân Uyên, Bình Dương) có sản phẩm bưởi đường lá cam được chính sách hỗ trợ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Từ năm 2022 đến nay, chính sách hỗ trợ vườn cây ăn trái đặc sản tiếp tục là vấn đề được nhiều cử tri ở TP.Thuận An quan tâm trước khi năm 2023 khép lại với quá nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Trác, cử tri phường Bình Nhâm (TP.Thuận An) đề nghị ngành chức năng tỉnh nghiên cứu có chính sách hỗ trợ phân bón, chăm sóc vườn cây ăn trái, vì chính sách trước đây của tỉnh đã tạm ngưng.

Lồng ghép chính sách hỗ trợ vườn cây ăn trái đặc sản

Trả lời kiến nghị của cử tri, Sở NNPTNT Bình Dương cho biết giai đoạn 2007-2021, ngân sách tỉnh hỗ trợ gần 50 tỷ đồng thông qua chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn vây ăn trái đặc sản.

Kết quả thực hiện chính sách đã góp phần nâng cao nhận thức của nhà vườn, thay đổi tập quán canh tác truyền thống của người dân sang áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Vườn trồng mít tố nữ của nông dân xã An Sơn (TP.Thuận An, Bình Dương). Ảnh: Nguyên Vỹ

Vườn trồng mít tố nữ của nông dân xã An Sơn (TP.Thuận An, Bình Dương). Ảnh: Nguyên Vỹ

Dù đạt được một số kết quả tích cực, nhưng tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa ngày mạnh mẽ đã tác động trực tiếp đến diện tích sản xuất nông nghiệp, làm thay đổi giá trị đất đai và đời sống của người dân.

Phần lớn diện tích sản xuất cây ăn trái đặc sản nhỏ, phân tán đã tác động trực tiếp đến việc người dân tham gia các Tổ hợp tác, HTX.

Các vườn cây ăn trái đặc sản cũng không thu hút được một số thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển theo hướng gắn với công nghiệp chế biến, kết hợp với du lịch sinh thái.

Từ những lý do trên, năm 2022, UBND tỉnh đã báo cáo HĐND tỉnh về định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giữ vững mảng xanh đô thị, góp phần cải thiện môi trường và đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh đề xuất sẽ không tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn trái đặc sản tỉnh Bình Dương trong giai đoạn tới.

Đồng thời, UBND tỉnh phân công Sở NNPTNT phối hợp, hỗ trợ UBND TP.Thuận An và TP.Tân Uyên thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực phụ trách.

Vườn cây ăn trái Lái Thiêu – Thuận An được xem là thánh địa của các loại tría đặc sản như bòn bon, sầu riêng, mít tố nữ, và nhất là trái măng cụt. Ảnh: Nguyên Vỹ

Vườn cây ăn trái Lái Thiêu – Thuận An được xem là thánh địa của các loại trái đặc sản như bòn bon, sầu riêng, mít tố nữ, và nhất là trái măng cụt. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Phạm Văn Bông – Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình khuyến nông tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022-2025.

Chương trình nhằm "thí điểm xây dựng và chuyển giao mô hình sản xuất ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh".

UBND các thành phố liên quan cùng chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện chương trình này.

Hiện nay, UBND TP.Thuận An đang triển khai xây dựng đề án rà soát, điều chỉnh vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn.

UBND TP.Tân Uyên cũng đang đang triển khai đưa nội dung hỗ trợ vườn cây ăn trái đặc sản xã Bạch Đằng vào kế hoạch thực hiện thí điểm Làng Thông minh xã Bạch Đằng giai đoạn 2020-2025.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem