Trẻ hay bị nhiễm khuẩn nặng
Từ khi chào đời, ai cũng ít nhất một vài lần bị viêm nhiễm. Hầu hết mọi người đều khỏi bệnh nhưng một số người lại bị tái diễn và tình trạng viêm nhiễm nặng, kéo dài bất thường.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, do trẻ có sức đề kháng yếu nên hay bị ốm vặt, không điều trị đúng phác đồ, khiến sức khỏe của trẻ ngày càng suy giảm.
Bệnh nhân Nguyễn Minh Hải, 17 tuổi, Hà Nội, được chẩn đoán mắc suy giảm miễn dịch
Lý giải điều này, trao đổi với phóng viên ngày 10/8, PGS. TS Lê Thị Minh Hương, Trưởng khoa Miễn dịch – Dị ứng – Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ bị tái diễn viêm đường hô hấp, viêm phổi, nhiễm trùng và đi viện liên miên là do suy giảm miễn dịch bẩm sinh.
Suy giảm miễn dịch bẩm sinh là bệnh khiếm khuyết về di truyền khiến cơ thể bệnh nhi không có khả năng sản xuất đủ các loại tế bào miễn dịch dẫn đến thiếu hụt kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn hoặc nấm.
Vì vậy, trẻ thường hay bị mắc các bệnh nhiễm trùng nặng, dai dẳng, tái phát nhiều đợt và dẫn đến biến chứng nặng nề hoặc tử vong sớm.
Tại Bệnh viện Nhi TW, đến nay, Khoa Miễn dịch-Dị ứng-Khớp đã tiếp nhận hơn 80 trường hợp mắc suy giảm miễn dịch bẩm sinh trong đó 2/3 số bệnh nhi có tiên lượng tốt nhờ được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Trường hợp, bệnh nhân Nguyễn Minh Hải, 17 tuổi, Hà Nội, được chẩn đoán mắc suy giảm miễn dịch thể dịch từ năm 2008, khi cháu được 8 tuổi.
Gia đình cho biết,bắt đầu từ khi 2 tuổi, bệnh nhân thường liên tục phải nhập viện do ho, sốt.
Tại các bệnh viện, Hải được chẩn đoán viêm đường hô hấp trên, viêm phổi. Đến năm 7 tuổi, Hải bị 2 đợt viêm phổi nặng, phải điều trị gần 2 tháng.
Hải đã từng điều trị tại BV Lao phổi TW và được chẩn đoán viêm phổi kéo dài. Năm 8 tuổi, Hải liên tục bị tiêu chảy nặng, suy dinh dưỡng thể còi cọc và được bác sĩ chẩn đoán suy giảm miễn dịch, điều trị tại khoa Tiêu hóa.
Từ năm 2012 bệnh nhân được quản lý và điều trị tại Khoa Dị ứng Miễn dịch theo phác đồ điều trị thay thế những yếu tố miễn dịch bị thiếu hụt.
Nhờ được dùng thuốc thay thế điều trị đặc hiệu nên sức khỏe bệnh nhân cải thiện dần, Hải hết nhiễm trùng, phát triển thể chất cải thiện và tinh thần tốt, có thể đến trường như các trẻ khác.
Sau 10 năm điều trị tại BV Nhi TƯ, đến nay Hải đã bước sang tuổi 17 (hết tuổi bệnh nhi) nên phải chuyển vào BV Bạch Mai điều trị tiếp.
PGS. TS. Lê Thị Minh Hương khuyến cáo cha mẹ thấy có dấu hiệu nghi ngờ suy giảm miễn dịch phải cho đi khám ngay.
Theo PGS. TS Lê Thị Minh Hương, hiện nay, trên thế giới đã phát hiện trên 130 loại đột biến gen gây suy giảm miễn dịch. Một số bệnh nhân suy giảm miễn dịch nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ sẽ có cơ hội sống như các trẻ khỏe mạnh.
10 dấu hiệu nghi ngờ suy giảm miễn dịch bẩm sinh
- Trên 8 lần viêm tai giữa/năm
- Trên 4 lần viêm xoang nặng/năm
- 2-3 tháng dùng kháng sinh và đáp ứng kém với kháng sinh
- Trên 2 lần viêm phổi nặng/năm
- Chậm lên cân (suy dinh dưỡng, ỉa kéo dài)
- Áp xe cơ hoặc các cơ quan sâu (áp xe gan, áp xe phổi) tái diễn
- Nấm miệng dai dẳng hoặc nấm da, nhiễm trùng vi khuẩn cơ hội
- Phải dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch mới làm sạch được vi khuẩn…
- Trên 2 ổ nhiễm trùng sâu (viêm màng não, cốt tủy viêm, nhiễm trùng huyết)
- Tiểu sử gia đình có người bị bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc có anh chị em chết sớm do nhiễm khuẩn nặng, không rõ nguyên nhân
PGS. TS Lê Thị Minh Hương khuyến cáo cha mẹ, nếu trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ trên, hãy cho trẻ đến khám. Bác sĩ sẽ khai thác tiền sử của trẻ và gia đình làm một số xét nghiệm đặc hiệu để đánh giá tình trạng miễn dịch của trẻ.
Nếu phát hiện ra tình trạng suy giảm miễn dịch, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể hướng điều trị dự phòng sớm cho từng trường hợp cụ thể.
Các chuyên gia y tế sẽ lý giải vì sao trẻ hay bị viêm tai giữa, viêm mũi họng tái diễn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.