Trồng lúa kiểu này, nông dân chả phải lo bán mà chốt giá, bán hết khi chưa đến ngày gặt
Trồng lúa kiểu này, nông dân chả phải lo bán mà chốt giá, bán hết khi chưa đến ngày gặt
Thiên Hương
Thứ ba, ngày 18/04/2023 12:27 PM (GMT+7)
Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) triển khai 11 dự án về phát triển sản xuất cây lương thực, với quy mô 1.603ha, trong đó có Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại ĐBSCL” giai đoạn 2022-2024, thực hiện tại 4 tỉnh AnGiang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An.
Theo ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc TTKNQG, vùng ĐBSCL là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, trái cây, nuôi trồng và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của cả nước. Bộ NNPTNT chỉ đạo cần đẩy mạnh phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu, trong đó Tứ giác Long Xuyên là vùng trọng điểm và có điều kiện phát triển thành vùng nguyên liệu lúa gạo chất lượng cao.
Trên cơ sở đó, giai đoạn 2022 - 2024, TTKNQG đã triển khai dự án xây dựng mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại ĐBSCL, tập trung ở 4 tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và Long An. Mục tiêu xây dựng mô hình sản xuất lúa ứng dụng gói kỹ thuật đồng bộ từ gieo cấy đến thu hoạch, tạo sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Các mô hình khuyến nông sản xuất lúa nguyên liệu đã góp phần thực hiện thành công các đề án của ngành nông nghiệp như đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025; Đề án khuyến nông cộng đồng giai đoạn 2022 - 2025; Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao…
Cụ thể, TTKNG đã thực hiện 12 mô hình với quy mô 50ha/mô hình sản xuất lúa ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật từ gieo cấy đến thu hoạch. Thực hiện cấp mã số vùng trồng cho 12 mô hình, tương đương 600ha khi đạt đủ điều kiện. Xây dựng 4 mô hình HTX liên kết với doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi tại 4 tỉnh.
Bên cạnh đó, TTKNQG cũng phối hợp với các địa phương thí điểm tổ chức mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng. Mô hình đã góp phần đa dạng các hoạt động khuyến nông phục vụ phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao năng suất, chất lượng lúa, xây dựng vùng Tứ giác Long Xuyên thành vùng nguyên liệu lúa gạo chất lượng cao, tăng chuỗi giá trị hạt gạo nhằm giúp người dân nơi đây làm giàu.
Tham quan mô hình được thực hiện tại xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn (An Giang), ông Phan Thành Bắc - Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Sơn Hòa cho biết: "HTX có 31 thành viên tham gia và ký liên kết sản xuất lúa với Tập đoàn Lộc Trời được 2 năm. Năm 2022, HTX liên kết trên diện tích 650ha vụ thu đông. Trung bình 1 năm, HTX chúng tôi liên kết sản xuất từ 19.500 - 20.000ha. Theo đó, phía công ty yêu cầu HTX, nông dân phải tuân thủ hướng dẫn, quy trình kỹ thuật do công ty đưa ra. Trước thu hoạch 10-15 ngày, công ty chốt giá với nông dân nên không có tình trạng ép giá".
Ông Bắc cho biết, thực hiện mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu, HTX tham gia với diện tích 50ha. Toàn bộ quá trình sản xuất đều sử dụng cơ giới hóa, phía công ty cung cấp vật tư nông nghiệp và bao tiêu theo giá thị trường.
Được biết, mô hình trên do Trung tâm Khuyến nông An Giang làm chủ đầu tư, đơn vị liên kết thu mua là Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời. "Đặc biệt, quá trình tham gia mô hình, nông dân được công ty đầu tư toàn bộ dịch vụ cơ giới hóa, phun thuốc bằng máy bay không người lái (drone). Tất cả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí sản xuất, nông dân đều được công ty ký kết hợp đồng tạm ứng, cuối vụ sẽ trừ lại khi thu mua" - bà Huỳnh Đào Nguyên - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang thông tin.
Thu hút sự tham gia của doanh nghiệp
Đại diện Công ty Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời cho biết, mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu – nhà máy chế biến và Tổ khuyến nông cộng đồng là những khâu tạo thành chuỗi liên kết để xây dựng vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu.
Doanh nghiệp rất cần hệ thống tổ khuyến nông cộng đồng để thực hiện tốt cam kết với bà con nông dân, cùng nhau sản xuất quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa tập trung nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung - bền vững (khoảng 100.000ha) cho vùng ĐBSCL.
Theo TTKNQG, nhóm cây lương thực, trong đó có cây lúa là một trong những lĩnh vực chủ chốt của ngành nông nghiệp, vì vậy việc triển khai và nhân rộng các mô hình sản xuất lúa nguyên liệu phục vụ xuất khẩu góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế và những thách thức của biến đổi khí hậu ngày càng lớn, giải quyết được các điểm vênh trong chuỗi cung - cầu, giúp ngành hàng lúa gạo dần chủ động từ sản xuất đến tiêu thụ.
Ngoài ra, kết quả của các dự án còn có tác động thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về sử dụng hạt giống có phẩm cấp trong sản xuất đại trà, thay đổi tập quán canh tác và kỹ năng sản xuất giống.
Hình thành các HTX chuyên sản xuất giống phục vụ nhu cầu địa phương, góp phần hạ giá thành sản phẩm, tạo điều kiện để người sản xuất có thể tiếp cận với nguồn giống lúa tốt, đảm bảo chất lượng cũng như áp dụng những biện pháp kỹ thuật sản xuất hợp lý, hiệu quả, giảm chi phí…
Hơn hết, thông qua các mô hình, mối liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp cũng thể hiện bền chặt hơn. Điển hình như tháng 8/2022, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An và Sở NNPTNT Kiên Giang đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn chất lượng cao trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn vùng Tứ giác Long Xuyên.
Thông qua chương trình hợp tác, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học và thuốc BVTV sinh học; nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất lúa gạo bền vững, an toàn theo định hướng hữu cơ và không sử dụng thuốc BVTV hóa học.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.