Giá trị của "Việt âm thi tập" - tập thơ đang bị thất lạc khỏi kho lưu trữ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Giá trị của "Việt âm thi tập" - tập thơ đang bị thất lạc khỏi kho lưu trữ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Yến Linh
Thứ năm, ngày 22/12/2022 19:00 PM (GMT+7)
"Việt âm thi tập" được coi là tuyển thơ đầu tiên của dân tộc ta, do nhà sử học Phan Phu Tiên (1370 -1462) và Thị Ngự sử Chu Xa (1407 - ?) kế tục biên soạn.
Mới đây, trên trang cá nhân, ông Nguyễn Xuân Diện - Phó Trưởng phòng Phòng Văn bản học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm chia sẻ thông tin về 25 cuốn sách cổ từng lưu trữ tại Viện đang bị thất lạc.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Diện cho biết, hiện tại đang chờ phương thức xử lý của lãnh đạo. Ông hi vọng sẽ tìm được các văn bản quan trọng này trong thời gian sớm nhất.
Ông Nguyễn Xuân Diện cũng chia sẻ: Trong số 25 cuốn sách bị thất lạc có cuốn "Việt âm thi tập" (Tập thơ ghi lại âm thanh của nước Việt). Đây là tuyển tập thơ viết bằng chữ Hán do Phan Phu Tiên và Chu Xa kế tục biên soạn. Tác phẩm được coi là bộ hợp tuyển "đầu tiên" trong số ba bộ xuất hiện kế tiếp ở thế kỷ 15, đó là: "Việt âm thi tập", "Tinh tuyển chư gia luật thi" và "Trích diễm thi tập".
Theo các tài liệu nghiên cứu, "Việt âm thi tập" là tuyển tập thơ viết bằng chữ Hán do nhà sử học Phan Phu Tiên (1370 -1462) và Thị Ngự sử Chu Xa (1407 - ?) kế tục biên soạn. Đây là tuyển tập thơ đầu tiên của dân tộc ta.
Căn cứ bài biểu dâng sách của Chu Xa thì "Việt âm thi tập" gồm 6 quyển, với 624 bài thơ của 119 nhà thơ dưới các triều đại, từ Trần đến Lê sơ. Có thơ của người làm quan và không làm quan, của người Việt Nam làm quan ở Trung Quốc và của người Trung Quốc đi sứ sang Việt Nam. Mỗi nhà thơ đều có chứa tiểu sử và sau mỗi bài đều có chứa điển tích. Tuy nhiên, theo lời của Lý Tử Tấn, sách có hơn 700 bài.
Theo ông Nguyễn Xuân Diện, hiện nay, ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội) chỉ còn lưu giữ được một bản nhưng không đầy đủ (chỉ còn 3 quyển), mang ký hiệu số A. 1925. Đây chính là bản in lại một bản in năm Bảo Thái thứ 10 (1729). (Các tư liệu cho biết: Có 4 văn bản "Việt âm thi tập" còn lại bao gồm: A.1925 và A.3038 (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) và hai văn bản R.603 và R.1629 (Thư viện Quốc gia Việt Nam).
Bản A. 1925 in bằng ván gỗ, giấy dó khổ 24 cm x 16 cm, tổng cộng 68 tờ, mỗi tờ 2 trang, mỗi trang 10 dòng.
"Bộ "Việt âm thi tập" là một vốn cổ quý giá, không những về thơ văn mà nó còn là một tài liệu quý hiếm về cả mặt sử học, vì lời chú dẫn có trong sách. Ngoài ra, nó cho biết kỹ thuật in ấn của Việt Nam lúc bấy giờ. Song, ưu điểm nổi bật hơn cả của Việt âm thi tập, đó là niềm tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc Việt, nhất là về tiếng nói đặc sắc mang vẻ đẹp và tâm hồn Việt Nam. Ngày nay, có thể nói phần lớn thơ ca ở thời đại Trần - Hồ và đầu đời Lê còn giữ lại được cũng là nhờ "Việt âm thi tập" - ông Nguyễn Xuân Diện tổng hợp và trích dẫn.
"Việt âm thi tập" là bộ thi tuyển đầu tiên của quốc gia Đại Việt độc lập tự chủ. Từ ý tưởng biên tập thể hiện trong bài tựa viết năm 1433 của Phan Phu Tiên - người khởi đầu biên tập; biểu dâng sách viết năm 1446 của Chu Xa - người tiếp tục chí hướng của Phan Phu Tiên; bài tựa cho in viết năm 1459 của Lý Tử Tấn - người phê điểm theo đề nghị của Chu Xa cũng như qui trình biên tập, phê điểm, dâng vua ngự lãm, sắc tứ san hành, đã cho thấy đây là tập đại thành của nền thi học quốc gia Đại Việt độc lập tự chủ, với khoảng hơn 300 năm (từ thời Trần cho đến đầu thời Lê).
Theo Phan Phu Tiên, đây là bộ thi tuyển thu nhận thơ ca chữ Hán của người Nam, người Bắc có quan hệ với bản quốc "Phu Tiên tôi chẳng lượng sức mình thiển lậu, dám đem những điều mình nghe, thấy được, trước đây cũng như bây giờ, phàm những tác phẩm hay của người Nam, người Bắc có quan hệ với bản quốc cũng như những câu quê mùa cục mịch, có được đến mấy thiên, đặt tên là "Việt âm thi tập" (Tựa của Phan Phu Tiên). Với Chu Xa, "Thần trộm thấy, sử quan Phan Phu Tiên ngày trước có biên tập Việt âm thi tập nhưng rất chưa đầy đủ. Thần lại tiếp tục chọn thêm rồi xin quan Kinh diên Nguyễn Tử Tấn phê điểm, tu chỉnh biên thành 6 quyển. Còn như thơ của người Bắc và người Nam làm quan ở Bắc thì chép thành quyển Phụ lục. Sau khi tu sửa thành một bản, trang hoàng thành tập, kính cẩn dâng lên ngự lãm" (Biểu dâng sách của Chu Xa).
(Bài viết "Cách gọi "Việt âm" trong phức thể danh xưng "Việt âm thi tập" từ góc nhìn của ngữ căn học chữ Hán Việt Nam Trung Đại" trên "Tạp chí Hán Nôm, ông Phạm Văn Khoái, PGS.TS. Trường Đại học KHXH và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.