Là nền kinh tế lớn thứ 2, người dân Trung Quốc có giàu hơn dân Nga?
Là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, GDP gấp 14 lần Nga, nhưng người Trung Quốc có giàu hơn người Nga?
Lê Trang
Thứ bảy, ngày 09/04/2022 13:00 PM (GMT+7)
Là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, quy mô GDP lớn gấp 14 lần Nga nhưng người dân Trung Quốc có đang thực sự có cuộc sống giàu có hơn người Nga vốn đã quen với các cuộc khủng hoảng kinh tế và sống triền miên với các lệnh cấm vận?
"Chú gấu" Nga có thể là một thế lực về mặt quân sự trên thế giới nhưng trên bình diện kinh tế, Nga dường như nhỏ bé hơn nhiều so với các "siêu cường" kinh tế khác như Mỹ hay Trung Quốc.
Là quốc gia có nền kinh tế đang phát triển lớn thứ 11 theo GDP danh nghĩa, đứng thứ 6 thế giới theo sức mua tương đương năm 2020, GDP Nga đạt khoảng 1,464 nghìn tỷ USD.
Trong khi đó, Trung Quốc lại đang là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tính theo GDP danh nghĩa với 14,72 nghìn tỷ USD trong năm 2020 và là nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo PPP kể từ năm 2014. Tức là riêng tính GDP, Trung Quốc đã gấp Nga 14 lần.
Theo hãng tin SCMP, tổng GDP của công xưởng ngành sản xuất tại Trung Quốc là tỉnh Quảng Đông năm 2021 có thể xếp trong top 10 thế giới với 1,92 nghìn tỷ USD. Nếu để so sánh, con số này vượt tới 90% nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, bao gồm cả Nga.
Nếu nói về kinh tế Trung Quốc có lẽ người ta sẽ dùng đến nhiều chữ nhất. Bắt đầu cải cách nền kinh tế từ năm 1978, Trung Quốc đã sớm thu nhận được nhiều "trái ngọt" khi trở thành cường quốc có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 10% trong 30 năm. Bốn trong số 10 trung tâm tài chính lớn nhất thế giới nằm ở Trung Quốc. Con rồng châu Á cũng có 3 trên 10 sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất toàn cầu.
Trung Quốc cũng là nước đang nhận nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài nhất thế giới tính đến năm 2020 với khoảng 163 tỷ USD. Tính đến năm 2018, Trung Quốc đứng đầu thế giới về tổng số tỷ phú và thứ 2 về số triệu phú.
Nếu như nền kinh tế Trung Quốc dựa nhiều sản xuất và xuất khẩu hàng hoá thì nền kinh tế Nga chủ lực lại là ngành công nghiệp năng lượng. Nga nằm trong số ba nước hàng đầu thế giới về sản xuất các mặt hàng kim loại quý như platinum, vàng và quặng sắt.
Quốc gia này cũng là nhà sản xuất kim cương và palladium lớn nhất thế giới. Dãy núi Ural có vô số mỏ khoáng sản trong khí than, dầu, khí đốt và gỗ tập trung ở Siberia.
Nga hiện đứng vị trí thứ nhất trên thế giới về sản xuất và xuất khẩu khí đốt tự nhiên, thứ hai về xuất khẩu dầu mỏ.
Nhiều chuyên gia cho rằng nếu Nga đáp trả phương Tây bằng các biện pháp trừng phạt tương xứng chưa từng có và ngừng xuất khẩu năng lượng thì điều này sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Nước Nga hiện sở hữu dự trữ hơn 460 tỷ USD, với mức nợ là 29% GDP và ngoại tệ đủ cho 15,9 tháng nhập khẩu. Các dữ liệu kinh tế vĩ mô cơ bản này khiến các chuyên gia tin rằng Nga có thể chịu được các cú sốc toàn cầu, kể cả khi tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức thấp 1,5%.
Nhưng dự trữ ngoại hối này của Moscow chỉ bằng 1/6 so với Bắc Kinh. Trung Quốc là quốc gia có dự trữ lớn nhất thế giới trị giá 3,1 nghìn tỷ USD, thậm chí nếu tính cả số lượng tài sản nước ngoài sở hữu bởi các ngân hàng thương mại quốc doanh của Trung Quốc thì giá trị dự trữ của Trung Quốc còn tăng lên đạt gần 4 nghìn tỷ USD.
Người dân Trung Quốc có giàu hơn người Nga?
Tuy có GDP Trung Quốc lớn hơn Nga nhiều như thế nhưng thu nhập bình quân trên đầu người của hai nước lại xấp xỉ nhau. GDP bình quân đầu người (GDP/người) của Trung Quốc là 10.500 USD/người vào năm 2020, trong khi đó thu nhập bình quân đầu người của Nga tính cùng năm đạt 9.972 USD/ người.
Điều này có thể được lý giải bởi quy mô dân số của Bắc Kinh đang lớn gấp 10 lầnMoscow với 1,4 tỷ người so với 144,1 triệu người Nga.
Mức sống của người dân Trung Quốc đã tăng lên rõ rệt trong 4 thập kỷ qua kể từ khi nền kinh tế nước này mở cửa. Tuy nhiên, chênh lệch giàu nghèo cũng ngày càng rộng hơn, cản trở nỗ lực của Bắc Kinh trong việc chuyển hướng từ mô hình đầu tư cao, nợ nhiều sang mô hình tiêu dùng hộ gia đình để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng Lý Khắc Cường năm 2020 đã tuyên bố Trung Quốc hiện đang có đến 600 triệu người có mức thu nhập hàng tháng dưới 1.000 NDT (khoảng 140 USD). Những tuyên bố của Thủ tướng Lý Khắc Cường càng làm gia tăng thêm lập luận về việc Trung Quốc thực chất là quốc gia tương đối nghèo, vì hơn 40% trong số 1,4 tỷ dân hiện đang sống với thu nhập hàng ngày chưa đến 5 USD.
Trong khi đó ở Nga, kể từ khi Tổng thống Putin lên nắm quyền, tỷ lệ người nghèo ở Nga đã giảm đáng kể từ mức gần 30% năm 2000 xuống còn 13,4% năm 2016. Cụ thể, khoảng 19,2 triệu người Nga, chiếm 13,4% dân số đang sống với mức thu nhập ít hơn 9.452 rúp (139 USD) mỗi tháng.
Sự lệ thuộc lẫn nhau giữa Nga và Trung Quốc
Năm 2021, 16% dầu nhập khẩu của Trung Quốc là từ Nga. Việc này biến Nga trở thành nhà cung cấp dầu lớn hai của Trung Quốc, sau Saudi Arabia. Khoảng 5% khí đốt tự nhiên của Trung Quốc năm ngoái cũng là mua từ Nga.
Tổng thống Nga Putin gần đây công bố các hợp đồng dầu và gas với Trung Quốc trị giá khoảng 117,5 tỷ USD. Tuy nhiên, thị trường năng lượng lớn nhất của Nga cho đến nay vẫn là EU, và nước này cung cấp 40% gas và khoảng 26% dầu cho toàn khối.
Và với dầu mỏ, dữ liệu mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy vào năm ngoái Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 20% xuất khẩu của Nga, với phần lớn lượng dầu của Nga được xuất sang châu Âu.
"Xuất khẩu dầu và gas của Nga sang Trung Quốc đang tăng với tốc độ hơn 9% hàng năm trong 5 năm qua. Đây là mức tăng trưởng nhanh nhưng dù vậy, Trung Quốc chỉ bằng một nửa thị trường EU đối với lượng dầu của Nga", tiến sĩ Rebecca Harding, chuyên gia thương mại của Coriolis Technologies nhận xét.
Trong khi đó, Nga mua 70% sản phẩm bán dẫn từ Trung Quốc, theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson. Nước này cũng nhập khẩu máy tính, smartphone và phụ tùng xe hơi từ Trung Quốc. Xiaomi là một trong những thương hiệu smartphone phổ biến nhất tại Nga.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, đóng góp 16% kim ngạch ngoại thương cho Nga, theo số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hải quan Trung Quốc năm 2020.
Nhưng với Trung Quốc, tầm quan trọng của Nga thấp hơn rất nhiều. Quy mô thương mại giữa Trung Quốc và Nga dù đã tăng lên 146,9 tỷ USD trong năm ngoái, nhưng vẫn chỉ chiếm 2% tổng kim ngạch của Trung Quốc và chưa bằng một phần mười quy mô thương mại 1.600 tỷ USD giữa nước này với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.