Viện Nghiên cứu Hán Nôm nói gì về thông tin mất hơn 100 cuốn sách cổ?
Viện Nghiên cứu Hán Nôm nói gì về thông tin mất hơn 100 cuốn sách cổ?
Yến Linh
Thứ ba, ngày 21/03/2023 07:05 AM (GMT+7)
Về việc thất lạc 121 cuốn sách cổ, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết đang mời các chuyên gia tham gia đối chiếu các sách lẫn ký hiệu với các sách thiếu để sàng lọc.
Ngày 20/3, ông Nguyễn Xuân Diện, Phó phòng Nghiên cứu Văn học và Lịch sử, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đưa thông tin trên trang cá nhân: "Lại phát hiện mất thêm 110 cuốn sách Hán Nôm. Trong kho có 877 cuốn đã mủn nát không thể bồi vá, cứu vãn".
Bài đăng của ông Nguyễn Xuân Diện nhanh chóng thu hút sự quan tâm của công chúng trên mạng xã hội. Nhiều bình luận bày tỏ sự bất bình trước sự việc này.
Chiều 20/3, ông Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, đơn vị đang cho xác minh thông tin về sự việc, sẽ thông báo rõ khi có kết quả.
Tối cùng ngày, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đưa ra thông báo chính thức về thông tin nói trên. Theo đó, trong đợt kiểm kê tài liệu từ giữa năm 2022, Viện đã yêu cầu kiểm kê toàn bộ kho sách Hán Nôm. Tuy nhiên, đối với một phần sách sưu tầm chưa tu bổ, còn bó lại thành từng bó để trong kho, nhóm kiểm kê mới chỉ thực hiện kiểm đếm mà chưa đối chiếu với sổ đăng ký cá biệt.
Cũng theo Viện Nghiên cứu Hán Nôm, sau quá trình rà soát, đối chiếu, chiều ngày 15/3/2023, Hội đồng kiểm kê đã họp và báo cáo về kho ST, phát hiện thấy thiếu 121 quyển (trong đó có 11 quyển nằm trong danh sách 25 quyển đã báo cáo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), bên cạnh đó có 339 quyển đã vào sổ nhưng lẫn lộn các ký hiệu sách, chưa xác định rõ có bao gồm 121 sách thiếu hay không. Nhóm kiểm kê rà soát lại toàn bộ 17.712 sách ST và xác định có 877 quyển (5%) thuộc loại hư hại nặng. Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã tổ chức thông báo tình hình đến chi bộ và cán bộ chủ chốt cũng như Hội đồng khoa học trong hai cuộc họp vào sáng ngày 16/3 và sáng 17/3.
Để làm rõ vấn đề, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang mời các chuyên gia tham gia đối chiếu các sách lẫn ký hiệu với các sách thiếu để sàng lọc; đồng thời lập hội đồng đánh giá tình trạng của 877 sách hư hại để có phương án xử lý phù hợp.
Trước đó, vào tháng 12/2022, sự việc kho lưu trữ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm mất 25 cuốn sách cổ gây xôn xao trong dư luận, đặc biệt là giới nghiên cứu. Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Diện, Phó phòng Nghiên cứu Văn học và Lịch sử, Viện Nghiên cứu Hán Nôm khẳng định: "Nếu tính theo Luật Di sản, những đồ vật trên 100 năm tuổi đều được xác nhận là cổ vật. Căn cứ vào đó, tất cả những cuốn sách thất lạc này đều là cổ vật. Kho sách cổ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm có tư cách như một bảo tàng, bởi trong đó có chứa những cổ vật không thể thay thế. Những cuốn sách này viết bằng "tử ngữ" (ngôn ngữ hiện tại không còn sử dụng), nên cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, dịch thuật… để hiểu những thông điệp của tổ tiên ngày xưa để lại.
Việc vừa qua tìm ra một cuốn sách và trước đó phát hiện 4 cuốn khác cho thấy công tác kiểm kê tại Viện đúng là có vấn đề. Cách phát hiện những cuốn sách thất lạc, mà như người có liên quan nói do chúng lọt ở khe giá sách, hoặc kẹp giữa những cuốn khác hoặc dán nhầm nhãn ký hiệu cho thấy việc sắp đặt, kiểm kê thực sự có chút đáng phải nghi ngờ. Thứ hai, lý do nhập sai ký hiệu chứng tỏ một điều: Khi kiểm kê, người chịu trách nhiệm đã không mở cuốn sách ra, bởi nếu mở cuốn sách ra sẽ biết nội dung và biết nhãn dán nhầm".
Viện Nghiên cứu Hán Nôm là đơn vị bảo quản các tài liệu Hán Nôm gồm gần 35.000 cuốn sách và gần 60.000 thác bản văn bia đã có biên mục.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.