Phó Chủ tịch Hà Nội và nhiều lãnh đạo Sở lý giải việc có gần 400 dự án chậm tiến độ

Sông Bùi Thứ năm, ngày 09/12/2021 14:49 PM (GMT+7)
Lãnh đạo Hà Nội và nhiều sở, ngành đã đăng đàn trả lời chất vấn liên quan đến việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn TP, trong đó có hàng loạt dự án chậm tiến độ nhiều năm.
Bình luận 0

Tại phiên chất vấn ngày 9/12, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội và nhiều sở, ngành đã đăng đàn trả lời chất vấn liên quan đến việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn TP, trong đó có hàng loạt dự án chậm tiến độ nhiều năm.

Nhiều biên bản ghi nhớ đã ký kết nhưng dự án chưa được triển khai

Liên quan đến câu hỏi chất vấn về việc, tại các Hội xúc tiến đầu tư có khá nhiều biên bản ghi nhớ được ký kết nhưng đến nay chưa được thực hiện, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, việc thực hiện tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư của Hà Nội từ năm 2017 đến nay, TP đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 206 dự án, với tổng số vốn dự án là hơn 548 nghìn tỷ đồng. Đến nay đã có 54 dự án hoàn thành, 70 dự án đang triển khai xây dựng.

Vì sao nhiều dự án ở Hà Nội đã trao quyết định đầu tư nhưng chưa được triển khai? - Ảnh 1.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn trả lời chất vấn các đại biểu HĐND TP. Ảnh: HĐND Hà Nội.

Về nguyên nhân triển khai các dự án còn chậm là do trong quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư có thay đổi Luật đầu tư. Trên cơ sở đó, TP.Hà Nội yêu cầu rà soát lại các trình tự thủ tục pháp lý của các dự án. Trong quá trình tổ chức, việc xử lý vi phạm của các nhà đầu tư như vi phạm công tác PCCC, nghĩa vụ về đất đai, bảo hiểm xã hội, tài chính…

Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư còn chưa tích cực chủ động phối hợp với các sở ngành liên quan trong việc hoàn thiện thủ tục. 

"Việc chậm cũng có trách nhiệm của các sở ngành trong việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát các nhà đầu tư tổ chức đầu tư", ông Tuấn nói và cho biết, đến nay, Sở KHĐT đã ban hành hướng dẫn thực hiện quy trình đầu tư, giải quyết những vướng mắc tồn đọng của các nhà đầu tư. Trong đó, vướng mắc về thủ tục đầu tư, GPMB, chủ trương đầu tư.

Về giải pháp, Giám đốc Sở KHĐT cho biết, các bộ ngành đã kiến nghị sửa đổi sửa Luật đổi đầu tư, nhà ở, luật đất đai để có thể triển khai được các dự án sử dụng đất trên địa bàn TP. 

Vì sao nhiều dự án ở Hà Nội đã trao quyết định đầu tư nhưng chưa được triển khai? - Ảnh 2.

Dự án Đầu tư xây dựng trụ sở kết hợp văn phòng sinh thái thương mại và khu trưng bày sản phẩm (quận Nam Từ Liêm) của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Sông Đà được cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu năm 2009 và thay đổi lần thứ nhất vào năm 2013. Dự án thuộc danh mục dự án chậm triển khai UBND quận Nam Từ Liêm đã báo cáo Đoàn giám sát của HĐND TP.Hà Nội năm 2018 và nêu hiện trạng Dự án có tường bao quanh, chưa xây dựng công trình và hiện đang cho thuê sân bóng mini hoạt động trên một phần đất của dự án

Chia sẻ về biên bản cam kết, ghi nhớ tại hội nghị xúc tiến đầu, ông Tuấn thông tin: Qua các hội nghị, thành phố đã ký kết 34 biên bản cam kết đầu tư, 70 biên bản ghi nhớ. Trong đó Sở KHĐT đã hoàn thành 25/34 cam kết. Đối với 70 biên bản ghi nhớ chậm triển khai nguyên nhân là biên bản này chỉ là ghi lại trao đổi giữa chủ đầu tư với cơ quan chức năng. Sau khi xem xét thực trạng, nghiên cứu thực tế thì họ không đảm bảo thực hiện được theo đúng những nội dung đã cam kết.

Về giải pháp, sở tham mưu TP các giải pháp về cải cách hành chính để các thủ tục liên thông giữa các sở, ngành, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện theo quy trình thủ tục. Ngoài ra, Sở KHĐT sẽ giám sát đầu tư, thanh tra kiểm tra, kết luận, xử lý phù hợp, để đáp ứng đúng kỳ vọng của người dân.

"Sở cam kết với HĐND TP sẽ tích cực tham mưu cho TP để đẩy nhanh tiến độ chứng nhận đầu tư đối với các dự án; giám sát chặt chẽ kết quả thực hiện đầu tư của các dự án để báo cáo thành phố các dự án chậm tiến độ, không đủ điều kiện thì sẽ tiến hành thu hồi", ông Tuấn nói.

Về nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công ở một số công trình trọng điểm, ông Tuấn cho biết, có 55 công trình trọng điểm TP ưu tiên vốn giải ngân. Tuy nhiên, năm 2019 Luật Đầu tư công sửa đổi khiến nhiều dự án vốn ngân sách, dự án ODA phải rà soát; một số dự án đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) phải chuyển sang hình thức khác... dẫn đến chậm tiến độ.

Trên cơ sở rà soát đánh giá tồn tại các dự án trọng điểm, Sở KHĐT đã tham mưu UBND TP tập trung thực hiện 39 dự án trọng điểm, phân kỳ thực hiện hoàn thành giai đoạn 2021 - 2025.

Vì sao nhiều dự án ở Hà Nội đã trao quyết định đầu tư nhưng chưa được triển khai? - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Trọng Đông trả lời chất vấn các đại biểu HĐND TP. Ảnh: HĐND Hà Nội.

Kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ nếu chủ đầu tư không hợp tác

Cũng tham gia trả lời chất vấn của các đại biểu, ông Bùi Duy Cường, Giám đốc Sở TNMT Hà Nội, hiện 379 dự án chậm tiến độ qua thanh tra đã có kết luận cụ thể, đề xuất xử lý. Trong đó, 30 dự án được kiến nghị thu hồi đã thu hồi 10 dự án. Với 63 dự án chậm GPMB, các dự án còn lại vướng một số nội dung, các chủ đầu tư (CĐT) đang tập trung hoàn tất thủ tục.

Nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm tiến độ là do nhận thức, ý thức chấp hành Luật Đất đai của các CĐT hạn chế, nhiều CĐT không phối hợp địa phương, cố tình chây ì không thực hiện nghĩa vụ tài chính, một số CĐT sắp hết hạn dự án thì đề nghị điều chỉnh gia hạn, một số sở ngành thực hiện chưa phối hợp đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Từ đó, Sở đề xuất sẽ cùng các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các nghị quyết, báo cáo giám sát HĐND và kế hoạch của UBND TP, tháo gỡ khó khăn cho các CĐT đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chây ì không thực hiện kết luận thanh tra.

Với những dự án CĐT không liên hệ chính quyền địa phương, sau GPMB chưa đầu tư xây dựng, các ngành cần quyết tâm xử lý. Đồng thời, TP tăng cường giám sát đầu tư, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật…

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết 383 dự án trước kia HĐND TP đã có ý kiến, hiện nay các sở ngành quận huyện tiếp tục triển khai thực hiện.

Đối với 61 dự án chậm triển khai tại huyện Mê Linh, có nguyên nhân chính là do khi sáp nhập 2008, TP tạm dừng các dự án để điều chỉnh quy hoạch. Ngoài ra còn do công tác GPMB, giao đất dịch vụ, năng lực của một số chủ đầu tư không đáp ứng được yêu cầu.

"Sở TNMT lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra cụ thể các dự án với tinh thần tháo gỡ vướng mắc khó khăn đối với các dự án, quan trọng nhất là đưa đất vào sử dụng. Các dự án nào do nguyên nhân chủ quan của nhà đầu tư không tích cực hợp tác thì kiên quyết phải thu hồi", ông Đông nêu rõ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem