Vì sao cứ sau tết Nguyên đán người làng này ở Bình Thuận lại ra sông Dinh, suối Tiên "điểm danh"?

Thứ hai, ngày 13/03/2023 05:00 AM (GMT+7)
Như thành tập tục, mấy chục năm nay, người dân làng Phước Bình, khu phố 8, phường Tân An, thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận) cứ sau tết, vào những ngày còn giêng là trẻ già, trai gái trong làng lại rủ nhau ra sông Dinh. Gọi gì cũng được, “tết muộn”, “họp mặt điểm danh” hay “về lại sông xưa”, không sao cả, cái chính là gặp nhau...
Bình luận 0

I. 

Chiếc xe bò chở đầy ắp tiếng cười của nông dân cút ca cút kít trên con đường đất, rồi lao chao giữa những bông nắng sớm đang nấp mình trong tàn lá. 

Thỉnh thoảng người phụ nữ tuổi ngoài 60 điều khiển xe tinh nghịch cụp mạnh chiếc đuôi bò, con bò trườn lên phía trước, kéo chiếc xe lao vun vút, cả đống người quấn chặt vào nhau cười khoái chí, bỏ phía sau lớp bụi đường mù mịt.

Ấy là phương tiện đưa chở “người làng” ra sông Dinh những ngày sau tết. Như thành tập tục, mấy chục năm nay, người dân làng Phước Bình, thuộc khu phố 8, phường Tân An, thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận) cứ sau tết, vào những ngày còn giêng là trẻ già, trai gái trong làng lại rủ nhau ra sông Dinh. 

Gọi gì cũng được, “tết muộn”, “họp mặt điểm danh” hay “về lại sông xưa”, không sao cả, cái chính là gặp nhau, trút nỗi nhớ niềm thương cho nhau, ngồi bên nhau thủ thỉ chuyện vui, chuyện buồn, chuyện của ngày xưa thân ái.

Vì sao cứ sau tết Nguyên đán người làng này ở Bình Thuận lại ra sông Dinh, suối Tiên "điểm danh"? - Ảnh 1.

Sông Dinh, suối Tiên (La Gi, Bình Thuận). Ảnh minh họa.

II. 

Dòng sông Dinh chảy qua thị xã, đoạn giáp ranh xã Tân Xuân đến điểm giao thủy giữa suối Đó và sông Dinh, từ lâu được người dân nơi đây gọi là Suối Tiên. Sở dĩ có tên gọi này, bởi đoạn sông mùa khô có cảnh quan vô cùng lãng mạn.

Vào những năm 60 khu vực này là rừng hoang cỏ dại, chung quanh không có người ở, mãi đến năm 1965, các khu dân cư mới định hình. Sống gắn bó nhất với khúc sông này là dân làng Phước Bình, nay thuộc khu phố 8, phường Tân An. 

Những người sống lâu năm tại đây kể lại rằng: Hồi ấy công cuộc mưu sinh của dân làng gắn liền hai bên bờ sông Dinh, người làm ruộng kẻ đập đá, đốt than cưa củi… Từ mụt măng, con tôm, con cá cho dân làng cũng từ dòng sông này.

Tàn chiều, khi xong công việc đồng án, trai gái thường rủ nhau xuống sông tắm gội. Mùa khô, ở những gộp đá có khe nước trong xanh, cây rù rì che kín, là chỗ để các cô thôn nữ tìm đến. Vài lần vô tình người ta nhìn thấy những mái tóc mơ bồng bềnh bên sông vắng. Trong hoàng hôn vàng, hình ảnh mờ mờ ảo ảo ấy đẹp như tiên cảnh, từ đó tên gọi Suối Tiên ra đời.

III. 

Suối Tiên đã gắn chặt với cuộc đời “người làng” trên 50 năm, họ rất thương sông, nhớ sông, chẳng có cái tết nào mà không rủ nhau gom góp thức ăn, đồ uống ra sông ngồi “tết muộn”. Họ ra đây để được hoài niệm nhớ nhung, được chìm đắm trong ký ức êm đềm một thời.

Dòng sông này, đoạn suối này, nơi đã từng ngâm mát tuổi thơ, chỗ hò hẹn của những mối tình quê một thuở, và biết bao kỷ niệm buồn vui mà đâu đó cứ như còn lẫn khuất trong từng gọp đá, bờ tre, hay soi mình trong bóng nước. Với những người sống xa làng, được về lại với sông xưa, ngồi bên bạn cũ, ngồi trong miên man nỗi nhớ, trong ấm áp tình làng, ấy là giây phút tuyệt vời lắng đọng khó quên.

Mỗi năm một lần ra sông điểm danh, lần nào cũng thấy thiếu, thấy thưa. Rưng rưng nỗi nhớ, rưng rưng mắt buồn! Thêm một người làng vĩnh viễn chẳng bao giờ còn được gọi hai tiếng “sông ơi”. “Tết muộn” sông Dinh, buổi họp mặt điểm danh mà sĩ số không bao giờ trọn vẹn!

IV. 

Đơn sơ, mộc mạc, “tết muộn” của người làng chỉ là những món dân dã bình dị có từ ruộng vườn, ấy là mấy con gà, con vịt tự nuôi, vài chục bắp, mớ đậu phộng, ít bánh trái còn lại sau tết… Nói chung ai có gì mang theo thứ đó.

Phụ nữ nhóm lửa, làm gà, làm vịt, cánh đàn ông xuống sông giăng lưới bắt cá, bắt ốc. Sau chừng non tiếng, lửa đã lên gà đã luộc, cá đã nướng. 

Tết giữa sông được bày ra khá thịnh soạn, món cá đồng nướng bao giờ cũng đắt hàng. Xen trong bữa tiệc là những câu chuyện rất đời thường. 

Chuyện vui về làng năm rồi có những nhiều em thi đổ đại học, sinh viên ra trường tìm được việc làm tốt, có người nhận bằng thạc sĩ… 

Chuyện cuối năm khoai mì được giá, nhà nào cũng có chút dư chi phí cho tết nhất. Rồi người này góp ý người kia, việc làm ăn, việc giáo dục con cái, giữ gìn truyền thống của làng. Xong chuyện đời, chuyện làng đến tiếu lâm, ca hát, chụp ảnh... cứ thế cuộc vui kéo dài đến tận chiều mới thôi.

Những chiếc xe bò lại hì hục chở đoàn người “tết muộn” quay về trên con đường đất thân quen. Rồi họ chia tay nhau, hẹn nhau, xuân năm sau ra sông điểm danh.

Ngô Văn Tuấn (Báo Bình Thuận)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem