Theo đó, Ban Quản lý dự án 2, Bộ Giao thông vận tải và liên danh Tập đoàn Xây dựng miền Trung và Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã ký hợp đồng gói thầu XL03: xây lắp và khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công đoạn Km364+410,75 - Km380+000 dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn QL 45 - Nghi Sơn, thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.
Dự án thành phần xây dựng đoạn QL 45 - Nghi Sơn dài 43km, đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 5.534 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Thời gian tổ chức thi công xây dựng dự án trong khoảng 2 năm.
Được biết, liên danh Tập đoàn Xây dựng miền Trung – Vinaconex trúng thầu gói thầu trên đều là những nhà thầu rất uy tín và có tiềm lực mạnh với việc đã và đang tham gia thi công xây dựng nhiều dự án hạ tầng lớn.
Hiện nay, Vinaconex đang là nhà thầu lớn đối với các dự án giao thông. Trong đó một số dự án có giá trị lớn như: 3 trong số các gói thầu lớn nhất của cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - Quốc lộ 45) trị giá 8.000 tỷ đồng; Dự án Mikazuki Đà Nẵng; Tổ hợp hóa dầu Long Sơn; Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; Dự án Bệnh viện K TW, Dự án Tòa án nhân dân TP Hà Nội…
Theo báo cáo tài chính quý I/2021, của Vinaconex ghi nhận biên lợi nhuận mảng xâp lắp tăng gấp đôi so với cùng kỳ, các mảng sản xuất công nghiệp, giáo dục cũng có tăng trưởng mạnh mẽ thu về lợi nhuận hợp nhất trước thuế tăng gấp 5 lần cùng kỳ.
Quý I của Vinaconex cũng ghi nhận tăng trưởng đến từ các hoạt động sản xuất công nghiệp và giáo dục có biên lợi nhuận tốt ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt 30,9% và 223% về doanh thu.
Trong khi đó, hoạt động quản trị chung của Vinaconex cũng có những thay đổi rất tích cực, thể hiện sự thích ứng của Vinaconex trước những diễn biến khó khăn của thị trường.
Chi phí quản lý, bán hàng và chi phí tài chính cùng được tiết giảm, trích lập dự phòng phải thu khó đòi giảm mạnh. Kết quả VCG đã thu về 345,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 5,4 lần cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, phần lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 341,5 tỷ đồng.
Vinaconex đang khẳng định mình với những con số ấn tượng trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp ngành xây lắp bị ảnh hưởng đáng kể do chi phí đầu vào tăng mạnh, đặc biệt do ảnh hưởng của biến động giá nguyên vật liệu từ cuối năm 2020 đến nay.
Đáng chú ý, dòng tiền của Vinaconex được đảm bảo ổn định khi giá trị giá trị tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn đạt 2.588 tỷ đồng, chiếm 12% tổng tài sản.
Mảng đầu tư, kinh doanh bất động sản của Vinaconex cũng được đánh giá có triển vọng tốt, điểm rơi doanh thu vào các quý cuối năm 2021 và năm 2022.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.