Vì sao GDP gấp đôi, nhưng kinh tế Đức lại lệ thuộc lớn vào Nga?

Lê Trang Chủ nhật, ngày 17/04/2022 06:00 AM (GMT+7)
Là nền kinh tế top đầu của thế giới với GDP gấp đôi Nga, thu nhập bình quân trên đầu người cao gấp 4 nhưng kinh tế Đức lại đang phụ thuộc lớn vào Nga. Thậm chí ngành công nghiệp, trụ cột của nền kinh tế Đức, sẽ sụp đổ nếu Berlin áp đặt lệnh cấm vận khí đốt với Moscow.
Bình luận 0

GDP Đức cap gấp đôi GDP Nga

Đức là quốc gia có dân số đông thứ hai với 83 triệu dân và diện tích lớn thứ 7 trong khối EU, nhưng chỉ bằng 1/50 về diện tích và ½ về dân số nếu so với Nga. Tuy có dân số đông và diện tích rộng lớn nhưng nếu so sánh các chỉ số của nền kinh tế Nga sẽ phải mất nhiều năm nữa mới đuổi kịp Đức. 

Hiện GDP Nga đang đạt 1.500 tỷ USD, đứng thứ 11 thế giới, trong khi đó theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2020, tổng GDP Đức đạt 3.806 tỷ USD, đứng thứ 4 thế giới và  gấp đôi GDP Nga. Còn tính theo sức mua tương đương, nền kinh tế Nga đứng thứ 2 châu Âu sau Đức với quy mô GDP đạt 4.021 tỷ USD.

Vì sao GDP gấp đôi, nhưng kinh tế Đức lại lệ thuộc lớn vào Nga? - Ảnh 1.

So sánh GDP giữa Đức và Nga. Nguồn WB

Nếu như nền kinh tế Nga dựa chủ yếu vào khai thác nguồn tài nguyên và xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt thì kinh tế Đức tập trung vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế tạo và dịch vụ. Với tỷ lệ xuất khẩu chiếm hơn 1/3 sản phẩm quốc nội, kinh tế Đức có chiều hướng xuất khẩu cao và xuất khẩu luôn luôn là yếu tố chủ chốt cho tăng trưởng kinh tế Đức. 

Tính đến cuối năm 2021, Đức là một trong hai quốc gia xuất khẩu nhiều nhất thế giới. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Đức gồm máy móc, hàng điện tử, ô tô, các sản phẩm hoá chất, thực phẩm, hàng dệt may, dụng cụ quang học và điện năng. Là một nước phụ thuộc nhiều vào ngoại thương nên Đức đồng thời cũng nhập nhiều loại hàng hoá và là nước nhập khẩu nhiều thứ hai thế giới. 

Chính nhờ nền kinh tế tập trung vào sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng cơ bản mà Đức có được nền kinh tế phát triển vượt bậc, có khả năng chống chịu và hồi phục nhanh sau các cuộc khủng hoảng kinh tế.

Vì sao GDP gấp đôi, nhưng kinh tế Đức lại lệ thuộc lớn vào Nga? - Ảnh 2.

Đức đứng thứ 5 về GDP tính theo sức mua tương đương trong khi Nga chiếm vị trí số 6

Năm 2019, chính phủ Nga đã phê chuẩn kế hoạch các mục tiêu quốc gia phát triển đất nước đến năm 2024, một trong những nhiệm vụ đó là đưa Nga vượt qua Đức để vào nhóm 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên với cuộc khủng hoảng ở Ukraine  hiện nay và "cơn mưa" các lệnh trừng phạt thì kế hoạch vượt kinh tế Đức của Nga có lẽ sẽ cần thêm rất nhiều thời gian.

Người nghèo ở Đức giàu gấp 10 lần người nghèo ở Nga 

Xét về GDP bình quân trên đầu người thì người Đức đang giàu gấp hơn 4 lần người Nga. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới GDP bình quân đầu người của Đức đạt 45.724 USD trong khi của Nga là 10.127 USD/người vào năm 2020. Tức là người Đức đang giàu hơn gấp 4,5 lần so với người Nga.

Vì sao GDP gấp đôi, nhưng kinh tế Đức lại lệ thuộc lớn vào Nga? - Ảnh 3.

So sánh GDP bình quân trên đầu người giữa Đức và Nga

Tại Đức, một người được phân loại là nghèo nếu họ sống bằng dưới 60% mức lương ròng trung bình, hiện là 1.176 Euro (1.429 USD)/tháng. Không nghèo là người nhận lương ròng hàng tháng hơn 3.900 Euro trở lên. 

Báo cáo Nghèo đói và giàu có mới nhất của Bộ Lao động Đức cho thấy, tỷ lệ người giàu ở Đức tiếp tục tăng trong những năm gần đây, tỷ lệ người nghèo cũng vậy; trong khi đó, khung thu nhập trung bình tiếp tục giảm. Tình trạng này trở nên trầm trọng hơn do đại dịch Covid-19. 

