Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và kêu gọi sự cam kết chính trị của chính quyền các nước trong nỗ lực hướng tới một thế giới không còn bệnh dại, Liên minh Kiểm soát bệnh dại toàn cầu lấy ngày 28/9 là “Ngày thế giới phòng chống bệnh dại”.
Chủ đề phòng chống bệnh dại năm 2015 là “Cùng nhau chấm dứt bệnh dại bằng cách tiêm vắc-xin cho chó”.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 50.000 người tử vong do dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắc-xin phòng dại.
Ở Việt Nam, bệnh dại lưu hành trong nhiều năm, hàng năm trung bình khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc-xin dại, phí tổn tiền vắc-xin ước tính hơn 300 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, bệnh dại còn gây tổn thất đến sức khỏe, tinh thần của người dân. Khu vực miền núi phía Bắc được coi là khu vực trọng điểm dại với hơn 80% số ca tử vong.
Bệnh dại có thể phòng bằng vắc-xin
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng, Cục Y tế dự phòng nhận định, bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng nóng. Đến nay bệnh dại vẫn còn tồn tại trên toàn thế giới, chưa thanh toán được.
Cục Y tế Dự phòng cảnh báo, số người tử vong do bệnh dại thường không tiêm phòng vắc-xin và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn (nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vắc-xin cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng chống bệnh dại).
Theo ông Phu, tâm lý vừa để giữ nhà vừa làm thực phẩm, nên rất nhiều gia đình ở Việt Nam nuôi chó, mèo trong nhà. Vì vậy, số lượng đàn chó, mèo tại các địa phương rất lớn. Tuy nhiên, chó ra ngoài không rọ mõm, chó chạy rông ngoài đường rất nhiều…Trong khi đó, tỉ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo ở các địa phương chưa cao vì sự quan tâm và nhận thức của người còn hạn chế. Ngoài ra, do chủ quan không phải tất cả những trường hợp bị chó, mèo cắn đều mắc bệnh dại nên nhiều người không đi tiêm phòng sau khi bị chó, mèo cắn.
PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật. Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100%. Mặc dù vậy, bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc-xin đúng và đầy đủ.
Theo ông Kính, khi bị động vật dại cắn, bệnh nhân lên cơn dại có biểu hiện: Đau nhức cơ thể, sưng tấy tại vết cắn và lan dọc theo hệ thần kinh kèm theo cảm giác bồn chồn, thổn thức. Sau đó, bệnh nhân bị co cứng, co thắt cơ thực quản và hô hấp, sợ gió, sợ nước, hạ huyết áp, giãn đồng tử, phản ứng cơ thể dữ tợn.
Xử lý người bị súc vật nghi dại cắn
- Rửa ngay vết thương thật kỹ bằng nước xà phòng đặc 20%, rửa lại bằng nước muối sinh lý và bôi các chất sát khuẩn như dung dịch iốt đậm đặc.
- Vết thương bẩn, giập nát cần cắt lọc.
- Để hở vết thương, chỉ khâu lại vết thương sau khi bị cắn trên 5 ngày.
- Theo dõi súc vật cắn trong vòng 10 ngày: Tuyệt đối không giết chết súc vật cắn. Coi tất cả những súc vật cắn không theo dõi được đều là bị dại.
- Tiêm phòng vắc-xin uốn ván.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.