Vì sao Mỹ-Hàn "làm ngơ" trước mối đe dọa tên lửa hạt nhân Triều Tiên?

Đông Dương (theo Diplomat) Thứ năm, ngày 28/04/2016 06:00 AM (GMT+7)
Giới chuyên gia phân tích nhận định, Mỹ và Hàn Quốc đang ngày càng trở nên "miễn dịch" với các mối đe dọa và khiêu khích định kỳ đến từ Triều Tiên.
Bình luận 0

Trong một bài bình luận trên tạp chí The Diplomat, nhà phân tích Elaine Ramirez nhận định, Triều Tiên đang ngày càng củng cố sức mạnh hạt nhân bằng cách ra mắt một loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).

Dễ dàng dự đoán được rằng, động thái của Triều Tiên dấy lên phản ứng chỉ trích, lên án gay gắt từ cộng đồng quốc tế. Theo đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) cáo buộc động thái của Triều Tiên "vi phạm nghiêm trọng" nghị quyết của UNSC, cấm Bình Nhưỡng theo đuổi các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

img

Hình ảnh vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm được hãng thông tấn Triều Tiên công bố ngày 24.4. Ảnh: KCNA

Tuy nhiên, theo ông Elaine Ramirez, phản ứng chỉ trích và lên án lặp đi lặp lại của cộng đồng quốc tế tương ứng với các hành động khiêu khích định kỳ của Triều Tiên và không dẫn tới bất cứ kết quả nào. Tình hình trên bán đảo Triều Tiên do đó vẫn liên tục nóng như chảo lửa và khó lòng hạ nhiệt trong dài hạn.

Ông Park Hwee-rhak, một giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Kookmin nhận định, những động thái mới của Triều Tiên trong tuần qua chỉ ra mối đe dọa nghiêm trọng hơn gấp 3 lần so với vụ thử hạt nhân của nước này năm 2013.

Ông Park giải thích rằng, bất chấp nền kinh tế yếu kém, Triều Tiên dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn đạt được nhiều tiến bộ quân sự vượt bậc hơn thời cha ông, cố lãnh đạo Kim Jong-il.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từng dự đoán, Triều Tiên sẽ có khả năng sở hữu tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm hoàn thiện trong vòng 3-4 năm tới nhưng mới đây đã rút xuống còn 2-3 năm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự, trong đó có ông Park tin rằng, thời gian có thể còn rút ngắn hơn nữa, xuống chỉ 1-2 năm hoặc thậm chí còn ngắn hơn.

Theo ông Park, Mỹ và Hàn Quốc vẫn còn giữ tâm lý xem thường những tiến bộ về công nghệ tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên và chưa thực sự đánh giá đúng mức về sức mạnh quân sự của nước này.

"Điều nguy hiểm nhất là người Hàn Quốc và quân đội Mỹ đang ngày càng trở nên miễn dịch trước các mối đe dọa mới từ Triều Tiên", ông Park bình luận.

img

Binh sĩ Hàn Quốc đứng gác tại một chốt kiểm soát gần biên giới liên Triều

Theo vị chuyên gia này, Washington và Seoul cho rằng, các động thái khiêu khích và đe dọa của Bình Nhưỡng chỉ là chương trình hướng đến các khán giả trong nước, nhằm giúp tăng danh tiếng và quyền lực cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Cả Washington và Seoul đều không tin Bình Nhưỡng có ý định thống nhất bán đảo Triều Tiên bằng vũ khí hạt nhân.

Ông Park nhận định rằng, hiện tại công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên vẫn còn hạn chế và chưa thể tấn công lục địa Mỹ. Tuy nhiên, các loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mới mà Triều Tiên vừa ra mắt trong 1-2 năm tới có thể đe dọa lục địa Mỹ.

Theo chuyên gia này, nếu Triều Tiên thành công trong việc phát triển SLBM có khả năng tấn công lục địa Mỹ, Washington sẽ phản cân nhắc một vấn đề nghiêm túc, đó là, liệu có nên dùng vũ khí hạt nhân để tấn công trả đũa trong trường hợp Triều Tiên phát động một cuộc chiến với Hàn Quốc. Bởi tới khi đó, Mỹ cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên cũng có thể nhấn chìm Seattle, San Francisco hoặc Los Angeles trong biển lửa.

"Không ai tin rằng, Triều Tiên có thể sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc SLBM, nhưng năm này qua năm khác, họ vẫn đang phát triển những loại vũ khí như vậy. Và khi họ thực sự sở hữu nó, một trò chơi quyền lực mới sẽ diễn ra",  Yang Uk, một chuyên gia quốc phòng Hàn Quốc nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem