Vì sao Trung Quốc cố tình mập mờ về Đường lưỡi bò phi lý
Năm 2009, Trung Quốc chính thức công bố bản đồ có Đường lưỡi bò, chiếm trọn gần 80% diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines…
Philippines đệ đơn kiện lên Tòa trọng tài phản đối Đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc từ tháng 1.2013. Đơn kiện của Philippines cáo buộc các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc không có bất cứ cơ sở nào chiếu theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Hình ảnh "Đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc hòng độc chiếm Biển Đông
Hơn nữa, Philippines lập luận rằng trước thế kỷ 20, Trung Quốc đã xác nhận lãnh thổ của họ không vượt quá đảo Hải Nam ở phía cực nam và đến năm 2009, mới công khai tuyên bố rộng rãi với cộng đồng quốc tế về cái mà họ gọi là "quyền lịch sử" của nước này đối với các vùng nước ở Biển Đông, thông qua tấm bản đồ phi lý vẽ 9 đoạn đứt khúc (Đường lưỡi bò).
Điều đáng nói là từ đó đến nay, Trung Quốc chưa bao giờ làm rõ được tọa độ địa lý cũng như cơ sở pháp lý và nguồn gốc lịch sử xác thực của tấm bản đồ trên, theo ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
Nhiều chuyên gia phân tích và pháp lý trên thế giới cũng đã bóc mẽ tấm bản đồ Đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc.
“Tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông luôn mập mờ và thiếu nghiêm túc, trong đó thiếu nghiêm túc nhất là đường chữ U. Khi được đề nghị giải thích về ý nghĩa của đường ranh giới này, là đường biên giới hay cái gì khác, họ luôn mập mờ rằng, có thể như thế hoặc có thể không. Trên thế giới chẳng có đường nào đứt khúc như vậy”, Giáo sư Mark J.Valencia, nhà nghiên cứu người Mỹ bình luận.
Một số học giả tôn trọng sự thật ở Trung Quốc cũng không thể chấp nhận được nguồn gốc của bản đồ "Đường lưỡi bò" và đã công khai lên tiếng phản đối nó.
"Nếu làm theo kiểu của Trung Quốc thì bất cứ quốc gia nào cũng có thể “nuốt” biển của quốc gia khác chỉ bằng cách trưng ra tấm bản đồ do mình vẽ”, chuyên gia bình luận quân sự Wu Ge, Cheng Gi ở Bắc Kinh nhấn mạnh.
Theo ông Greg Poling, mục tiêu bất biến của Trung Quốc là tránh làm rõ các yêu sách chủ quyền của nước này.
"Họ (Trung Quốc) không muốn cộng đồng quốc tế hiểu rõ những gì họ tuyên bố bởi họ có thể thay đổi bất cứ lúc nào", ông Greg Poling nhấn mạnh.
Theo nhà phân tích này, Trung Quốc đã lợi dụng bản đồ Đường lưỡi bò để ngang nhiên tiến hành nhiều hoạt động phi pháp ở Biển Đông, từ triển khai các dàn khoan dầu khí cho tới hoạt động bồi đắp, xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo cùng các cơ sở hạ tầng có khả năng phục vụ cho các mục đích dân sự lẫn quân sự.
Tuy nhiên, phán quyết của Tòa trọng tài hôm nay (12.7) có thể ngăn Bắc Kinh tiếp tục các hoạt động trên.
Vì sao Trung Quốc thấp thỏm chờ phán quyết
Không chỉ Trung Quốc, nhìn chung, nhiều quốc gia có liên quan trong khu vực đang chờ đợi phán quyết của Tòa trọng tài và phản ứng của Bắc Kinh đối với phán quyết này. Hầu hết các chuyên gia phân tích tin rằng, Trung Quốc sẽ thua kiện vì sự mập mờ, thiếu xác thực của thuyết “Đường lưỡi bò" phi lý mà Bắc Kinh đưa ra hòng nhận vơ gần như toàn bộ Biển Đông làm “ao nhà".
Trung Quốc lâu nay vẫn thẳng thừng tuyên bố rằng, Tòa trọng tài không có thẩm quyền xử lý vụ kiện Đường lưỡi bò. Bắc Kinh khẳng định sẽ không tuân thủ phán quyết và không ai có thể ép buộc nước này phải thực thi phán quyết.
Người Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Makati ngày 12.7, trước thềm tòa trọng tài ra phán quyết về vụ kiện Đường lưỡi bò giữa Manila và Bắc Kinh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia quốc tế, mặc dù xác định ngay từ đầu sẽ không tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài, Bắc Kinh vẫn lo lắng về một phán quyết bất lợi cho họ. Bởi một phán quyết như vậy sẽ là một đòn giáng mạnh vào danh tiếng toàn cầu của nước này.
"Bắc Kinh lo ngại bị mất danh tiếng toàn cầu nếu bị xem là coi thường luật pháp quốc tế. Là một siêu cường đang lên, Trung Quốc đang cố gắng cạnh tranh với Mỹ và tăng cường danh tiếng trong khu vực cũng như trên trường quốc tế", Mira Rapp-Hooper, thành viên cao cấp của Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ bình luận.
Theo chuyên gia này, sức mạnh của luật pháp quốc tế chủ yếu là danh tiếng và là thước đo về tính hợp pháp. Trung Quốc về cơ bản đã biết rằng, họ sẽ mất mát danh tiếng bằng những hành động quyết đoán tại Biển Đông. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Bắc Kinh đã quyết định đổi danh tiếng để lấy những gì họ xem là lợi ích chiến lược lâu dài.
Ngoài ra, các chuyên gia nhận định rằng, dù tác động của phán quyết có thể hạn chế hơn so với dự kiến, song một chiến thắng pháp lý có lợi cho Philippines có thể trở thành con bài mặc cả của nước này trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc trong tương lai.
"Đó cũng là điều mà Bắc Kinh quan ngại. Một phán quyết (bất lợi cho Trung Quốc) có thể đem lại hy vọng cho Philippines và các nước châu Á khác cũng có yêu sách chủ quyền trong khu vực", Andrew Scobell, nhà khoa học chính trị tại Rand Corp bình luận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.