Là những hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp do vỡ đường ống nước sông Đà, chúng tôi vô cùng bức xúc. Công trình này có quy mô và vốn đầu tư rất lớn. Vậy câu hỏi đặt ra với các nhà chức trách là vì sao để xảy ra tình trạng vỡ đường ống nước đến lần thứ 9, cơ quan chức năng mới vào cuộc khởi tố vụ án hình sự?
Trước đó các đơn vị thi công và nhà thầu đổ lỗi cho khách quan, do nền đất yếu, ảnh hưởng dư chấn... rồi sửa đi, vá lại nhiều lần. Rõ ràng đây là sự thiếu trách nhiệm, không kiên quyết trong việc chỉ đạo xử lý ngay từ đầu của UBND thành phố Hà Nội đối với Tổng Công ty Vinaconex và các đơn vị liên quan.
Anh Trần Văn Dậu(phường Thượng Đình,quận Thanh Xuân, Hà Nội)
Đọc báo NTNN, biết Vinaconex tiếp tục được thi công giai đoạn 2 của đường ống dẫn nước sông Đà khiến người dân rất lo lắng. Theo tôi, nên giao việc này cho nhà thầu khác có đủ năng lực hơn, và Vinaconex phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, đồng thời bồi thường thiệt hại cho hơn 7 vạn hộ dân thành phố phải chịu cảnh sống khốn khổ vì sự yếu kém, thiếu trách nhiệm của tổng công ty.
Ông Tống Văn Thơm(phường Khương Trung,quận Thanh Xuân, Hà Nội)
Sau 9 lần vỡ đường ống nước người dân không được nghe giải thích hay có một kết luận chính thức nào chấp nhận được, gần đây họ mới được xin lỗi. Điều đó cho thấy suốt thời gian qua, người tiêu dùng không hề được cảnh báo theo quy định tại Điều 12, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Việc người dân yêu cầu (ở đây là Vinaconex) bồi thường thiệt hại cũng là một quyền của người tiêu dùng, được quy định tại khoản 6, Điều 8, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; trách nhiệm bồi thường thiệt hại từ phía tổ chức kinh doanh đối với người tiêu dùng cũng được quy định tại Điều 23, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Người tiêu dùng có nhiều cách lựa chọn mà pháp luật đã quy định, như thương lượng với chính đơn vị cung ứng nước, hoặc chọn phương thức hòa giải, trọng tài hoặc tòa án. Về thủ tục pháp lý, tùy phương thức mà mình lựa chọn, người tiêu dùng sẽ được tư vấn cụ thể. Pháp luật không quy định tất cả người dân phải cùng lên tiếng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng -Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam
9 lần vỡ ống nước, làm cho người dân khốn khổ, nhưng lần nào cũng đổ lỗi cho nền đất yếu, không làm rõ nguyên nhân, nay Hà Nội lại tiếp tục giao cho Vinaconex thi công là điều không thể chấp nhận được. Và lại càng không thể chấp nhận được khi mà ông Phó Chánh văn phòng UBND TP.Hà Nội lý giải rằng “vốn do doanh nghiệp bỏ ra”. Ai bỏ ra thì suy cho cùng cũng là của dân đóng góp, giải thích như vậy là ngụy biện.
Từ việc này, dân đặt câu hỏi: Có hay không việc “bắt tay” giữa một số người có chức, có quyền của TP.Hà Nội với Vinaconex? Cần điều tra rõ nguyên nhân vỡ đường ống nước và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có sai phạm.
Anh Nguyễn Văn Phúc(Khu đô thị Xa La, Hà Đông,Hà Nội)
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến sự cố vỡ đường ống nước sông Đà. Để đảm bảo quyền lợi cho mình, người sử dụng nước sạch theo hợp đồng với Tổng Công ty Vinaconex có quyền:
- Nộp đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại để được giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự lên tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc;
- Khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại tại tòa án nhân dân cấp quận, huyện nơi bị đơn là cơ quan, tổ chức đặt trụ sở. Tuy nhiên phải có những căn cứ để chứng minh những thiệt hại thực tế gây ra bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút trong thời gian mất nước do vỡ đường ống nước và thiệt hại đó phải là thiệt hại do việc vỡ đường ống nước và bị mất nước gây ra.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo -Giám đốc Công ty Luật Đức An (Hà Nội)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.