Ngày 15.6, bác sĩ Hoàng Tú Anh – Giám đốc Trung tâm sáng kiến sức khoẻ dân số CCHIP chia sẻ với Dân Việt, trầm cảm sau sinh là vấn đề khá nghiêm trọng và khá phổ biến. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này chưa được nhìn nhận và đánh giá đúng. Các bà mẹ chỉ nghĩ mình mệt mỏi, bức bối là vì sinh con, đợi một thời gian con lớn sẽ hết. Chồng hoặc các thành viên khác trong gia đình thấy người mẹ gây gổ, biểu hiện khác lạ thì cũng nghĩ chỉ là tình trạng “buồn bực nhất thời”, thậm chí còn cho rằng chị em làm mình làm mẩy, quan trọng hoá vấn đề, “làm như mỗi mình mình sinh con”… Chỉ đến khi người mẹ có hành vi làm hại con hoặc tử tự thì mới lo lắng, trách cứ.
“Tôi có trò chuyện với một cô bạn người Indonexia. Cô ấy vừa sinh con và thấy mình có sự bực bội, muốn bạo lực với con nên lập tức đã chia sẻ với gia đình, được đưa đi khám và trị liệu tâm lý. Điều này thật xa vời với nhiều bà mẹ ở Việt Nam” – bác sĩ Tú Anh nói.
Người dân xung quanh bàng hoàng về vụ việc mẹ sát hại con ở Thạch Thất. Ảnh Xuân Lực
Theo bác sĩ Tú Anh, ở các nước phát triển, sử dụng câu hỏi sàng lọc trầm cảm sau sinh là bắt buộc với mọi phụ nữ sau sinh. Các bác sĩ cũng được khuyến cáo hỏi mọi phụ nữ sau sinh về việc họ đã từng có ý định tự tử hay đã từng có ý định gây hại cho con chưa. Việt Nam chưa có chương trình thực hiện sàng lọc nên nhiều trường hợp trầm cảm sau sinh đã bị bỏ qua và gây hậu quả nặng nề.
Lý giải về trầm cảm sau sinh, TS-bác sĩ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) cho biết, sự thay đổi mạnh mẽ về nội tiết là nguyên nhân quan trọng gây ra những rối nhiễu tâm lý, trầm cảm của người mẹ. Cộng với nhiều yếu tố khác gây căng thẳng, mệt mỏi nên phụ nữ sau sinh dễ suy sụp tâm lý như: cơ thể đau đớn, mệt mỏi, đêm không được ngủ ngon, mất ngủ vì chăm con, quan hệ với chồng thay đổi, thiếu dinh dưỡng, thiếu được chăm sóc, hỗ trợ…
Một nghiên cứu gần đây của RTCCD trên 500 thai phụ ở Hà Nam (45,6% là nông dân) cho thấy , có đến gần 40% thai phụ gặp các rối loạn tâm thần phổ biến ở giai đoạn đầu thai kỳ. Đến cuối thai kỳ, tỷ lệ này còn gần 29%. Trong khi đó, tỷ lệ rối nhiễu tâm lý chung của người dân Việt Nam dao động khoảng 12-15%. Các rối loạn cảm xúc mà các bà mẹ thường gặp như buồn bực, cảm thấy tội lỗi, chán nản, tự ti, giảm tập trung, khó chịu, lo lắng quá mức, cảm thấy lạc lõng, cô lập, tuyệt vọng.
Theo TS Tuấn, nếu các vấn đề trầm cảm của thai phụ không được giải quyết, điều trị thì sau sinh sẽ càng trầm trọng hơn.
“Hậu quả là người mẹ bị rối nhiễu tâm lý nặng sẽ dẫn đến các hành vi nguy hiểm như ghét con, chối bỏ con, gây gổ với gia đình, tự sát hoặc giết con. Còn nếu nhẹ cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như giảm tình thương với con, hay đánh con, gây gổ xung đột với chồng và gia đình…” – TS Tuấn nói.
"Chị em và người nhà đang mang thai, sau sinh nên chủ động đề nghị được khám sàng lọc về trầm cảm. Hoặc khi mệt mỏi, buồn chán kéo dài, cáu gắt vô cớ hoặc khóc lóc triền miên, có các suy nghĩ tiêu cực, bạo lực thì nhất định phải đi khám để được chẩn đoán, điều trị kịp thời" - Bác sĩ Hoàng Tú Anh
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.