Tuy nhiên nếu mức chuẩn nghèo này của người Đức so với người Nga thì đang có một sự chênh lệch lớn.  Cụ thể, hiện có khoảng 19,2 triệu người Nga, chiếm 13,4% dân số bị coi là nghèo khổ khi sống với mức thu nhập ít hơn 9.452 rúp (139 USD) mỗi tháng. Tức là nếu cùng bị coi là người nghèo thì người nghèo ở Đức cũng đang giàu gấp 10 lần người nghèo ở Nga.

Việc lệch chuẩn này có lẽ đến từ sự chênh lệch trong mức lương tối thiểu giữa hai quốc gia. Mức lương tối thiểu của người dân Nga hiện nay rơi vào khoảng 190 USD/ tháng trong khi Đức được xem là quốc gia trả lương tối thiểu cao nhất trong khu vực châu Âu với khoảng 1.500 USD/ tháng.

Người Đức làm việc ít, chơi nhiều nhưng hiệu quả nhất thế giới 

Nổi tiếng là nền kinh tế số 1 Châu Âu nhưng Đức lại có chế độ làm việc khá "tình người" và hiệu quả. Lao động Đức làm việc ngắn nhất thế giới với bình quân 26,3 tiếng/tuần, nghĩa là nếu mỗi ngày làm 8 tiếng thì người Đức chỉ làm 3 ngày và 2,3 tiếng mỗi tuần. Tuy nhiên, lao động Đức lại đứng thứ 8 thế giới về hiệu năng với GDP bình quân 65,5 USD/người/giờ.

Vì sao GDP gấp đôi, nhưng kinh tế Đức lại lệ thuộc lớn vào Nga? - Ảnh 4.

Người Đức làm việc với hiệu năng cao với thời gian làm việc ngắn nhất thế giới

Thậm chí tại những công ty lớn như Mercedez Benz, các kỹ sư có thể lựa chọn làm 28 tiếng mỗi tuần (tương đương 5,6 tiếng mỗi ngày trừ thứ bảy chủ nhật) trong vòng 2 năm, sau đó tăng lên 35 tiếng mỗi tuần tại tập đoàn. Không chỉ có quy định chặt chẽ về số giờ làm việc, Đức còn có khá nhiều ngày nghỉ quốc gia so với các quốc gia châu Âu khác, theo Business Culture. 

Trong năm, người Đức có 24 ngày nghỉ lễ được trả lương. Ngoài các ngày lễ quen thuộc như Năm mới, Giáng sinh, người Đức còn đón những ngày nghỉ lễ riêng như Thứ 6 Tốt lành (rơi vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 4), ngày Thứ 2 Trắng (trong tháng 5)… 

Sự lệ thuộc vào Nga của nền kinh tế Đức 

Dù có một nền kinh tế mạnh và quy mô lớn hơn Nga nhiều lần nhưng Đức lại có một sự lệ thuộc đặc biệt vào Nga trong lĩnh vực năng lượng. Trong khi Mỹ và các đồng minh NATO trên khắp châu Âu thể hiện quan điểm cứng rắn với Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine thì Berlin lại vô cùng thận trọng với các lệnh trừng phạt.

Vì sao GDP gấp đôi, nhưng kinh tế Đức lại lệ thuộc lớn vào Nga? - Ảnh 5.

Đức nằm trong số các quốc gia châu Âu lệ thuộc nhất vào khí đốt từ Nga

Nguyên nhân chính đến từ việc 1/3 lượng dầu nhập khẩu của Đức, 45% lượng than và 55% lượng khí đốt nhập khẩu của Đức do Nga cung cấp. Khí đốt Nga là nguồn năng lượng chủ lực để sưởi ấm cho các hộ gia đình, làm đầu vào cho các nhà máy phát điện, và duy trì hoạt động của các nhà máy ở Đức. 

Sự phụ thuộc sẽ còn tăng lên khi dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đi vào hoạt động. Đường ống vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức qua biển Baltic trị giá hàng tỷ USD đã hoàn thành vào năm 2021, nhưng vẫn chưa được cấp phép hoạt động.

Dù Đức tuyên bố giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga, lượng khí đốt từ nước này vẫn chiếm 40% tổng nguồn cung của Berlin, giảm từ mức 50% trước khi chiến sự tại Ukraine nổ ra. Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Robert Habeck thừa nhận Đức khó tìm đủ nguồn thay thế khí đốt Nga tới giữa năm 2024. 

Trong khi đó, theo cảnh báo của 5 viện nghiên cứu kinh tế lớn của Đức, nền kinh tế nước này sẽ rơi vào một cuộc suy thoái sâu nếu bị Nga đột ngột cắt cung cấp khí đốt và dự kiến thiệt hại lên tới 238 tỷ USD. Kịch bản bị cắt nguồn năng lượng từ Nga cũng khiến tăng trưởng của Đức cả năm 2022 giảm 1,9% và đẩy Berlin vào cuộc suy thoái trong năm 2023, khiến nền kinh tế suy giảm 2,2%. Trong khi đó, với kịch bản năng lượng từ Nga vẫn được cung cấp cho Đức, dự báo tăng trưởng năm 2023 của Đức tăng từ 1,9% lên 3,1%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem