Vì sao TP.HCM đề xuất mức lương 120 triệu đồng cho lãnh đạo làm khoa học?
TP.HCM đề xuất mức lương 120 triệu đồng cho lãnh đạo làm khoa học dựa trên cơ sở nào?
Bạch Dương
Thứ năm, ngày 17/08/2023 18:45 PM (GMT+7)
Tại cuộc họp báo định kỳ chiều 17/8, đại diện Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM đã giải thích về đề xuất mức lương 60 – 120 triệu đồng cho người đứng đầu tổ chức khoa học công nghệ công lập.
Bà Nguyễn Thị Thu Sương, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM cho biết, theo đề án xây dựng cơ chế để hình thành, phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế, hai tiêu chí quan trọng nhất là chính sách nổi trội và cơ chế thông thoáng.
"Một trong những chính sách chúng tôi đề xuất trong đề án này là chính sách về tiền lương, tiền công và chế độ phúc lợi khác có liên quan đến chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học công nghệ công lập và thù lao thực hiện khoa học công nghệ cao hơn mức bình thường một cách vượt trội. Trong đó chúng tôi đề xuất mức lương cụ thể cho người đứng đầu từ 60 – 120 triệu đồng. Đề xuất trả lương cao để thu hút nhân tài và có những điều kiện làm việc rõ ràng là hai yếu tố giúp TP.HCM có những nghiên cứu khoa học xứng tầm, đặc biệt những nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế", bà Thu Sương nói.
Đại diện Sở Khoa học Công nghệ cho biết thêm, sau 5 năm thực hiện chương trình 562 về nhóm nghiên cứu mạnh quốc gia, các chuyên gia đã đưa ra những hạn chế rất lớn khiến chương trình chưa đạt được kết quả như mong đợi là chưa có chính sách vượt trội, mức lương chi trả chưa phù hợp nên các chuyên gia không gắn bó lâu, dẫn đến các nghiên cứu không đạt chương trình.
Cơ sở để đưa ra mức lương cao gấp 5-6 lần này dựa vào kinh nghiệm thực tế và khảo sát chế độ tiền lương của nhiều tổ chức khoa học công nghệ khối nhà nước, tư nhân, nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Mức lương cho lãnh đạo dao động trong khoảng 10 – 360 triệu đồng. Với khối nhà nước, mức lương khoảng 10 – 55 triệu đồng. Sau khảo sát, Sở tính toán trong điều kiện ngân sách thành phố để đề xuất trả thù lao 60 - 120 triệu đồng mỗi tháng cho chức danh lãnh đạo cao nhất. "Mức thu nhập này có thể với nhiều người là lớn, nhưng đối với các chuyên gia nước ngoài, đầu ngành thì chỉ ở mức vừa phải", bà Sương nói.
Đại diện Sở Khoa học Công nghệ nhận định, mức lương chưa phải là điều kiện để giữ chân các nhà khoa học. Một trong những điều kiện quan trọng là môi trường làm việc. TP cũng đã có một số đề xuất về điều kiện làm việc cho các chuyên gia.
Điều kiện để lãnh đạo trung tâm nghiên cứu khoa học nhận được mức thù lao cao, ngoài các tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo nhà nước, bằng cấp, học hàm, học vị, người đứng đầu phải có một kế hoạch cụ thể về chiến lược nghiên cứu phát triển trong giai đoạn 5 năm. Hội đồng khoa học sẽ đánh giá nghiên cứu này có xứng tầm với những gì mà thành phố đầu tư, mang lại hiệu quả thực sự, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Việc kiểm tra, giám sát sẽ thực hiện định kỳ 3 - 6 tháng để kiểm tra tiến độ công việc cũng như chỉ tiêu đặt ra nhằm thể hiện tính trách nhiệm cho người đứng đầu với cơ chế đánh giá các chỉ tiêu có đạt theo tiến độ đã đề ra.
"Để thu hút người tài, thành lập trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế, đầu tiên chúng ta phải có một nhóm nghiên cứu mạnh, sau đó mới có trung tâm xuất sắc và phát triển thành trung tâm đạt chuẩn quốc tế. Nhóm nghiên cứu mạnh phải xuất phát từ người đứng đầu dẫn dắt. Từ kinh nghiệm của chương trình nhóm nghiên cứu mạnh quốc gia, nhiều người cho rằng không có đề tài dài hơi để giữ chân họ, một nhiệm vụ 2-3 năm không đủ cho họ phát triển. Vì thế, chúng tôi mạnh dạn hơn, đề xuất xây dựng chương trình mục tiêu, đồng thời ngoài mức lương còn có thù lao nghiên cứu khoa học, như vậy sẽ có nguồn thu nhập dài và ổn định, giữ chân được người tài", bà Sương giải thích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.