Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tiết lộ lý do Việt Nam chưa đủ sức để giành giải Nobel văn chương

Huy Hoàng Thứ năm, ngày 14/11/2024 07:00 AM (GMT+7)
"Ngay cả giải thưởng Nobel của Han Kang cũng từng gặp nhiều ý kiến trái chiều, điều đó cho thấy rằng, văn học Việt Nam cần phải đột phá và tạo ra những dấu ấn sâu sắc hơn", nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ thêm.
Bình luận 0

Mới đây, một số ý kiến cho rằng, Việt Nam có cơ hội lớn để chạm tay vào giải thưởng Nobel văn chương danh giá. Điều này đã dấy lên những tranh luận giữa các nhà văn, chuyên gia văn học, độc giả xoay quanh vấn đề này. 

Trao đổi với PV Dân Việt, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định, nhiều người có thể cho rằng đó là một khát vọng hoàn toàn chính đáng, giống như việc giành giải Oscar đối với điện ảnh, Grammy đối với âm nhạc, hay Pulitzer đối với báo chí. Nhưng chúng ta cũng không nên ảo tưởng. Để đạt được giải thưởng danh giá này cần có những điều kiện nhất định.

Việt Nam giành giải Nobel văn chương, đó là khát vọng hoàn toàn chính đáng- Ảnh 1.

Ra mắt cuốn tiểu thuyết "Gia đình có bốn chị em gái" của tác giả Phạm Thị Bích Thủy. (Ảnh: Lan Anh)

Đầu tiên, văn học Việt Nam cần có những tác phẩm xuất sắc, mang tư tưởng lớn và giá trị nghệ thuật cao. Không chỉ dừng lại ở đó, chúng ta còn cần có một chiến lược đưa văn học Việt Nam ra thế giới. Câu chuyện của Han Kang tại Hàn Quốc là một minh chứng điển hình: sự thành công của bà là kết quả của cả một chiến dịch mà nhà nước và tư nhân Hàn Quốc cùng thực hiện, không chỉ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật mà cả trong thể thao, điện ảnh và văn hóa nói chung. Hay sự thành công của bộ phim Ký sinh trùng.

Ngôn ngữ cũng là một rào cản lớn với văn chương Việt Nam khi so sánh với các loại hình nghệ thuật khác như: điện ảnh, hội họa hay âm nhạc. Đó là những lĩnh vực có thể truyền tải thông qua hình ảnh và âm thanh mà không cần phải qua dịch thuật. Văn học phụ thuộc hoàn toàn vào ngôn từ và để được công nhận, cần phải có những bản dịch chất lượng cao. Ví dụ, cuốn Người em trai của Han Kang khi được dịch sang tiếng Anh bởi Celitt đã trở thành bệ phóng mạnh mẽ giúp tên tuổi của bà vươn ra thế giới. Nếu không có bản dịch tốt ấy thì có lẽ tác phẩm sẽ không được công nhận rộng rãi.

Những giải thưởng văn chương lớn là thước đo giá trị của một nền văn học và là ước vọng của nhiều quốc gia. Gần đây, điện ảnh Việt Nam đã có những tác phẩm được quốc tế công nhận, nhất là các đạo diễn trẻ với tác phẩm như Bên trong vỏ kén vàngCu li không bao giờ khóc... Tuy nhiên, về văn học, Việt Nam vẫn cần một chặng đường dài để đạt tới tầm cỡ quốc tế.

Việt Nam giành giải Nobel văn chương, đó là khát vọng hoàn toàn chính đáng- Ảnh 2.

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, tác phẩm văn học Việt Nam, đặc biệt là thơ và truyện ngắn "không thua thiên hạ". Tuy nhiên, để giành giải Nobel văn chương vẫn chỉ là giấc mơ. (Ảnh: Lan Anh)

"Cá nhân tôi cho rằng, Việt Nam hiện chưa đủ sức để giành giải Nobel văn chương vì một số lý do. Thứ nhất, văn học Việt Nam vẫn chưa có những tác phẩm thực sự nổi bật và có tầm vóc quốc tế. Thứ hai, ngay cả giải thưởng Nobel của Han Kang cũng từng gặp nhiều ý kiến trái chiều, điều đó cho thấy rằng, văn học Việt Nam cần phải đột phá và tạo ra những dấu ấn sâu sắc hơn", nhà văn Phạm Xuân Nguyên nói.

"Việt Nam giành giải Nobel văn chương, hãy cứ mơ ước..."

Đánh giá về mặt bằng chất lượng các tác phẩm văn học Việt Nam thời điểm hiện tại, nhà văn Phạm Xuân Nguyên cho hay, trước khi nhận giải Nobel, các tác phẩm của Han Kang đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, nhưng ngay cả khi đã có bản dịch tiếng Việt, bà vẫn ít được độc giả trong nước biết đến.

"Chúng ta cần phải đọc để hiểu vì sao bà ấy được trao Nobel. Trong khi đó, văn học Việt Nam cũng có những nỗ lực, nhưng chưa đào sâu vào các vấn đề triết lý cốt lõi của dân tộc. Chúng ta thường mô tả những vấn đề đương thời một cách hời hợt, chưa đủ chiều sâu.

Ủy ban Nobel đã tôn vinh Han Kang bằng lời khen ngợi cho "văn xuôi đầy chất thơ mãnh liệt, dám đối mặt với các chấn thương lịch sử và phơi bày bản chất mong manh của đời sống con người". So sánh với điều đó, văn học Việt Nam vẫn còn thiếu những yếu tố đó. Chúng ta cần vượt qua sự hời hợt để tạo ra những tác phẩm có chiều sâu thực sự", nhà văn Phạm Xuân Nguyên cho biết.

Nhà văn Trần Chiến cho rằng, giải văn chương nào cũng có tiêu chí riêng, không thể "toàn cầu". Ngay trong nước cũng có rào cản với tác giả dân tộc ít người. Tác phẩm dù độc đáo nhưng không ai dịch, in, giới thiệu...

"Việc Việt Nam giành giải Nobel văn chương hãy cứ mơ ước, bởi không mơ ước thì khó thành công hoặc thành công do may mắn. Nhưng lại có câu "ai đánh thuế giấc mơ". Đường văn rất dài, nhiều niềm vui và cả nghiệt ngã, cứ bước đến đâu hay đến đó thôi. Đến một ngày đẹp trời ta thấy tự tin hẳn, hoặc nhận ra đời còn lắm cái khác sung sướng hơn viết lách", nhà văn Trần Chiến bày tỏ. 

Một nhà văn giấu tên khác cho hay, không biết đến bao giờ Việt Nam giành giải Nobel văn chương, bởi nhìn thực trạng hiện tại, các tác phẩm chưa có sự xuất chúng, đặc sắc mà đang ở mức bình bình. Nếu có chăng thì chính những người gốc Việt đang sinh sống tại nước ngoài, họ có góc nhìn, cách tiếp cận mới mẻ, hiện đại hơn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem