Lễ cầu mưa thường được tổ chức khi có hạn hán để cầu mong thần linh (Yang) đem mưa về cho buôn làng trồng cấy. Để chọn được một ngày lễ cúng thành công, các già làng phải cùng nhau họp bàn cẩn thận và xem xét kỹ lưỡng kéo dài trong vài ngày.
Ngày được chọn làm lễ phải vào những ngày tháng nắng hạn, không một hạt mưa để dân làng canh tác vụ mới, nên cả dân làng tiến hành làm lễ cầu thần linh trút cơn mưa xuống.
Già làng cùng mọi người dùng tay tát nước cho con gà con (vật hiến sinh). Ảnh: N.S
Người Gia Rai quan niệm, “thần mưa” là vị thần cho những hạt nước để mang lại sự sống cho vạn vật, và mang lại nhiều may mắn và hạnh phúc cho người dân. Mưa xuống làm cây cối, hoa màu ở nương, rẫy trở nên tươi tốt và cho họ no cái bụng. Nếu làm phật lòng các vị thần thánh, các vị thần thánh sẽ không ban tặng nước mưa xuống, bệnh tật xuất hiện, đói rét đeo bám liên miên. Vì thế mỗi năm người Gia Rai luôn tất bật chuẩn bị cho lễ cầu thần mưa.
Lễ vật dùng trong lễ cầu mưa bao gồm lợn, gà (1 con gà lớn, 1 con gà nhỏ), ghè rượu. Khi đã hoàn tất khâu chuẩn bị, già làng đánh trống tập trung dân làng tại nhà Rông để làm lễ khấn thần linh. Tại đây, các con vật hiến sinh cùng với dân làng cùng quây quần bên ghè rượu thiêng bắt đầu làm lễ. Già làng sẽ lấy gan và tiết của con heo, gan gà đặt trên tai ghè rượu rồi khấn cầu các thần linh. Làm lễ xong, dân làng mang cây nêu, con gà con xuống bờ suối để tiếp tục cầu khấn, sau đó dùng tay tát nước cho con gà con (vật hiến sinh) và cầu thần linh ban cho dân làng được mưa to.
Lúc già làng vừa cúng, thì cồng chiêng đồng thời nổi lên để mở màn cho phần hội. Các cô gái, chàng trai Gia Rai thi nhau thỏa sức thể hiện vẻ đẹp của dân tộc mình qua các câu hát, bước nhảy, điệu múa đầy uyển chuyển. Họ cùng nhảy múa hát ca và uống tiệc rượu mừng cho đến khi mặt trời xuống núi, rượu nhạt, người say...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.