Vì sao Masan của ông Nguyễn Đăng Quang phải bán 110 triệu cổ phiếu quỹ?

Nguyễn Ngân Thứ sáu, ngày 14/09/2018 13:46 PM (GMT+7)
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018 cho thấy Masan của ông Nguyễn Đăng Quang đang đạt lợi nhuận kỷ lục, dòng tiền tuy giảm nhưng dùng nâng tỷ lệ sở hữu tại một số doanh nghiệp thành viên.
Bình luận 0

Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN) của chủ tịch Nguyễn Đăng Quang vừa thông qua phương án bán toàn bộ gần 110 triệu cổ phiếu quỹ của công ty. Theo đó, Masan bán gần 110 triệu cổ phiếu quỹ hiện đang nắm giữ.

img

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan

Thời gian dự kiến thực hiện trong năm 2018 sau khi được UBCK thông báo về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo bán cổ phiếu quỹ của công ty. Phương thức giao dịch là khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Vùng giá dự kiến khoảng 100.000 đồng/cp.

Ông Nguyễn Đăng Quang là người được ủy quyền lựa chọn đối tượng nhà đầu tư và không nhất thiết phải là cổ đông hiện hữu. Cổ phiếu quỹ bán ra không bị hạn chế chuyển nhượng, trừ khi nhà đầu tư có thỏa thuận riêng với công ty.

Masan thu lợi 4.000 tỷ từ bán cổ phiếu quỹ?

Trước đó, hồi cuối 2017, Masan đã mua vào 100,66 triệu cổ phiếu quỹ nâng lượng cổ phiếu quỹ nắm giữ lên mức gần 110 triệu cổ phiếu quỹ như hiện nay. Mức giá bình quân mua vào khi đó chỉ khoảng 58.000 đồng/cp, với tổng giá trị khoảng 5.900 tỷ đồng. Theo báo cáo hợp nhất quý II.2018, Masan ghi nhận giá trị số cổ phiếu quỹ nói trên ở mức hơn 6.500 tỷ đồng.

Phiên giao dịch ngày 14.9, giá cổ phiếu MSN của Masan là 92.400 đồng/cp. Do vậy, nếu bán thành công ở mức giá dự kiến 100.000 đồng/cp, Masan sẽ có chênh lệch khoảng 4.000 tỷ đồng.

Theo Masan, mục đích của việc bán cổ phiếu quỹ đợt này nhằm bảo đảm huy động vốn một cách linh hoạt, tối ưu hóa bảng cân đối tài chính của công ty và tăng trưởng lợi nhuận. Hiện tại, cổ phiếu MSN có giá 92.600 đồng/cp.

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018 cho thấy lợi nhuận sau thuế 6 bất ngờ đạt hơn 3.400 tỷ đồng, tăng 560% so với cùng kỳ 2017. Đóng góp chính vào lợi nhuận của Masan là nhờ doanh thu thuần Masan Consumer Holdings tăng 36,9%, doanh thu từ CTCP Tài nguyên Masan cũng tăng 26,6% và tăng trưởng lợi nhuận từ Techcombank và lợi nhuận từ giả định bán do giảm tỷ lệ lợi ích của Công ty trong Techcombank. Bên cạnh đó, lợi nhuận tăng còn do chi phí bán hàng và chi phí quản lý chung trên doanh thu thuần giảm mạnh.

img

Tuy nhiên, báo cáo tài chính 6 tháng cho thấy một bức tranh tài chính không mấy sáng sủa, đặc biệt là áp lực về dòng tiền của Masan.

Tại thời điểm 30.06.2018, vay nợ ngắn và dài hạn của Masan ở mức khá cao với 34.733 tỷ đồng. Nếu so với tổng tài sản của tập đoàn này, Masan là một trong những doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ chiếm 50% tổng tài sản.

Vay nợ vào 30/6/2018 có giảm nhẹ so với cuối năm 2017, do đó chi phí lãi vay của cả Tập đoàn 6 tháng đầu năm là 1.500 tỉ đồng so với 1.630 tỷ đồng nữa cuối 2017, tức giảm 130 tỷ đồng.

Một điểm nữa, dù tiền và các khoản tương đương của Masan ở mức rất cao với hơn 5.518 tỷ đồng nhưng nêu so với đầu năm đã sụt giảm hơn 1.880 tỷ đồng là do tăng cường đầu tư tăng tỉ lệ sở hữu tại các công ty con và chi trả cổ tức.

img

Một điểm đáng lưu ý, đó là vốn chủ sở hữu của Masan có sự sụt giảm so với cuối năm 2017. Cụ thể, vốn chủ sở hữu sụt giảm từ 22.225 tỷ đồng hồi cuối năm 2017  xuống còn 22.016 tỷ đồng, giảm 209 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm nhẹ dù lợi nhuận 6 tháng 2018 tăng mạnh chủ yếu vì giảm khoảng 2.000 tỷ chủ yếu là do giao dịch vốn chủ sở hữu với cổ đông không kiểm soát (1.157 tỷ đồng) và cổ tức cho cổ đông không kiểm soát (527 tỷ đồng).

Mặc dù vốn góp cổ đông có tăng thêm 58 tỷ đồng, lên 11.631 tỷ đồng và lợi nhuận chưa phân phối tăng mạnh từ hơn 7.000 tỷ đồng lên 12.350 tỷ đồng. Nguyên nhân có lẽ do lợi nhuận sụt giảm so với kỳ trước xuống còn hơn 2.100 tỷ và lợi ích cổ đông không kiểm soát còn hơn 5.000 tỷ đồng.  

Mạnh tay thâu tóm

Một nguyên nhân khác dẫn đến nguy cơ mất cân đối tài chính của Masan, đó là thời gian qua công ty của ông Nguyễn Đăng Quang mạnh tay thâu tóm doanh nghiệp thông qua hệ thống công ty con. Mới đây, MSN của ông Nguyễn Đăng Quang đã công bố thông tin về việc CTCP Tài nguyên Masan - Masan Resources (MSR) chi 29 triệu USD (khoảng 680 tỷ đồng) mua lại 49% nhà máy chế biến hóa chất vonfram hàng đầu thế giới Núi Pháo - H.C.Starck từ H.C.Starck. Theo đó, Núi Pháo đã trở thành công ty con do MSR sở hữu 100% vốn.

img

CTCP Tầm nhìn Ma San hiện đang nắm khoảng 96% cổ phần của Masan Resources (MSR). Trong khi đó, CTCP Tầm nhìn Ma San là công ty con 100% vốn do CTCP Tập đoàn Masan (MSN) nắm giữ.

Như vậy, thương vụ này thực chất là do Tập đoàn Masan (MSN) của ông Nguyễn Đăng Quang thực hiện và Tập đoàn Masan đã có công bố thông tin báo cáo UBCKNN và Sở GDCK TP.HCM (HOSE).

Trước đó 1 ngày (ngày 14.8), thông tin từ HOSE cho biết, CTCP Chứng khoán Kỹ thương - công ty con 100% vốn đầu tư của Ngân hàng Techcombank đã chi 500 tỷ đồng để mua trái phiếu của Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo.

Ngoài ra, mặc dù Masan cũng tái khẳng định, mức dự báo kết quả kinh doanh trong năm 2018 sẽ vẫn tương tự như đã công bố đầu năm nay. Tuy nhiên, Công ty vẫn sẽ tiếp tục theo dõi các rủi ro có thể gây ảnh hưởng đến các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận thuần.

Trong đó, đối với MNS, khủng hoảng giá heo kéo dài hơn dự kiến và tốc độ tái đàn có thể sẽ chậm hơn sẽ ảnh hưởng đến doanh thu. Lợi nhuận cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu giá nguyên vật liệu đầu vào tăng. Còn MCH, việc tiêu thụ các sản phẩm mới của Công ty có thể chậm và khả năng trì hoãn việc tung một số sản phẩm mới ra thị trường. Đối với MSR thì giá vonfram hiện đang cao hơn mức Công ty dự tính nên có khả năng doanh thu và lợi nhuận sẽ cao hơn.

Việc bán cổ phiếu quỹ có thể giúp Masan trả bớt nợ vay, huy động vốn để tăng cường đầu tư vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi và đầu tư vào M&A.

Ông Nguyễn Đăng Quang chưa được Forbes công nhận nhưng theo hãng tin tài chính Bloomberg, khối tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Masan (MSN) đạt 1,2 tỷ USD từ đầu 2018 và là tỷ phú USD thứ 3 Việt Nam, sau ông Phạm Nhật Vượng Vingroup và bà Nguyễn Thị Phương Thảo VietJet.

Theo số liệu trên sàn chứng khoán, là chủ tịch nhưng ông Nguyễn Đăng Quang chỉ nắm giữ 10 cổ phiếu của tập đoàn này. Tuy nhiên, thông qua CTCP Masan (Masan Corp), doanh nghiệp đang trực tiếp và gián tiếp nắm giữ 50% cổ phần của Masan Group, ông Nguyễn Đăng Quang được xem là cổ đông chính của  MSN và có khối tài sản nói trên.

Ông Quang khởi nghiệp từ những năm 90 sau thời gian dài học tập và công tác tại Nga với lĩnh vực sản xuất mỳ gói. Sau này, công việc kinh doanh mở rộng sang cả ngành sản xuất đậu nành, cá và tương ớt. Năm 2001, ông Nguyễn Đăng Quang chuyển toàn bộ nhà máy về Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem