Nhiều nghệ sĩ bức xúc vì gói hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 chưa đến đúng "địa chỉ"

Huy Hoàng Thứ tư, ngày 01/09/2021 06:00 AM (GMT+7)
Khi Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Hà Nội công bố danh sách nghệ sĩ được hưởng gói hỗ trợ khó khăn vì dịch Covid-19, nhiều nghệ sĩ đã chia sẻ quan điểm riêng với Dân Việt, trong đó có diễn viên Ngọc Quỳnh - người được hưởng hỗ trợ.
Bình luận 0

Ngày 1/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, có hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Mới đây, Sở VHTT Hà Nội đã công bố danh sách 99 viên chức hạng IV là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ của 6 Nhà hát trực thuộc Sở được hưởng khoản trợ cấp trong gói hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và các viên chức hoạt động nghệ thuật gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. 

Điều đáng nói là trong danh sách này, dàn diễn viên đình đám như: Hồng Đăng, Thanh Hương, Ngọc Quỳnh... được hưởng gói hỗ trợ. Việc dàn diễn viên được cho là có thu nhập tốt vì thường xuyên "lên sóng" phim giờ vàng ngay sau đó đã vấp phải phản ứng của nhiều đồng nghiệp và khán giả.

 Ngọc Quỳnh xin nhường tiền hỗ trợ khó khăn do Covid-19

Nghệ sĩ bức xúc gói hỗ trợ không đến được với trường hợp có hoàn cảnh khó khăn thực sự - Ảnh 1.

Diễn viên Ngọc Quỳnh nổi tiếng với vai diễn Thái trong phim "Hoa hồng trên ngực trái". Ảnh: NVCC

Chia sẻ với Dân Việt về sự việc này, diễn viên Ngọc Quỳnh cho biết: "Hai ngày trước, tôi có nhận được gói hỗ trợ 3.710.000 triệu đồng. Thực sự, tôi là diễn viên thuộc quân số Nhà hát Kịch Hà Nội và là người có mức lương thấp nhất cơ quan, bậc IV.

Khi nhận được gói hỗ trợ tôi cảm thấy bất ngờ và vui. Tuy nhiên, tôi cũng thấy mình chưa thật sự quá khó khăn so với nhiều nghệ sĩ khác. Vì vậy tôi muốn nhường lại sự hỗ trợ này được chuyển đến những nghệ sĩ khó khăn hơn tôi.

Tôi cảm ơn Nhà nước, Chính phủ đã quan tâm, hỗ trợ cho các nghệ sĩ trong thời điểm này. Gói hỗ trợ không phải số tiền lớn với nhiều người nhưng một đồng bây giờ đối với tôi cũng rất quý. Và với những nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn hơn thì một đồng đó lại càng quý hơn".

Chia sẻ thêm về tiêu chí đưa ra để hỗ trợ các nghệ sĩ thời điểm dịch Covid-19 như hiện nay, diễn viên Ngọc Quỳnh cho hay, bản thân anh là người nghệ sĩ thuần túy. Tuy nhiên, lâu nay anh không thể sống được từ lương nghệ sĩ, bởi với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng thì anh không đủ lo cho hai con ăn học và lo cho bố mẹ. Hai vợ chồng anh phải bươn chải kiếm sống bên ngoài. Và cũng may mắn, trong quá trình làm nghề cũng tiết kiệm nên bây giờ cuộc sống khôn quá khó khăn như những người khác.

"Tôi được biết, trong Nhà hát của tôi có trường hợp hai vợ chồng là diễn viên, chỉ sống thuần túy với nghệ thuật, thu nhập chỉ trông cậy đồng lương hàng tháng nên cuộc sống rất vất vả, không đủ sống. Cho nên, người chồng phải làm thêm bằng cách chạy xe ôm công nghệ. Những trường hợp như vậy tôi nghĩ quá xứng đáng để nhận gói hỗ trợ này.

Về tiêu chí được hưởng chính sách hỗ trợ trong Nghị quyết 68 đưa ra cho nghệ sĩ, tôi nghĩ rằng cần sâu sát hơn, hợp lý hơn thì số tiền sẽ đến được tận tay những người có hoàn cảnh khó khăn hơn", diễn viên Ngọc Quỳnh cho hay.

Cần hỗ trợ đúng "địa chỉ" cho những nghệ sĩ khó khăn

Ngoài diễn viên Ngọc Quỳnh, một nghệ sĩ khác tại Nhà hát cũng chia sẻ với Dân Việt rằng: "Từ hôm qua đến hôm nay tôi đã đọc các bài báo cũng như tìm hiểu về Nghị quyết 68. Tuy nhiên, tôi thấy có sự bất cập ở đây. Sự bất cập này khiến gói hỗ trợ không đến được tay người thực sự khó khăn".

Theo phân tích của nam nghệ sĩ, những nghệ sĩ có bằng Trung cấp khi tuyển vào Nhà hát sẽ được xếp lương ở ngạch IV, còn những người có bằng Đại học thì xếp lương ở ngạch III. Nhưng có nhiều người không có nhu cầu hoặc cả đời họ không vươn lên bằng Đại học nên mãi chỉ ở ngạch IV. Và hiện tại họ sắp về hưu, cuộc sống họ không khó khăn, thậm chí có xe ô tô, nhà đẹp nhưng họ vẫn được hưởng gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68.

Còn với những nghệ sĩ trẻ, diễn viên trẻ mới ra trường được 2 - 3 năm, lương của những người này rất thấp. Thời điểm Covid-19 bùng phát khiến các hoạt động, chương trình nghệ thuật bị huỷ, đóng cửa dẫn đến thu nhập thêm của họ không có. Thậm chí, lương của họ thu về chỉ còn 2 – 3 triệu đồng. Cuộc sống của họ rất khó khăn nhưng họ lại không được hưởng gói trợ cấp chỉ bởi họ có bằng đại học, được hưởng lương ngạch bậc III.

"Bộ VHTT&DL nên đánh giá trường hợp cần hỗ trợ trên tiêu chí xét lương ngạch bậc IV là đang đánh đồng tất cả các trường hợp, dẫn tới tiêu chí không sát với thực tế, bất cập. Trong khi giá như trước khi tiêu chí này được đưa vào Nghị quyết 68 thì Bộ VHTT&DL cần có sự tham mưu từ các Nhà hát. Các Nhà hát sẽ nắm chính xác các trường hợp để trình lên Bộ VHTT&DL, tránh những trường hợp xét không đúng, tránh sự thiệt thòi cho những nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn thực sự", nghệ sĩ này cho hay.

Nghệ sĩ này bộc bạch, thời điểm hiện tại, mặt bằng chung các nghệ sĩ đang rất khó khăn, đặc biệt các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống. Có những người sống chỉ bằng nghề, không làm thêm nên lương chỉ vài triệu đồng/tháng. Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, các sự kiện hoãn, hoạt động nghệ thuật đóng băng, lương của họ còn ít hơn nữa, chưa kể đến việc nhiều bạn trẻ ở ngoại tỉnh còn phải chi thêm khoản tiền thuê nhà, cuộc sống còn vất vả hơn nữa.

Vẫn biết thời điểm hiện tại, khi dịch bùng phát, tất cả đều khó khăn, Nhà nước và Chính phủ đã quan tâm tới người lao động, các nghệ sĩ, có sự hỗ trợ nhất định đó là điều đáng quý, đáng trân trọng. Thế nhưng, giá như nếu như tiêu chí được sát sao hơn, hợp lý hơn để đến được những trường hợp nghệ sĩ khó khăn thật sự thì sẽ tốt đẹp hơn nữa.

"Việc hỗ trợ đúng "địa chỉ" cho những nghệ sĩ khó khăn thay vì các nghệ sĩ trong diện được hưởng nhưng họ chưa thật sự khó khăn là điều lên làm. Việc này sẽ tránh được những tai tiếng cho bản thân người nghệ sĩ đó là "không khó khăn nhưng vẫn tham nhận gói hỗ trợ", vị này nói.

Nghệ sĩ nghèo mong được hỗ trợ

Chia sẻ với Dân Việt, một NSƯT đang công tác tại một Nhà hát xin được giấu tên cho biết: "Tiêu chí đưa ra đã không sát sao, bởi có những nghệ sĩ tôi được biết sắp về hưu, lương cao hơn tôi nhưng vẫn được nhận gói hỗ trợ từ Nghị quyết 68. Bởi, họ là lương bậc hạng IV, còn những bạn diễn viên trẻ đang gặp rất nhiều khó khăn thì không được nhận chỉ bởi các bạn ấy lương bậc hạng III, có bằng Đại học.

Bản thân tôi cũng là người có bằng Đại học và bậc lương hạng III nên tôi không được nhận gói hỗ trợ, khi biết tin tôi khá buồn. Lương của tôi cũng không cao, cuộc sống thì kể từ khi có dịch phải nghỉ ở nhà, không hoạt động, không tập luyện nên bây giờ tôi cũng phải xoay xở lên mạng xem ai có nhu cầu mua rau, củ, quả tôi sẽ nhận đơn hàng và về quê lấy hàng mang ra bán cho mọi người. Cũng gọi là có thêm vài đồng chứ cũng không nhiều nhặn gì, nhưng cũng là sống qua ngày.

Diễn viên Trần Hiền - Nhà hát Chèo Việt Nam cho hay, cô cũng không được hưởng gói hỗ trợ chỉ bởi có bằng Đại học và hưởng lương ngạch III. Trong khi cuộc sống của cô cũng rất khó khăn là người ngoại tỉnh, từ Tuyên Quang xuống theo đuổi nghề diễn, phải thuê nhà. Nữ nghệ sĩ nhận mức lương thấp và cũng chỉ biết sống dựa vào đồng lương.

Diễn viên chèo Trần Hiền bộc bạch thêm, hiện tại, Nhà hát Chèo Việt Nam không chỉ riêng cô mà còn nhiều hoàn cảnh khó khăn nhưng cũng không "chạm tay" đến gói hỗ trợ. "Việc hỗ trợ các nghệ sĩ là điều đáng mừng nhưng những bất cập trên khiến người nghệ sĩ nghèo thực sự sẽ bị thiệt thòi", diễn viên chèo Trần Hiền chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem