Vì sao một ngôi làng ở Khánh Hòa được vinh dự mang tên "làng Bác Hồ"?
Làng Bác Hồ ở Khánh Hòa (Bài 1): Cả làng đồng lòng theo cách mạng, bắn rơi 7 máy bay địch
Công Tâm
Thứ sáu, ngày 11/08/2023 18:30 PM (GMT+7)
Tại thôn A Xây, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) có một ngôi làng từ lâu đã mang tên “Làng Bác Hồ”. Bà con nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai, một lòng đoàn kết theo Đảng, theo cách mạng.
Vào những ngày đầu tháng 8/2023, chúng tôi vượt đoạn đường dài lên vùng núi heo hút tại thôn A Xây, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) để tìm hiểu câu chuyện thú vị về "Làng Bác Hồ".
A Xây nằm dưới chân núi Hòn Dù, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 40km về phía Tây. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hòn Dù nổi tiếng với những căn cứ cách mạng bí mật, là nơi che chở để cách mạng hoạt động, trưởng thành dưới những cánh rừng sâu.
Theo các bậc cao niên trong làng, đến nay người dân vẫn chưa nhớ ngôi được ngôi làng này thành lập từ năm nào, chỉ biết làng có từ lâu đời, từ thời còn bom đạn người dân thôn A Xây quyết một lòng, một dạ theo cách mạng, theo Đảng, Bác Hồ.
Ông Cao Dáng - Nguyên Chủ tịch UBND xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh cho biết: Trong khoảng thời gian quân Mỹ - Ngụy thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, núi Hòn Dù là một trong những địa cứ mà kẻ thù nhắm đến để tiêu dịch lực lượng cách mạng.
Ông Cao Dáng cho biết thêm, bà con nơi đây rất tự hào với tên gọi đặc biệt "Làng Bác Hồ", bởi bà con đồng bào Raglai nơi đây đã lập thành tích vang dội bắn hạ 7 chiếc máy bay của địch. Để ghi nhớ chiến công đó, chính quyền địa phương và bà con cùng lập khu đài tưởng niệm.
Đài tưởng niệm các chiến sĩ đã bắn hạ 7 máy bay của địch.
Ông Cao Dáng kể: "Trong cuộc kháng chiến, cao điểm những đợt càn quét của quân Mỹ tại vùng cách mạng A Xây là vào các năm 1969-1970. Để thực hiện các kế hoạch này, quân Mỹ huy động nhiều máy bay trực thăng, cho một lượng lớn quân đổ bộ xuống các vùng quanh núi Hòn Dù. Vốn là những người con sinh ra từ rừng núi, người dân A Xây thấu hiểu rừng, nguồn nước và địa bàn như nhà của mình. Họ cùng cán bộ cách mạng len lỏi qua từng cánh rừng sâu, men theo từng con suối để ẩn náu rồi bất ngờ tấn công địch bằng những trận đánh du kích chớp nhoáng bất ngờ".
Theo những người trong làng, thôn A Xây nguyên thủy trước đây thuộc xã Khánh Nam, sau đó nhập vào xã Khánh Minh, sau chiến tranh nhập trở lại vào xã Khánh Nam. Trải qua thời gian thay đổi như thế nào, nhưng bà con vẫn quyết một lòng, một dạ theo cách mạng, theo Bác Hồ.
Cả "làng Bác Hồ" theo cách mạng
Vị trưởng thôn A Xây vui mừng cho biết thêm: "Trước đây, bà con trong thôn chỉ quen trồng cây mía, cây mì nên hiệu quả thấp, đời sống bấp bênh. Sau khi địa phương vận động, người dân đã tích cực chuyển đổi sang các cây trồng có hiệu quả kinh tế bằng các giống cây keo, bưởi da xanh".
Bà Cao Thị Miên (SN 1932, người Raglai, thôn A Xây, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh) kể về cuộc chiến tranh ác liệt: "Đến giờ này tôi vẫn nhớ rất rõ những đêm thức trắng sống cùng với bom đạn. Ngày xưa, tôi cùng lớn lên như những người trong làng. Khi có chiến tranh, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc tôi nhanh chóng theo cách mạng".
"Tôi tham gia cách mạng nấu cơm, nấu mì, bắp, đậu cho các chú bộ đội khoảng 8 năm, thỉnh thoảng khi đang nằm ngủ cũng nghe bom đạn rơi đùng đùng. Nhưng dù thế nào, tôi cùng người dân không sợ mà quyết chí hoàn thành nhiệm vụ. Công việc nấu ăn cho bộ đội ở ngoài tưởng đơn giản, nhưng không phải thế đâu, bởi nấu ăn trong đây phải thật sự bí mật, không cho khói bay lên nếu khói bay lên thì địch phát hiện nơi mình ở ngay".
Bà Miên cho hay: "Gia đình ngoài tôi theo cách mạng, còn có bố mẹ và con gái cũng theo phục vụ bộ đội để góp công vào hòa bình đất nước bình yên. Tôi luôn giáo dục các thế hệ sau phải tuyệt đối ghi nhớ về các bậc tiền bối những người đã hy sinh bảo vệ tổ quốc. Các thế hệ sau phải cố gắng học tập để phục vụ quê hương tươi đẹp, chịu khó làm ăn, loại bỏ những hủ tục lạc hậu mê tín dị đoan".
Bà con trong thôn A Xây rất quý mến khách, hòa đồng với mọi người từ các vùng miền lên vùng đất này mỗi khi đi công tác hoặc tham quan, thắp hương. Khi khách lạ hỏi khu tưởng niệm. bà con đều vui vẻ chỉ lối đi vào ngay, bởi xem đây là một hoạt động nhằm tri ân cho các thế hệ đi trước.
Bà Cao Thị Phượng - Trưởng thôn A Xây cho biết: "Toàn thôn có 176 hộ/657 nhân khẩu, chủ yếu bà con trong làng sản xuất nông nghiệp làm nương rẫy, buôn bán nhỏ. Trên điạ bàn thôn chỉ có 11 hộ người Kinh, trong đó còn lại là đồng bào dân tộc thiểu số, người Raglai chiếm khoảng 80%".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.