Vì sao hàng loạt dự án bất động sản ở TP.HCM kêu cứu ?
Vì sao hàng loạt dự án bất động sản ở TP.HCM 'kêu cứu'?
Hoàng Hưng
Chủ nhật, ngày 22/05/2022 12:58 PM (GMT+7)
Không phải ngẫu nhiên, Hiệp hội bất động sản (BĐS) TP.HCM đã có văn bản gửi lãnh đạo TP.HCM đề nghị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại 64 dự án BĐS, thuộc 57 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.
Dễ thấy nhất tại dự án khu dân cư An Quý Tây (2,2ha), thuộc xã An Quý Tây, huyện Bình Chánh, do Công ty CP Đầu tư – Thương mại Thuận Hưng làm chủ đầu tư. Theo ông Lâm Trúc Nhỏ - Tổng Giám đốc Công ty Thuận Hưng, đây là dự án có diện tích đất nằm trong tổng diện tích đất hơn 10ha được Công ty Thuận Hưng tự bỏ tiền bồi thường cho người dân từ cách đây… 25 năm.
Một phần diện tích đất (2,2ha) bị dự án Trung tâm thương mại Bình Điền (do Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn làm chủ đầu tư) chồng lấn, nên UBND TP.HCM đã quyết định hoán đổi 2,2ha đất tại xã An Quý Tây cho Công ty Thuận Hưng. Thế nhưng đến nay, việc hoàn tất thủ tục về đất đai để Công ty Thuận Hưng triển khai dự án vẫn trì trệ ở các sở, ngành liên quan.
Kỳ quặc hơn, tại dự án chung cư Phú Mỹ 2 (quận 7), chủ đầu tư là Công ty Khải Huy Quân đã hoàn tất dự án. Trong đó, có 252 căn hộ thuộc diện nhà ở tái định cư phải giao lại chính quyền quản lý, giá trị xây dựng mới được cấn trừ vào tiền sử dụng đất của dự án.
Thế nhưng, suốt 1 năm nay, Công ty Khải Huy Quân thúc bách các sở, ngành TP.HCM sớm tiếp nhận 252 căn hộ và thực hiện cấn trừ tiền sử dụng đất. Song, đến nay 252 căn hộ vẫn chưa được tiếp nhận, bàn giao (?).
Tương tự, tại dự án Đông Tăng Long của Tổng Công ty CP Đền bù giải tỏa, khối chung cư nhà ở xã hội - tái định cư sau khi xây dựng hoàn thành sẽ bàn giao lại cho nhà nước và giá trị quyết toán được cấn trừ vào tiền sử dụng đất của dự án.
Hiện tại, dự án đã hoàn thành các thủ tục về phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, đánh giá tác động môi trường, PCCC, thẩm định thiết kế cơ sở. Tuy nhiên do vướng mắc về cơ chế thực hiện dự án, nên chưa được giải quyết thủ tục về đất đai và các thủ tục pháp lý còn lại. Để tháo gỡ, công ty nhiều lần có văn bản gửi UBND TP, nhưng đến nay vẫn chưa xong.
Ông Trần Quốc Dũng – đại diện Công ty Ngôi Sao Gia Định – cho biết: Dự án Moonlight Residences của công ty đã hoàn thiện. Đối với phần hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh, từ năm 2019, công ty đã nhiều lần xin cấp phép xây dựng để triển khai thi công hoàn thành đồng bộ với dự án.
Nhưng Sở Xây dựng chưa đồng ý cấp phép với lý do: Đối với phần hạ tầng kỹ thuật thì đề nghị phải thực hiện hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung về đất. Đối với phần công viên cây xanh thì chưa có quyết định giao đất, cấp "sổ đỏ".
Tuy nhiên, việc xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung về đất đai là do các cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Đối với phần công viên cây xanh, là công trình công cộng, công ty có trách nhiệm đầu tư xây dựng hoàn thành và bàn giao lại cho nhà nước quản lý.
Do đó, công ty chỉ được giao, cấp "sổ đỏ" đối với phần khu ở của dự án, không được giao, cấp "sổ đỏ" đối với phần diện tích công viên cây xanh. Các tréo ngoe này vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết rốt ráo.
Tiếp theo, khoảng gần 10 dự án BĐS do những "ông lớn" làm chủ đầu tư như: Hưng Thịnh, Thuận Thành Phát, Việt Tâm, Cơ khí và Xây dựng Bình Triệu… cũng đang "dậm chân tại chỗ" vì lý do "xác định nghĩa vụ tài chính" hoặc "nghĩa vụ tài chính bổ sung" chưa xong.
"Doanh nghiệp dài cổ đợi chờ, nhưng không biết đến bao giờ, thì các sở, ngành liên quan như: Sở Xây dựng, Sở TNMT, Cục Thuế… trả lời cho doanh nghiệp rằng đã "xác định" xong. Chính sự chậm trễ ấy, mà tại rất nhiều dự án, tiến độ cấp sổ đỏ cho người dân mua BĐS gần như tê liệt, gây nhiều phiền toái cho chủ đầu tư, khi bị khách hàng khiếu nại" – ông Ngô Triều Vân – Giám đốc Công ty Đại Thành nói.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM – cho biết: "Từ giữa tháng 3/2022, Hiệp hội đã có văn bản gửi UBND TP.HCM báo động tình trạng các doanh nghiệp BĐS "kêu cứu".
Ngay sau đó, Văn phòng UBND TP.HCM đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi về sự vụ này. Hiệp hội rất hoan nghênh và trân trọng sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo TP".
Thật vậy, Chủ tịch UBND TP.HCM đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở TNMT, Sở Quy hoạch – Kiến trúc… khẩn trương nghiên cứu nội dung kiến nghị của các doanh nghiệp; kịp thời trao đổi, làm việc và hướng dẫn các chủ đầu tư dự án thực hiện theo đúng quy định luật pháp. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền, thì báo cáo, xin ý kiến của UBND TP xem xét, quyết định.
Song, bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh (Công ty CP Tập đoàn Đông Dương) cho biết: "Dường như sau hàng loạt những sai phạm về quản lý đất đai xảy ra ở TP.HCM, tình hình xem xét, xử lý, phê duyệt các dự án BĐS trên địa bàn TP.HCM có vẻ bị… chững lại. Thêm vào đó, sự thay đổi lãnh đạo, nhân sự từ các cấp sở, ngành đến chính quyền, càng khiến cho các dự án BĐS chưa "chạy" suôn sẻ".
Theo bà Quỳnh, tình trạng nhiều dự án BĐS bị ách tắc, hoặc không được cơ quan nhà nước xem xét giải quyết, "cởi trói" kịp thời, sẽ làm cho nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở bị sụt giảm, kéo theo việc tăng giá BĐS như đang diễn ra, dù giao dịch không sôi động.
Việc các dự án BĐS đóng băng sẽ làm giảm cơ hội mua nhà của số đông người có thu nhập thấp. Trong khi đó, doanh nghiệp bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất; thậm chí có nguy cơ bị phá sản, môi trường kinh doanh bị suy giảm trầm trọng…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.