Vì sao Mỹ-Trung không dám cắt cầu đàm phán?

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ tư, ngày 28/08/2019 14:00 PM (GMT+7)
Bên lề hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm G7 tổ chức ở Biarritz (Pháp), tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra lạc quan về triển vọng của vòng đàm phán thương mại tới giữa Mỹ và Trung Quốc. Cứ theo lời ông Trump thì phía Trung Quốc đã chủ động ngỏ ý muốn lại đàm phán thương mại với Mỹ và ông Trump tin rằng sẽ đạt được thoả thuận lớn giữa hai bên.
Bình luận 0

img

Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Chỉ ngay trước đấy thôi, ông Trump vẫn còn giận dữ và rất không hài lòng với Trung Quốc. Sau khi Trung Quốc quyết định áp thuế quan bảo hộ thương mại, ban đầu với 5%, đối với 75 tỷ USD giá trị hàng hoá của Mỹ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, ông Trump đã phản ứng ngay bằng việc tăng mức thuế quan bảo hộ thương mại lên 30% đối với 250 tỷ USD giá trị hàng hoá của Mỹ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đã bị phía Mỹ áp thuế quan bảo hộ thương mại 25% và đồng thời tăng lên mức 15% đối với thêm 300 tỷ USD giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ vốn đã bị phía Mỹ dự định áp mức thuế quan bảo hộ thương mại 10% từ ngày 1.9 tới.

Ông Trump đã chứng tỏ là dễ dàng nhanh chóng không chỉ thay đổi quan điểm mà còn chuyển từ thái cực này sang thái cực kia trong cả phát ngôn lẫn hành động. Bởi vậy, không chỉ trong chuyện xung khắc thương mại này giữa Mỹ và Trung Quốc mà ở trong tất cả các chuyện mắc mớ hiện tại giữa Mỹ và các đối tác khác trên thế giới, thực trạng luôn có thể bất ngờ xoay chiều đổi hướng diễn biến. Nguyên nhân ở chỗ ông Trump muốn ép các đối tác phải chơi cuộc chơi và theo sự dẫn dắt của chơi của mình chứ không phải ngược lại.

Cuộc xung khắc thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc về cơ bản hiện vẫn chỉ là cuộc xung khắc thương mại vì cả hai bên đều mới chỉ sử dụng các biện pháp thương mại để chơi nhau, cụ thể là dùng thuế quan bảo hộ thương mại. Trong đàm phán, Mỹ và Trung Quốc thương thảo với nhau về cả nhiều vấn đề khác nữa và những nội dung này tác động cũng rất quyết định tới kết quả cuộc đàm phán, nhưng tất cả những cú đòn mà bên này ting ra giáng vào bên kia hiện đều vẫn chỉ mang tính thương mại thuần tuý. Xung khắc sẽ mang bản chất và tầm vóc, chất lượng và quy mô khác, vì thế sẽ với tác động, hệ luỵ và hậu quả rất khác nếu như bên này hay bên kia sử dụng đến vũ khí khác hay biện pháp khác, chẳng hạn như sử dụng tiền tệ hay các biện pháp chính sách không phải là thuế quan.

Sau khi Trung Quốc ngừng can thiệp vào thị trường ngoại hối khiến đồng Nhân dân tệ bị sụt giá lần đầu tiên kể từ năm 2008, phía Mỹ đã ngay lập tức coi Trung Quốc là lũng đoạn tiền tệ. Hiện tượng thì như thế nhưng trong thực chất thì cả hai phía đều chưa dùng đến các biện pháp chính sách tiền tệ để đấu nhau trong lần xung khắc thương mại này. Hai bên cũng chưa quyết định áp dụng bất cứ biện pháp chính sách nào không thuộc về thuế quan.

Nhìn vào mức độ thì cuộc xung khắc thương mại hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc rất quyết liệt và quyết liệt chưa từng thấy từ trước đến nay trong lịch sử quan hệ giữa hai nước này. Nhưng nó lại có thể được hạ hoả và giải quyết một cách rất nhanh chóng và bất ngờ bởi ba lý do sau đây.

Thứ nhất, nó sẽ được giải quyết chỉ với quyết sách của hai bên về thương mại thuần tuý và việc đưa ra quyết sách ấy không khó khăn gì nhiều đối với cả hai bên.  Thoả hiệp về thương mại không thôi thì đơn giản, chỉ khi gắn nó với những yêu cầu đòi hỏi khác nữa trên những lĩnh vực khác nữa thì mới khó khăn và phức tạp.

Thứ hai, ông Trump dễ dàng nhanh chóng thay đổi quan điểm nên chỉ cần phía Trung Quốc tìm ra cách thức thích hợp để người này không bị mất thể diện và có thể biến nhượng bộ cho Trung Quốc thành thắng lợi trước Trung Quốc thì xung khắc thương mại sẽ được giải quyết.

Thứ ba, tuy không dám và không thể thú nhận công khai nhưng cả hai bên đều bắt đầu thấm thía tác động tiêu cực của lần xung khắc thương mại này đối với tăng trưởng kinh tế và xã hội nội bộ ở cả hai bên. Cái tác dụng phụ này rồi sẽ buộc hai bên phải đi vào thoả hiệp và thoả thuận với nhau. Một khi các biện pháp thuế quan này không còn có thể áp dụng lâu hơn được nữa và các biện pháp chính sách khác - như về tiền tệ và phi thuế quan - cả hai đều không dám vận dụng thì hai bên sẽ buộc phải thoả hiệp với nhau.

Chính vì thế mà hai bên không dám cắt cầu đàm phán, phía Trung Quốc chủ động đề nghị tiếp tục đàm phán và ông Trump tỏ ra lạc quan về triển vọng của đàm phán thương mại giữa hai bên. Chính vì thế, Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm chứ không còn muộn nữa đạt được thoả thuận về giải pháp cho lần xung khắc thương mại này. Chỉ có điều là giải pháp ấy có tác dụng lâu bền hay đoản thọ lại là chuyện khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem