"Việt Nam không chỉ sản xuất phục vụ 100 triệu dân, mà sẽ là nhà cung cấp lương thực minh bạch, trách nhiệm, bền vững"

Minh Ngọc Thứ ba, ngày 18/04/2023 13:21 PM (GMT+7)
"Việt Nam không chỉ sản xuất phục vụ 100 triệu dân, mà sẽ là nhà cung cấp lương thực minh bạch, trách nhiệm, bền vững", Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết tại họp báo giới thiệu Hội nghị toàn cầu lần 4 về Hệ thống Lương thực, thực phẩm bền vững, ngày 18/4.
Bình luận 0

Sáng nay, 18/4, Bộ NNPTNT tổ chức họp báo giới thiệu Hội nghị toàn cầu lần 4 về Hệ thống Lương thực, thực phẩm (LTTP) bền vững. Đại diện các cơ quan báo chí cũng đã đặt nhiều câu hỏi xung quanh hội nghị này.

Trả lời câu hỏi của cơ quan báo chí về mục tiêu và thông điệp của Việt Nam tại Hội nghị này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, thông điệp của Hội nghị lần này Liên Hợp quốc đưa ra đó là, chuyển đổi hệ thống LTTP lành mạnh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Hiệp cho hay, vấn đề quan trọng nhất tại Hội nghị này đó là liên kết các quốc gia "không chỉ trên cam kết mà bằng hành động". Đồng thời các quốc gia phải có sự hợp tác "đa phương và song phương" trong hệ thống LTTP toàn cầu.

Tại Hội nghị này Việt Nam là nước chủ nhà và "Việt Nam không chỉ sản xuất phục vụ 100 triệu dân, mà sẽ là nhà cung cấp lương thực minh bạch, trách nhiệm, bền vững. Tại Quyết định số 300 của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rất rõ thông điệp", ông Hiệp nói.

Thứ trưởng Hiệp lấy ví dụ yêu cầu khắt khe của EU khi các sản phẩm có nguồn gốc từ rừng của Việt Nam như: Cà phê, cao su, ca cao... muốn xuất khẩu thì phải chứng minh được về nguồn gốc không phải trồng trên diện tích do phá rừng.

"Minh bạch nguồn gốc sản phẩm không phải cho ai mà cho chính ngành sản xuất của chúng ta, từ đó có mới đủ các tiêu chuẩn, yêu cầu từ các nước nhập khẩu", ông Hiệp nhấn mạnh.

"Việt Nam không chỉ sản xuất phục vụ 100 triệu dân, mà sẽ là nhà cung cấp lương thực minh bạch, trách nhiệm, bền vững" - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết tại cuộc họp báo sáng 18/4, "Việt Nam không chỉ sản xuất phục vụ 100 triệu dân, mà sẽ là nhà cung cấp lương thực minh bạch, trách nhiệm, bền vững". Ảnh: Trọng Tùng.

Theo ông Hiệp, ngoài minh bạch sản phẩm thì câu chuyện trách nhiệm cũng được phải được khẳng định. Ông cho rằng "trước khi có trách nhiệm với an ninh lương thực thế giới thì chúng ta hãy có trách nhiệm với chính mình". 

Hiện nay, Việt Nam đang chuyển sang nền sản xuất "xanh", "sạch", bởi vậy cơ quan quản lý nhà nước cùng với các nhà sản xuất trong nước đồng hành với Chính phủ đưa phát thải về 0 vào 2050 được cam kết tại COP26. Để làm được điều này thì vai trò của ngành nông nghiệp cũng rất quan trọng".

Tại buổi họp báo, thông tin đến các cơ quan báo chí, ban tổ chức cho biết, Hội nghị sẽ được tổ chức từ ngày 24/4 đến 27/4, tại Hà Nội gồm 9 phiên họp chính thức, 10 phiên họp kỹ thuật, các phiên họp bên lề cấp Bộ trưởng và Đêm hội Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam thực hiện Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dựa trên 3 trụ cột: Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân văn minh, thông minh.

Vấn đề đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam đồng thời góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên thế giới sẽ được các đại biểu tập trung thảo luận tại Hội nghị. Để thực hiện vấn đề này các quốc gia trên thế giới sẽ phải cùng hành động để giải quyết cụ thể. 

Theo Thứ trưởng Hiệp, hiện Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp ra thế giới. Việc đăng cai Hội nghị thể hiện Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu trong việc đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu, năng lượng, đại dịch mới nổi...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem