Vì sao giá xăng dầu giảm mạnh, giá hàng hoá vẫn cao "bất chấp"?
Vì sao giá xăng dầu giảm mạnh, giá hàng hoá vẫn cao "bất chấp"!?
An Linh
Thứ tư, ngày 03/08/2022 12:49 PM (GMT+7)
Tính đến thời điểm 1/8, giá xăng dầu đã giảm 4 phiên liên tiếp, với mức giảm mạnh nhất trên 7.200 đồng/lít. Trái ngược, giá nhiều loại hàng hoá, thực phẩm vẫn neo ở mức rất cao, không có dấu hiệu giảm.
Xăng dầu giảm gấp 1,5 lần chu kỳ tăng giá, hàng hoá vẫn đứng im!
Theo tính toán, trong 4 kỳ giảm giá liên tiếp từ ngày 1/7-1/8, giá các loại xăng dầu đã giảm từ 1,2 đến 1,5 lần so với mức tăng giá của 7 lần điều chỉnh trong các tháng 4 đến hết tháng 6/2022.
Các loại hàng hoá vẫn tăng cao bất chấp giá xăng giảm mạnh trong thời gian vừa qua (Khải Phạm).
Cụ thể, tính đến ngày 21/6, giá xăng trong nước có chu kỳ 7 lần tăng giá liên tiếp tính từ tháng 4, mức giá tăng của E5 RON 95 là hơn 5.500 đồng, giá bán lẻ cao nhất 31.300 đồng, giá xăng RON 92 tăng hơn 4.800 đồng, giá bán lẻ cao nhất 32.800 đồng và giá dầu diesel bán lẻ cao nhất trên 30.000 đồng.
Từ mức giá trên đỉnh, ngày 1/7, giá xăng dầu bắt đầu giảm mạnh, qua 4 lần điều chỉnh giảm, tính đến hết ngày 1/8, giá xăng E5 đã giảm hơn 6.600 đồng/ lít, giảm 24.600 đồng; xăng RON 92 giảm mạnh 7.200 đồng, giá dầu diesel giảm 6.100 đồng/lít, giảm xuống 23.900 đồng.
Cùng với xu hướng tăng của giá xăng dầu trước đó, giá thực phẩm, đặc biệt là thịt, trứng và cá, rau xanh… trên cả nước từ tháng 4 đến nay liên tục tăng và giữ giá. Tại TP.HCM, trong tháng 4 và giữa tháng 6, Sở Tài chính thành phố đã cho phép tăng 2 lần giá trứng gà và vịt trong chương trình bình ổn thị trường. Mức giá tăng 2 lần đều từ 1.500 đồng đến 2.000 đồng/vỉ 10 quả.
Tại Hà Nội, từ khi xăng dầu tăng giá, giá cả các mặt hàng như thịt lợn, rau xanh và cá cũng ở mức rất cao. Giá thịt lợn ngoài chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi và siêu thị vẫn ở mức cao, trong cửa hàng tiện lợi, siêu thị dao động từ 100.000 đồng đến 180.000 đồng/kg, còn các chợ dân sinh dao động từ 90.000 đồng đến 140.000 đồng/kg; thịt ba chỉ hiện có mức giá bán cao nhất dao động từ 130.000 đến 150.000 đồng/kg, tại các cửa hàng tiện lợi thực phẩm sạch, siêu thị thịt ba chỉ ở mức 170.000 đến 180.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá các loại thịt khác như thịt gà ta, cá cũng vẫn ở mức rất cao. Hiện cá nước ngọt ở chợ dân sinh ở Hà Nội ở mức 40.000 đến 60.000 đồng/kg, cá trắm cỏ dao động ở mức 60.000 đến 80.000 đồng/kg, thịt gà dao động từ 130.000 đến 160.000 đồng/kg.
Nhiều người tiêu dùng cho biết, hiện giá các loại thịt, cá ở chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi vẫn giữ ở mức tăng từ 3.000 đến 6.000 đồng/kg/ tuỳ chủng loại. Giá các mặt hàng rau có giảm nhẹ, nhưng vẫn neo giá cao hơn thời điểm tháng 3/2022 là từ 800 đồng - 3.000 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), giá thịt heo hơi hiện đang ở mức 68.000 đến 70.000 đồng. Rõ ràng, mức giá thịt heo đến tay người tiêu dùng đắt từ 1,5 đến 4 lần so với giá thịt heo xuất chuồng.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đề nghị Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, UBND các tỉnh, thành phố cần kiểm soát vận chuyển heo và sản phẩm heo ra, vào VN, đồng thời ổn định giá cả thịt heo tại thị trường trong nước.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, mặt bằng giá heo hơi gần đây đang giảm về quanh mức 68.000 - 70.000 đồng/kg, so với giá thành sản xuất khoảng 60.000 đồng/kg thì mức giá này cả người chăn nuôi và người tiêu dùng đều có thể chấp nhận được.
"Về sự chênh lệch giữa giá heo xuất chuồng và giá bán đến tay người tiêu dùng đúng là có độ trễ nhất định. Việc này lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng vào cuộc giám sát, kiểm soát. Dù có độ trễ nhưng chắc chắn rằng khi giá thịt hơi và nguồn cung ổn định thì giá ở chợ cũng sẽ ổn định ở mức hợp lý trong thời gian tới"-Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Nguyên nhân đẩy giá thịt, cá, rau ngược chiều giá xăng
Theo các chuyên gia, hiện nay giá cả thị trường ở mức cao do nhiều nguyên nhân, trong đó có lạm phát kỳ vọng vẫn cao; chuỗi cung ứng hàng hoá nhiều loại mặt hàng bị đứt gãy do nguồn cung, do thời tiết và do dịch bệnh. Trong khi đó, quản lý chuỗi phân phối, giá cả trên thị trường bị bỏ lỏng. Giá các loại thực phẩm đang tăng ngược chiều với giá xăng, do động thái găm hàng, chờ giá hoặc do thiếu hụt nguồn cung.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội bình luận: Giá lên thì dễ mà xuống thì khó, bởi nguyên nhân khách quan là nhiều người cho rằng kết nối từ nhà sản xuất, trung gian và người tiêu dùng còn khá lỏng lẻo, nhà sản xuất, cung ứng là nông dân, người chăn nuôi, trồng trọt khi giá tăng chỉ kiếm được lợi nhuận ít, khi giá giảm gánh chịu tác động tức thì.
"Người tiêu dùng, khi giá tăng thì ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền, mâm cơm, khi giá xăng dầu giảm thì họ vẫn phải đợi khá lâu mới được tận hưởng việc giảm giá này. Có thể nói khi chưa được tận hưởng giá giảm, người tiêu dùng có thể gặp vào hoàn cảnh gặp ngay đợt tăng giá mới".
Đại diện đơn vị phân phối thực phẩm, ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc BRG Mart (Phụ trách khối bán lẻ của BRG) cho rằng: Tỷ trọng tác động vào giá của xăng dầu không nhiều so với các loại hàng hoá dịch vụ khác như giao thông, vận tải.
Tính toán của chúng tôi, xăng dầu chỉ chiếm từ 5-10% trong cơ cấu giá của hàng hoá, dịch vụ. Chính vì vậy, giá xăng dầu tăng hoặc giảm cũng chỉ tác động như vậy đến giá hàng hoá, dịch vụ. Trong khi đó, cơ cấu hàng hoá thực phẩm, hàng tiêu dùng trên thị trường bao gồm chi phí, nhân công, khấu hao và một phần chi phí xăng dầu, logistics…
"Thời gian vừa qua, một số nhà cung ứng có ý định tăng giá các mặt hàng cung cấp cho hệ thống siêu thị của BRG, tuy nhiên, sau khi ngồi lại thương thảo với họ, chúng tôi đã thuyết phục họ giữ nguyên giá bán để đảm bảo cạnh tranh, bình ổn nguồn cung và tránh tác động đến khách hàng của mình", TGĐ BRG Mart phân tích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.