Cúng trong nhà và ở ngoài trời, theo quan niệm dân gian của người Việt, đó là nghi thức cúng lễ vào thời khắc giao thừa (giờ Tý - 24 giờ) của đêm ngày 30 tháng Chạp chuyển sang ngày mùng 1 Tết.
Theo đó, đúng giờ Tý, Lễ cúng giao thừa là giờ khắc thiêng liêng nhất của mỗi gia đình. Mọi thành viên đều thành tâm, kính cẩn, áo quần trang trọng thắp nhang, thành kính trước bàn thờ. Lễ vật đều đã đươc gia chủ chuẩn bị từ trước đó. Cúng trong nhà gồm khấn thần linh, gia tiên để tỏ lòng thành kính đối với vi thần quản nhà (quản trạch) giúp cho gia chủ bình an trong môt năm, đồng thời tưởng nhớ, ơn nghĩa của người sống đối với những người thân, ruột thịt đã khuất núi.
Việc cúng ngoài trời cũng liền vào giờ Tý, ngụ ý để tiễn đưa vị thần cai quản năm cũ và nghinh đón vị thần mới đến nhâm chức cai quản cho năm mới. Bởi theo quan niệm xưa, cứ vào mỗi năm, Thiên đình lại luân phiên cắt cử một vị quan xuống trông nom công việc dưới hạ giới, tùy theo từng năm, vi quan cai quản sẽ có tên goi cụ thể, nhưng thường gọi chung là Quan hành khiển.
Mâm lễ cúng giao thừa ở ngoài trời của người Việt (Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Gia Lai)
Như năm Tỵ là Ngô Vương hành khiển, Thiên Hải chi thần, Hứa Tào phán quan; năm Ngọ là Tần Vương hành khiển, Thiên Hao chi thần, Nhân Tào phán quan... Theo đó, cứ 12 con giáp (12 năm) sẽ có 12 vi thần được phái xuống hạ giới.
Lễ vật cúng gồm xiêm, hài, áo mũ và ngựa, cùng các thứ dâng như xôi, gà, bánh trái, hoa quả, gao, muối... ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới.
Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc diễn ra ở vào lúc âm dương giao hòa, thời khắc giao thoa nên phải hết sức khẩn trương, các vị thần không thể chậm. Công việc cai quản cũng là chung dưới hạ giới, không phải riêng cho một gia đình nào, nên cũng không thể vào trong nhà của bất cứ ai, mà nhanh chóng nhận bàn giao, rồi ai vào việc nấy. Việc ăn uống, xiêm hài áo mũ chỉ có thể thụ hưởng chốc lát để chứng kiến lòng thành của chủ nhà.
Trong quan niệm, tục xưa còn cho rằng, tùy theo tuổi của gia chủ và ngũ hành của năm để đặt lễ vật đúng hướng, nhằm đón cát, xua đi sự không may mắn.
Nghi thức cúng lễ ngoài trời này với ngụ ý nghinh đón, báo cáo với thần cai quản đến nhận bàn giao với lời cầu ước, mong cho năm mới được mưa thuận gió hòa, thiên thời, địa lợi, nhân hòa, mùa màng bội thu, kinh doanh phát đạt hơn năm cũ, giải tai ách, bệnh tật…
Chả thế, cùng với nét đẹp trong phong tục bữa cơm xum vầy tất niên, rồi cúng lễ đêm giao thừa, hầu hết các gia đình đều cố gắng chuẩn bi chu đáo, tươm tất nhất và đặc biệt là phải kịp hoàn tất trước thời khắc giao thừa, bất luận là điều kiên kinh tế giàu hay nghèo.
Đó tuy là phong tục tập quán ngàn xưa của cha ông, nhưng vẫn được duy trì đến ngày nay, cũng là sự thể hiện đức tính tốt đẹp, cầu thị, mong muốn những điều bình an, tốt đẹp và vươn lên trong cuộc sống của người Việt.
Huyền Phương (Huyền Phương)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.