“Anh thợ” trồng trọt tài ba
Trong quãng đời hoạt động gần 50 năm của mình thì có đến 4/5 thời gian Mai Thúc Lân làm việc ở địa phương, hàng ngày gắn bó với người nông dân. Lâu nay khi nhắc đến Mai Thúc Lân người ta hay nghĩ tới một “ông quan” cầm cân nảy mực ở chốn công đường, đã chỉ ra những căn bệnh trầm kha của giới công chức đương thời như “trên bảo dưới không nghe”; ông là người kiên trì “đòi” bầu cử lãnh đạo cấp cao phải có số dư; ông phê phán kịch liệt thói chạy chức, chạy quyền, chạy tội; chủ nghĩa cá nhân, bè phái, lợi ích nhóm...
Tuy nhiên không phải ai cũng biết rằng ông còn là một “anh thợ” trồng trọt tài ba; một cán bộ lãnh đạo hàng ngày vật lộn trên đồng ruộng; người từng có những sáng kiến và xây dựng những mô hình hợp tác xã đầy lãng mạn một thời.
Đời thường của ông Mai Thúc Lân.
Mai Thúc Lân sinh ra (năm 1935) và lớn lên ở Điện Bàn, Quảng Nam. Khi còn nhỏ ông học trường làng, thi đỗ sơ học yếu lược, tiếp tục học lớp nhì Trường Phong Thử. Rồi ông được chuyển ra Bắc học Trường Đại học Nông lâm. Tốt nghiệp, ra trường, hòa bình vừa được lập lại trên miền Bắc, Mai Thúc Lân được điều về Hà Bắc (gồm Bắc Ninh và Bắc Giang) làm cán bộ kỹ thuật trồng trọt. “Không ngờ rằng mình lại gắn bó nhiều với vùng Kinh Bắc đến thế”- có lần ông tâm sự.
Quả thật, ông Mai Thúc Lân đã có đến 40 năm gắn bó với vùng đất Kinh Bắc. Dấu chân ông đã in khắp hang cùng ngõ hẻm, đồng ruộng của Hà Bắc. Ông lặn lội trên đồng ruộng, gần gũi nông dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và từ thực tiễn ông đã chắt lọc, tổng kết, rồi đề xuất những chủ trương, chính sách phù hợp, đem lại lợi ích chính đáng, thiết thực cho người dân. Ông là người khởi xướng và xây dựng thành công “Mô hình Hợp tác xã kiểu mới 4L” nổi tiếng một thời - Hợp tác xã Trung Hòa (lúa-lang-lợn-lạc). Ông cũng là người đưa lúa xuân thành vụ sản xuất chính đầu tiên ở miền Bắc. Cán bộ, các đoàn thể, hội, rồi nông dân các vùng khác kéo đến học tập rầm rầm.
40 năm sống và làm việc ở xứ Kinh Bắc đã cho Mai Thúc Lân rất nhiều. Ông đi lên từ anh cán bộ kỹ sư trồng trọt, trải qua các cương vị Phó phòng, Trưởng phòng trồng trọt, Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Ty Nông nghiệp; Phó Chủ tịch tỉnh Hà Bắc phụ trách nông lâm thủy lợi; Phó Bí thư Tỉnh ủy, rồi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc.
Cũng tại nơi đây ông đã yêu và kết hôn với một cô công nhân áo gụ quần thâm tóc tết đuôi sam, da trắng hồng ở Trại Thí nghiệm lúa Hà Bắc. Bà gắn trọn đời mình với ông, sinh hạ cho ông 4 người con. Đến nay các con của ông bà đều đã có gia đình riêng và đều thành đạt.
Đối mặt với thử thách
Nhưng rồi cũng chính cái mảnh đất đầy chất thi ca này để lại trong lòng ông không ít day dứt. Có lần, trong lúc “trà dư tửu hậu” ông kể: “Hồi đó có tay giám đốc công ty ngoại thương bị tố cáo quan liêu, tham nhũng, gây bất bình trong dư luận. Đơn gửi đến mình, không còn cách nào khác, mình cho lập đoàn thanh tra. Đoàn thanh tra làm việc xong không hiểu sao về báo cáo mọi chuyện tốt hết, mà hôm đó lại còn mời tay đó đến nghe.
Mình linh cảm là đoàn thanh tra có vấn đề, nên quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra lại toàn bộ. Biết là không thoát được, tay giám đốc đó quyết định dùng hai phương án- một là tác động đến Thường vụ Tỉnh uỷ để Tỉnh uỷ can thiệp, ngăn cản hoạt động của đoàn thanh tra, hai là dùng biện pháp đe doạ. Đến khi dùng Tỉnh uỷ tác động không được, tay đó quyết định tổ chức ném lựu đạn vào nhà mình”. Lựu đạn nổ, rất may hôm ấy ông ở lại cơ quan xem bóng đá trên TV cùng mấy anh cán bộ văn phòng.
Năm 1994, khi đang làm Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, Mai Thúc Lân được điều về làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Năng. Ông nhớ lại: “Ngay buổi đầu tiếp xúc với lãnh đạo Quảng Nam - Đà Nẵng có người đã cười cười bảo: “Ông là người Quảng Nam nên chúng tôi mới chịu để ông về làm lãnh đạo chứ là người khác thì nghỉ khỏe nhé. Quảng Nam là chỉ có cung cấp lãnh đạo cho vùng khác chứ không có nhận lãnh đạo từ vùng khác đâu”. Tôi cũng cười cười bảo: “Anh Đỗ Mười cũng đã truyền thông điệp này cho tôi trước khi về đây rồi”.
Sau này, khi ông Lân đã nghỉ hưu, đến thăm ông ở tư gia, kể lại chuyện cũ, ông bảo, những tháng ngày ở Quảng Nam-Đà Nẵng tuy rất ngắn, chưa đầy 4 năm, nhưng là thời gian khó khăn và phức tạp nhất trong cuộc đời hoạt động của ông: Sắp xếp lại đội ngũ cán bộ; rồi lại chia tách tỉnh: Quảng Nam-Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. “Làm việc ở quê mình nhưng khó hơn ở Hà Bắc rất nhiều. Tuy nhiên những bài học kinh nghiệm ở xứ Kinh Bắc đã giúp ích cho mình rất nhiều”-ông kể. Qua công tác nhân sự và đại hội, mềm dẻo lẫn quyết liệt, ông đã góp phần tiến cử một số cán bộ có năng lực, trong đó có việc đưa ông Nguyễn Bá Thanh lên làm Bí thư thành phố Đà Nẵng sau này.
“Chuyện đời ấm lạnh buồn vui”
Sau Đại hội Đảng bộ Quảng Nam-Đà Nẵng lần thứ 16 được 5 tháng thì Trung ương quyết định cho tách tỉnh. Ở tuổi 62, nặng chỉ còn 40 cân, ông lại phải gồng mình lên trong vai trò người cầm trịch chia và tách. Đồ đạc của vợ chồng ông chất lên không đầy chiếc xe com- măng-ca, rời thành phố Đà Năng sầm uất, lóc cóc 70 cây số về Tam Kỳ khi ấy vẫn còn là những đồi bạch đàn đất trắng xóa và khu dân cư thưa thớt để xây dựng thủ phủ Quảng Nam. Ngồi trên xe chạy xóc đến tung người, cái nắng cứ như táp vào mặt, vợ ông đã khóc nấc. “Đó là lần đầu tiên trong đời bà ấy khóc”- ông Lân kể.
Gian nan, vất vả rồi cũng qua đi. Ông làm Bí thư Quảng Nam cho đến cuối năm 1997 thì được rút ra làm Phó Chủ tịch Quốc hội.
Tổng cộng toàn bộ thời gian Mai Thúc Lân hoạt động nghị trường chưa đầy 10 năm (4 năm làm Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế -Ngân sách của Quốc hội và 5 năm làm Phó Chủ tịch Quốc hội), nhưng dấu ấn của ông để lại là hết sức sâu đậm. Ông là người đấu tranh quyết liệt với nạn chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa bè phái, lợi ích nhóm. Ông cũng từng kêu gọi Quốc hội bầu lãnh đạo cấp cao phải có ít nhất 2 ứng cử viên...
Gần đây đến thăm ông, ông đã rất yếu, sau 10 năm trời ông chống chọi với căn bệnh ung thư một cách vô cùng kiên cường và anh dũng để sống, để tiếp tục làm việc. Hôm ấy ông nhắc lại với chúng tôi những kỷ niệm cũ. Ông không nói được nhiều.
Ông gửi biếu chúng tôi cuốn Hồi ký “Chuyện đời ấm lạnh buồn vui” xuất bản cuối năm 2010. Hôm nay ngồi đọc lại cuốn hồi ký của ông, cũng như cuộc đời ông mà tôi từng biết, đầy rẫy những chuyện vui-buồn, ấm-lạnh; những chuyện ông đã từng kể với chúng tôi hay đã viết trong cuốn hồi ký; cả những chuyện mà ông chưa kịp kể, những chuyện ông chỉ để lại cho riêng mình. Gấp lại cuốn sách cuộc đời ông, tuy rằng rất đau đớn, tôi thực sự cảm thấy ấm lòng trước một con người ngay thẳng, trung thực, nghĩa khí, thủy chung với mọi người và với những trọng trách mà mình từng nắm giữ.
Vĩnh biệt ông - một nhân cách lớn!
5 giờ 5 phút sáng 29.10, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sau một thời gian lâm bệnh. Ông Mai Thúc Lân sinh ngày 6.1.1935, quê quán xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng, như Phó Chủ tịch tỉnh Hà Bắc; Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế- Ngân sách của Quốc hội khóa 9; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam- Đà Nẵng; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (sau khi Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách). Trước khi nghỉ hưu, ông giữ cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội khóa 10 (1997 - 2002). Năm 2007, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.
Tang lễ nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân sẽ được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; lễ viếng diễn ra từ 7 giờ đến 11 giờ ngày 4.11.2014.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.