VietGAP giúp cam sành Hà Giang hội nhập

Thứ hai, ngày 12/12/2016 06:45 AM (GMT+7)
Cam sành Hà Giang là một trong những loại cây đặc sản của địa phương, đây là cây “gánh” trên mình trọng trách xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân. Trong một vài năm qua, cam sành của tỉnh đã từng bước được chứng nhận về chất lượng, người tiêu dùng xa gần biết đến. Nhưng để đảm bảo chất lượng, nâng vị thế, giá trị và đưa cam sành đi xa thì rất cần quy trình VietGAP.
Bình luận 0

img

Vườn cam sành VietGAP của hộ anh Hà Văn Cứu ở xã Việt Lâm (huyện Vị Xuyên, Hà Giang).

Phát triển nông sản sạch

Trong vài năm gần đây, thông qua công tác xúc tiến quáng bá sản phẩm, quả cam sành được nhiều người tiêu dùng ở các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... biết đến và giành được nhiều chứng nhận về chất lượng như: Năm 2014 được người tiêu dùng bình chọn là một trong 10 sản phẩm dịch vụ người tiêu dùng tin cậy; Hiệp hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam chứng nhận danh hiệu vàng “Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt”.

Có mùi vị thơm ngon là thế song nhiều năm nay cam sành và người trồng cam ở tỉnh vẫn chưa nâng cao được giá trị quả cam. Trong khi ngoài thị trường nhiều thương lái đã giả danh cam sành Hà Giang để buôn bán, hoặc đưa ra những tin đồn thất thiệt làm ảnh hưởng đến giá trị quả cam.

Việc sản xuất theo quy trình VietGAP là một xu thế tất yếu để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo uy tín với người tiêu dùng và nâng cao giá trị sản phẩm. Đến thăm một hộ trồng cam ở xã Việt Lâm (huyện Vị Xuyên) được anh Hà Văn Cứu, chia sẻ: “Nhà tôi trồng cam đã hơn 20 năm nay rồi, hiện có 3 ha cam sành, trải qua nhiều thăng trầm với nghề trồng cam nên tôi rất mong muốn phát triển cây cam bền vững.

Năm 2014, tỉnh có kế hoạch phát triển trồng cam VietGAP, nhà tôi đăng ký tham gia vào lớp tập huấn và được các cơ quan chức năng, cán bộ khuyến nông đến tận vườn hướng dẫn trồng cam đạt tiêu chuẩn.

Dù vậy, nhưng do chưa có tem mác đảm bảo nên người tiêu dùng vẫn nghi ngờ, để xuất bán đi các tỉnh khác chúng tôi phải lên tận UBND xã xin cấp giấy đảm bảo là diện tích cam nhà tôi là cam sạch mới mang đi bán được”. Không chỉ có hộ anh Cứu mà 13 hộ trồng VietGAP trong xã cũng gặp phải khó khăn ban đầu này.

Cùng trăn trở với người trồng cam, từ đầu năm nay tỉnh đã chuẩn bị cho việc cấp chứng nhận VietGAP 1.397 ha cam sành thuộc 30 vùng trên địa bàn 3 huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình.

Và triển khai các bước chuẩn bị cho chứng nhận VietGAP 550 ha còn lại trong năm 2017. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tỉnh, Nguyễn Văn Thành, cho biết: “Vào tháng 12 này có 30 cơ sở sản xuất cam VietGAP với tổng diện tích 1.397,4 ha/1.405 hộ sẽ được cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Nâng tổng số diện tích cam được cấp chứng nhận VietGAP lũy kế lên là 1.475,9 ha.

Trước đấy, chúng tôi đã tiến hành các bước khảo sát, lập cơ sở dữ liệu, khoanh vùng, tập huấn, lấy mẫu phân tích điều kiện thổ nhưỡng. Tỉnh cũng hỗ trợ cho các cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải và biển báo vùng sản xuất cam VietGAP.

Trong đó, huyện Bắc Quang đã hỗ trợ đầu tư thêm từ nguồn ngân sách huyện 190 triệu đồng cho các cơ sở xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải; huyện Quang Bình dùng ngân sách huyện hỗ trợ cho các cơ sở theo hình thức đầu tư có thu hồi, ứng tiền mua phân bón trên 1 tỷ đồng”. Đây là những nỗ lực của tỉnh, huyện trong việc nâng cao giá trị cam Sành.

Chấm dứt “thời không tem mác”

Ngắm nhìn những quả cam sai mọng đầy cành, gia đình anh Cứu không giấu nổi niềm vui, theo anh Cứu: “Trồng cam theo quy trình VietGAP có rất nhiều lợi ích, cây cam phát triển tốt, cho quả đẹp, vỏ nhẵn, mọng nước. Trước đây khi chưa trồng theo quy trình, nhà tôi không hề biết đến việc cắt tỉa cành cam, phun thuốc, bón phân như thế nào là tốt. Có đến 70 phần trăm quả cam bị sần vỏ, khô tép nhưng nay thì số quả xấu mã chỉ còn khoảng 30% thôi. Nhờ quả cam đẹp, chất lượng hàng loại 1 nhiều nên giá bán cũng đắt hơn các hộ khác từ 3 – 5 nghìn đồng/kg. Năng suất trung bình cũng nâng lên gần gấp đôi, vào khoảng hơn 15 tấn/ha. Nhờ thế, tham gia hội thi cam của tỉnh vào năm ngoái, cam của gia đình đã đoạt giải nhì”.

Tin vui đến với những hộ trồng cam VietGAP là cũng trong năm nay, Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00052 theo Quyết định số 4092/QĐ-SHTT, ngày 10.10.2016 cho sản phẩm cam sành Hà Giang. Theo Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành (Sở Khoa học và công nghệ), Hà Thị Hằng Nga, cho biết: “Việc cam sành Hà Giang được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý là điều kiện thuận lợi cho các hộ trồng cam phát triển cây cam bền vững.

Vì những quả cam được dán tem nhãn chỉ dẫn địa lý phải đạt các tiêu chuẩn đã đăng kỹ với Cục Sở hữu trí tuệ về tính chất, chất lượng đặc thù quả cam (hình dáng, màu sắc, trọng lượng...); về tính chất đặc thù do điều kiện địa lý tạo nên (vùng chỉ dẫn địa lý) như: Địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng. Ngoài ra, còn phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật sản xuất, thời gian thu hoạch và bảo quản...”.

Sở NN&PTNT nơi được UBND tỉnh ủy quyền quản lý chỉ dẫn địa lý, là cơ quan quản lý về việc dán tem nhãn này”. Với chứng nhận chỉ dẫn địa lý cam sành Hà Giang sẽ giúp tăng sức cạnh tranh trên thị trường, là một trong những điều kiện để đưa quả cam đi xa. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập vào Cộng đồng kinh tế ASEAN và thực hiện Hiệp định TPP.

Để đảm bảo chất lượng cam sành bền vững, theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tỉnh, Nguyễn Văn Thành cho rằng: Khi cam sành Hà Giang đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý thì cần có trạm quản lý chất lượng để kiểm soát việc dán tem nhãn, kịp thời phát hiện những địa chỉ không đạt tiêu chuẩn. Đồng thời, phải triển khai trồng cam VietGAP đồng bộ thành vùng, những hộ có diện tích nhỏ lẻ phải ký cam kết thực hiện VietGAP. Bên cạnh đó, cần xúc tiến quảng bá sản phẩm, tìm đầu ra ổn định cho quả cam.

Lê Hải (Báo Hà Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem