Công ty cổ phần Nhất Nam thành lập ngày 17.2.1997, trụ sở tại số 2 đường Chương Dương Độ, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. Người đại diện là bà Đặng Thị Đan Tâm. Đây là một trong những công ty Việt Nam tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị.
Khi mới thành lập, Fivimart thực sự gây được ấn tượng tốt với người tiêu dùng Thủ đô bởi hàng hóa đa dạng, giá cả phải chăng, hệ thống máy tính tiền chất lượng cao, thường xuyên có các chương trình khuyến mãi giảm giá, tặng quà, bốc thăm trúng thưởng…
Công ty cổ phần Nhất Nam đã nhận được bằng khen của UBND TP. Hà Nội cho doanh nghiệp có đóng góp trong lĩnh vực phát triển thương mại dịch vụ trên địa bàn TP. Hà Nội trong 3 năm liên tiếp (2004 – 2006).
Công ty Cổ phần Nhất Nam bán 30% cổ phần chuỗi siêu thị Fivimart cho tập đoàn bán lẻ nước ngoài vào năm 2015
Đầu năm 2015, Tập đoàn bán lẻ nước ngoài tuyên bố mua lại 30% cổ phần của Fivimart (và 49% cổ phần của Citimart, 2 chuỗi bán lẻ siêu thị lớn ở hai thị trường miền Bắc và miền Nam Việt Nam) với tham vọng “Một mũi tên trúng hai đích”. Vừa là tăng tốc phát triển tại thị trường Việt Nam, vừa nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong nước về thương hiệu của họ.
Vào thời điểm tập đoàn này và Citimart hoàn tất thủ tục hợp tác kinh doanh, lãnh đạo Citimart từng cho biết, sau khi trở thành đối tác chiến lược Aeon sẽ giúp đơn vị này hay đổi việc quản lý hệ thống, hỗ trợ gắn kết thương hiệu, thay đổi phương pháp điều hành.
Ngoài ra, hai bên sẽ cùng khai thác nguồn hàng từ Việt Nam và Nhật Bản, phát triển nhanh số lượng siêu thị mới trong tương lai. Citimart lúc này đã phát triển hệ thống với 27 siêu thị ở sáu tỉnh thành của Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, Hưng Yên, Nha Trang, Bình Dương, Kiên Giang...
Trong khi đó, Fivimart, hệ thống siêu thị được điều hành và quản lý bởi CTCP Nhất Nam cũng có 10 siêu thị ở Hà Nội và đặt mục tiêu 2020 sẽ có 30 siêu thị trên toàn quốc.
Kết quả sau 3 năm hợp tác với Aeon, Fivimart đã mở rộng hệ thống siêu thị với số lượng siêu thị lên tới 30 siêu thị. Đồng thời, doanh thu cũng có sự cải thiện rõ rệt.
Theo đó, năm 2015, doanh thu Fivimart chỉ là 1.075 tỷ đồng thì đến năm 2017 đã tăng lên 1.269 tỷ đồng. Ngược với doanh thu, năm 2015, Fivimart báo lỗ 60 tỷ đồng và đến năm tiếp theo số lỗ đã lên 96 tỷ đồng. Trong năm 2017, Fivimart lỗ 23 tỷ đồng, kéo theo số lỗ lũy kế lên tới 197 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính của Fivimart cho thấy, giá vốn bán hàng của doanh nghiệp trong 2 năm liên tiếp là năm 2016 - 2017 đều ở trên mức 1.000 tỷ đồng, bằng 80% doanh thu, đây chính là nguyên nhân khiến cho lợi nhuận bị bào mòn chỉ còn vỏn vẹn hơn 242 tỷ đồng (năm 2017). Các khoản chi phí như chi phí quản lý doanh nghiệp cũng lên đến gần 272 tỷ đồng và chi phí tài chính hơn 11,8 tỷ đồng trong năm 2017. Điều tương tự đã diễn ra trong năm trước đó.
Hệ thống siêu thị này có nợ vay khá lớn. Tính tới cuối năm 2017, nợ vay của Fivimart lên tới 317 tỷ đồng. Nợ vay lớn khiến chuỗi siêu thị Fivimart mỗi năm mất hàng chục tỷ đồng chi phí lãi vay.
Chính vì lý do trên, đối tác nước ngoài đánh giá mối quan hệ với Fivimart không đem lại nhiều hiệu quả. Vào cuối tháng 9 vừa qua, đại gia bán lẻ Nhật Bản này đã quyết định bán đi 30% cổ phần đang nắm giữ tại Fivimart cho bên thứ ba. Aeon cho rằng động thái rút vốn khỏi Fivimart sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của tập đoàn này tại Việt Nam.
Tuy nhiên, với tham vọng vẽ lại bản đồ thị trường bán lẻ, hệ thống mạng lưới của Fivimart phù hợp với mục tiêu chiến lược của Vingroup và tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Đây chính là lý do Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại VinCommerce, đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup, mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Fivimart. Thương vụ nằm trong kế hoạch mở rộng thị trường nhằm hiện thực hóa mục tiêu 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng VinMart+ vào năm 2020.
Với việc mua lại 100% cổ phần chuỗi siêu thị Fivimart từ Công ty Cổ phần Nhất Nam, VinCommerce đã chính thức sở hữu toàn bộ hệ thống gồm 23 siêu thị Fivimart. Đây là một trong những đơn vị bán lẻ đã có hơn 10 năm hoạt động trên thị trường, sở hữu các điểm kinh doanh tại các khu phố trung tâm đông dân cư, thuận lợi giao thương.
Vấn đề của Fivimart chính là quản trị, điều này thì Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thể xử lý được. Bằng việc mua lại Fivimart, Vingroup không chỉ sở hữu 23 siêu thị Fivimart, mà còn sở hữu lượng khách hàng thân thiết của doanh nghiệp này. Đây chính là lợi thế giúp tỷ phú Phạm Nhật Vượng thực hiện nhanh hơn tham vọng vẽ lại bản đồ thị trường bán lẻ tại Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.