Vì sao loài cá biển ở Quảng Ngãi do dân câu bủa lại bán được giá cao, thương lái tranh nhau mua?
Vì sao loài cá biển ở Quảng Ngãi do dân câu bủa lại bán được giá cao hơn so với cách đánh bắt khác?
Chủ nhật, ngày 31/03/2024 10:05 AM (GMT+7)
Tháng Ba nồm rộ/ Tháng Tư nam non/ Cha mới bảo con/ Làm nghề câu bủa...". Những câu vè ngân nga của các ngư dân ở xóm Câu, tổ dân phố Thạnh Đức 2, phường Phổ Thạnh (TX Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), mở đầu chuyện nghề câu bủa gắn bó với ngư dân nơi đây từ hàng trăm năm trước.
Tổ trưởng tổ dân phố Thạnh Đức 2, phường Phổ Thạnh (TX Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) Võ Ngọc Duyên cho biết, hồi trước, ở đây ai cũng làm nghề câu nên được gọi là xóm Câu. Nhiều người khá giả đóng tàu lớn rủ bạn chài cùng hành nghề câu bủa trên những vùng biển xa.
Chiều muộn, ông Nguyễn Giáo, ở tổ dân phố Thạnh Đức 2, phường Phổ Thạnh ngồi bên hiên nhà sắp xếp cước và lưỡi câu ngay ngắn vào rổ.
Sau bữa cơm tối, cả nhà quây quần móc mồi bằng tôm biển vào những chiếc lưỡi câu. Chừng 2 giờ sáng hôm sau, ông cùng hai con trai gánh dụng cụ ra bờ đầm Nước Mặn rồi đặt xuống chiếc ghe vỏ gỗ gắn máy công suất nhỏ.
Tiếng máy nổ giòn, ghe quay mũi hướng ra đại dương qua cửa biển Sa Huỳnh lộng gió. Xa xa, ánh điện trên tàu cá nhấp nhô giữa biển khơi. Gió tràn trên biển đêm phả vào da thịt lạnh ngắt. Ghe rẽ sóng tiến ra khơi.
Ngư dân TX Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi hành nghề câu bủa trên biển.
Cách bờ chừng 7 hải lý, ông Giáo giảm ga, ghe chạy chầm chậm, lắc lư trên sóng nước. Hai người con thoăn thoắt buông câu khi bình minh dần ló dạng phía trời xa. Ngọn đèn điện trên ghe soi tỏ sợi dây nhợ màu xanh nhạt chìm dần vào làn nước.
Lưỡi câu gắn với sợi cước được cột vào dây nhợ, cách nhau chừng hai sải tay. Mỗi giàn câu khá dài gắn dăm ba chiếc phao xốp nổi lềnh bềnh trên mặt nước.
Nhiều giàn câu nối liền vào nhau với chiều dài hơn 5 hải lý gồm hàng nghìn chiếc lưỡi móc mồi dụ lũ cá ham ăn.
Sau khi buông câu, cha con ông Giáo mở gói cơm mang từ nhà ra ăn lót dạ. Cơm trắng và cá kho mặn được nấu bởi đôi tay khéo léo của vợ làm vơi mỏi mệt sau những giờ lênh đênh trên sóng nước.
Anh Nguyễn Châu Mỹ con trai ông Nguyễn Giáo theo cha làm nghề câu bủa.
Rồi ghe nổ máy át cả sóng gió đang vờn nhau trên biển. Ông Giáo điều khiển ghe quay lại nơi thả câu ban đầu. Hai người con nhịp nhàng kéo câu lên khỏi mặt nước.
Gương mặt họ rạng ngời bởi cá đổng, cá nhiễu, cá giã áo... mắc câu vùng vẫy khi bị kéo lên khỏi mặt nước. Họ nhanh tay gỡ cá rồi cho vào thùng ướp đá lạnh để hải sản được tươi lâu. Hồi lâu, những giàn câu được kéo lên khỏi mặt nước.
Ghe quay mũi hướng vào bờ. Xóm làng dần hiện rõ trong tầm mắt. Về đến bến cá Sa Huỳnh, tiểu thương chờ sẵn để mua cá chuyển đi tiêu thụ. Ông Giáo cùng hai con để dành mớ cá tươi ngon mang về chế biến thức ăn trong bữa cơm gia đình đậm đà hương vị biển.
"Nghề câu bủa cực lắm chú ơi! Thường thì hơn 1 giờ chiều về bến nhưng có lúc phải đến gần tối, nhiều bữa gặp dông gió nguy hiểm lắm. Bây giờ, câu được ít cá hơn trước, nhưng bù lại bán với giá cao. Gặp hôm may mắn, mỗi người kiếm được 500 nghìn đồng, thường thì đôi ba trăm nghìn đồng", ông Giáo tâm sự.
Một thời hưng thịnh
Ở tuổi 85, cụ Phan Văn Cúc khá minh mẫn, kể rành rẽ chuyện làng quê, nhất là nghề câu bủa nơi đây. Trước đây, ngư dân trong xóm mưu sinh bằng nghề câu trên biển.
Đêm tối, họ treo ngọn đèn sáng dẫn dụ cá, mực đến đớp mồi móc vào lưỡi câu gắn sợi dây nối với chiếc cần làm bằng tre, trúc... Sau đó, ngư dân chuyển sang câu bủa với hàng trăm lưỡi câu gắn vào sợi dây dài và bền chắc.
"Hồi trước bà con ở đây làm nghề câu rất nhiều, chủ yếu là câu bủa. Bây giờ đi xa gặp người lớn tuổi từng sinh sống trong làng nói mình ở xóm Câu Sa Huỳnh là biết ngay", cụ Cúc nói.
Cụ Cúc kể, sau ngày giải phóng, tôi cùng 4 ngư dân trong làng vay ngân hàng mua máy nổ gắn lên thuyền, rồi rẽ sóng vươn khơi hành nghề câu bủa.
Sau đó, 4 người bạn xin rút vốn, còn lại một mình tôi mưu sinh trên sóng nước. Trời không phụ lòng người, sự cần mẫn đã giúp tôi đánh bắt được nhiều cá tươi. "Khi ấy cá nhiều lắm, có bữa câu được 2 - 3 tạ cá thiều. Nhiều hôm trúng đậm cá nục lớn bằng bắp tay...", cụ Cúc nhớ lại.
Cá biển câu được từ câu bủa ở TX Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) bán với giá cao, luôn được tiểu thương ưa chuộng.
Còn với Tổ trưởng tổ dân phố Thạnh Đức 2 Võ Ngọc Duyên, đầu những năm 80, ông Duyên cùng nhiều ngư dân rời quê vào Nha Trang (Khánh Hòa), để hành nghề câu bủa trên vùng biển Trường Sa. Ngày ấy, cá rất nhiều, nên chỉ vài ngày hành nghề câu trên biển là ông cùng bạn chài lại quay về bờ. Ai cũng vui mừng vì có thu nhập khá.
"Hồi đó, cá mú nhiều nên làm ăn khấm khá. Nghề câu làm ăn phát đạt lắm", ông Duyên tâm sự.
Nghe ông Duyên nói thế, ông Giáo hào hứng góp chuyện, tôi cũng từng vào trong đó câu bủa với anh em rồi sau này mới về câu ở biển gần bờ.
Từ lúc 9 tuổi tôi đã đi câu bủa, cả biển xa lẫn gần bờ, đến nay đã 49 năm.
Còn nhiều trăn trở
Ngày trước, ngư dân ở các nơi đến Sa Huỳnh hành nghề giã cào bướm.
Họ đóng giàn gỗ ở đuôi tàu rồi buộc lưới xòe ra tựa đôi cánh bướm khi tàu tiến về phía trước. Vô số tôm cá lớn nhỏ chui vào lưới dày tựa chiếc phễu khổng lồ.
Hải sản thu được khá nhiều thôi thúc ngư dân ở xóm Câu chuyển đổi sang phương pháp đánh bắt theo những người bạn phương xa. Họ hồ hởi với kết quả thu được, chẳng ngờ đấy là khởi đầu chuỗi ngày khốn khó trong tương lai.
Nhiều người cải tiến phương pháp khai thác mới với nghề giã cào đôi. Hai tàu cá rẽ sóng song song kéo theo dàn lưới khá dày và lớn, cào hải sản từ lớn đến nhỏ khiến nguồn cá, tôm ngày càng suy giảm.
Biển gần bờ cạn kiệt, họ vay tiền cải hoán, đóng tàu công suất lớn vươn khơi xa với hy vọng ngày càng làm ăn phát đạt. Rồi biển xa cũng cạn cá, tôm khiến nhiều người thua lỗ vì khoản thu không đủ phí tổn. Nhiều ngư dân lâm vào cảnh nợ nần.
"Sau khi làm nghề câu ở Nha Trang trở về, tôi có số vốn kha khá nên vay thêm tiền đóng tàu hành nghề giã cào. Chỉ một thời gian ngắn, tôi thấy không ổn nên bán tàu trả nợ.
Ở đây, nhiều người làm nghề giã cào thua lỗ nên mất cả tàu và nhà cửa vì không thể trả nợ vay ngân hàng", ông Duyên cho biết.
Không may mắn như ông Duyên, cả 3 người con trai của cụ Cúc đều vay tiền đóng mới, cải hoàn tàu cá hành nghề giã cào đôi trên vùng biển phía bắc. Hai người con nhỏ làm ăn thua lỗ phải bán tàu để trả nợ.
Con út là anh Phan Văn Công bán cả nhà lẫn mảnh đất của cha nhưng vẫn chưa trả hết nợ vay.
Anh Công phải đi làm thuê trên tàu cá để kiếm tiền lo cho gia đình. Con trai đầu của anh mới 15 tuổi đã phải nghỉ học phụ việc trên tàu kiếm tiền giúp cha mẹ.
"Nghề giã cào đã mang đến nhiều hệ lụy. Cuộc sống của nhiều gia đình khó khăn, nợ nần chồng chất", cụ Cúc thở dài.
Chúng tôi chia tay xóm Câu với tiếng thở dài của những bậc cao niên. Họ xót xa khi cá, tôm cạn kiệt, con cháu làm ăn thua lỗ, nợ nần. Và, họ nhớ ngày xa, thuở thuyền ghe câu bủa về bờ rộn ràng tiếng cười vui.
Xóm Câu hiện có 160 hộ dân sinh sống với nguồn thu chủ yếu từ việc đánh bắt hải sản. Cá, tôm cạn kiệt nên cuộc sống của ngư dân gặp nhiều khó khăn.
Tổ trưởng tổ dân phố Thạnh Đức 2, phường Phổ Thạnh Võ Ngọc Duyên cho biết, hiện còn 4 chiếc ghe với khoảng 10 người hành nghề câu bủa. Thu nhập không cao lắm nhưng đủ trang trải cuộc sống gia đình, xây dựng nhà cửa khang trang.
Nếu có biện pháp ngăn chặn kiểu đánh bắt tận diệt để cho cá sinh sôi, dồi dào như trước thì thu nhập từ nghề này cao lắm. Bởi vì cá câu chất lượng cao nên bán rất được giá...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.