Đây là nguyện vọng của một Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ Bắc Kạn về vùng DTTS, miền núi
Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Bắc Kạn: Chính sách ưu đãi vùng đồng bào DTTS đủ lực, tạo đột phá
Chiến Hoàng
Thứ tư, ngày 25/09/2024 15:27 PM (GMT+7)
Trước những khó khăn trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp tại nông thôn vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024 của tỉnh Bắc Kạn-bà Phạm Thị May đề xuất, chính sách cho vùng này cần tập trung, đầu tư đủ lực, có trọng điểm, tạo đột phá...
Là một nông dân thuần chất, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng ở một xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bắc Kạn, bà Phạm Thị May - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 thấu hiểu những khó khăn, thách thức trong hoạt động phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp tại địa phương.
Bà May chia sẻ, thời điểm bà khởi nghiệp cách đây cũng đã hơn 20 năm. Thời điểm đó chưa có nhiều sự hỗ trợ của các cấp, các ngành như hiện nay, chưa kể hạ tầng giao thông, nhất là giao thông nông thôn, đường vận xuất hầu như đã xuống cấp, sạt lở nghiêm trọng hoặc chưa có. Do đó, gia đình bà tốn rất nhiều cho chi phí vận chuyển, lời lãi chẳng còn được là mấy.
"Thời gian trước đây, hạ tầng giao thông khó khăn, nguồn vốn vay hỗ trợ người dân tham gia phát triển sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Còn hiện nay, Nhà nước đã đầu tư đường vận xuất giúp người trồng rừng, trồng cây ăn quả thuận tiện hơn trong việc đưa các sản phẩm rừng trồng về các xưởng sản xuất để chế biển hoặc bán.
Hiện nay, khó khăn của người trồng rừng, chế biến lâm sản là vốn, thị trường, khoa học kỹ thuật và công nghệ thôi. Đặc biệt, đối với những người trồng rừng, chế biến lâm sản như gia đình tôi đang thực hiện, kinh phí đầu tư rất cao. Tôi biết rất nhiều người có nhu cầu vay vốn nhưng chưa tiếp cận được nhiều với các nguồn vốn vay ưu đãi" - bà May cho biết thêm.
Từ thực tế tại địa phương, bà May thấy rằng, lực lượng lao động chính ở nông thôn đang giảm do quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ (đi làm ăn xa tại các công ty, doanh nghiệp tại địa phương khác như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh...). Do đó, cần áp dụng khoa học kỹ thuật dần thay thế, nâng cao chất lượng lao động.
Ngoài ra, theo bà May, ở nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, diện tích đất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, không áp dụng cơ giới hóa được nhiều nên chi phí đầu vào lớn. Sản phẩm nông nghiệp giá trị thấp, chi phí đầu vào như phân bón, xăng dầu, giống... cao nên không kích thích được sản xuất. Chưa kể biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, lụt bão dẫn đến nhiều diện tích nông, lâm nghiệp bị ảnh hưởng....
Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp ở địa phương hiện vẫn còn những yếu tố thiếu bền vững: Sản xuất nhìn chung vẫn phân tán, nhỏ lẻ, tự phát, thiếu sự liên kết, hợp tác; thị trường tiêu thụ nông, lâm sản thiếu ổn định; biến đổi khí hậu, dịch, bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, gây thiệt hại, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; giá các loại vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tăng cao và nhanh hơn sự tăng giá nông, lâm sản; việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn hạn chế.
Là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024, bà Phạm Thị May cũng có nhiều tâm tư, nguyện vọng đề xuất với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NNPTNT, Đảng và chính phủ.
Năm 2023, bà Phạm Thị May (thôn Phiêng Luông, xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, cùng nhiều giấy khen cấp tỉnh do có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế, hộ sản xuất kinh doanh giỏi.
Với những thành tích đã đạt được, hội viên nông dân Phạm Thị May đã vinh dự được bình chọn là một trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024.
Theo đó, bà Phạm Thị May mong muốn các ngành và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tạo điều kiện về vốn, giúp các hội viên nông dân tiếp cận, tập huấn nhiều hơn đối với các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, chế biến nông lâm sản. Đặc biệt đối với khoa học công nghệ, nên có cơ chế ưu đãi riêng cho các hộ sản xuất kinh doanh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ví dụ như: Mức lãi suất thấp hơn, hỗ trợ về cây con giống, phân, thuốc; hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử...
Mong Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tăng cường triển khai các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất phù hợp với từng địa phương, giúp nông dân tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến bảo quản, chế biến, tiêu thụ, nông sản theo hướng phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Cùng với đó, mong Đảng, Nhà nước cũng nên có các cơ chế, chính sách đặc thù, cụ thể, phù hợp để địa phương thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhằm giải quyết nhu cầu việc làm ổn định cho người lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn nói chung và huyện Chợ Mới nói riêng.
"Xây dựng và ban hành chính sách trợ giá về nông sản, phân bón và các vật tư khác để kích thích sản xuất. Bổ sung thêm cán bộ có chuyên môn về ngành nông, lâm nghiệp ở cơ sở, phù hợp với từng địa phương, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong sản xuất nông, lâm nghiệp" - bà May đề đạt.
Bình chọn và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc là một trong những hoạt động nổi bật, trọng điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chỉ đạo.
Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt là đơn vị được giao tổ chức thực hiện Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Cao điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam là Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2024).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.