Vĩnh Long: Người bán đất, người kêu con bỏ học vì lâm nợ do trồng khoai lang tím (bài 2)

Huỳnh Xây Thứ hai, ngày 20/06/2022 06:02 AM (GMT+7)
Nhiều hộ dân trồng khoai lang tím ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long - vùng trồng khoai lang lớn nhất miền Tây đã phải bán đất, thậm chí kêu con bỏ học đại học để phụ gia đình trả nợ ngân hàng.
Bình luận 0

Người bán đất, người kêu con bỏ học vì lâm nợ do trồng khoai lang tím

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, anh Nguyễn Văn Đoàn (ở ấp Tân Yên, xã Tân Thành, huyện Bình Tân) cho biết, do trồng khoai lang tím nên nhiều năm qua, anh liên tiếp bị thua lỗ, riêng từ năm 2020 đến năm 2021, lỗ 200 triệu đồng. Hiện số tiền anh nợ ngân hàng là 600 triệu đồng.

Một số người dân huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho biết, đã phải bán đất, thậm chí là kêu con bỏ học đại học để phụ gia đình để trả nợ ngân hàng. Video: Huỳnh Xây

Thua lỗ từ việc trồng khoai lang tím, anh Đoàn quyết định chuyển 1,1ha đất sang trồng lúa. Đồng thời kêu bán 8.000m2 để trả nợ ngân hàng nhưng đã lâu không ai mua.

"Tôi kêu bán đất để trả nợ ngân hàng mà không ai mua. Còn trồng lúa thì không thể trả nổi số tiền đó" - anh Đoàn nói.

Anh Cao Văn Nhường (ấp Tân Dương, xã Tân Thành) đi thuê khoảng 5ha để trồng khoai lang tím và bị thua lỗ từ năm 2015 đến nay. Theo đó, anh bị thua lỗ nặng nhất là năm 2021 với số tiền trên 300 triệu đồng. Riêng số tiền anh Nhường nợ ngân hàng khoảng 450 triệu đồng.

Bài 2: 'Nỗi đau' vùng trồng khoai lớn nhất miền Tây:  Người bán đất, người kêu con bỏ học vì lâm nợ - Ảnh 1.

Anh Cao Văn Nhường, ấp Tân Dương, xã Tân Thành, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long nợ ngân hàng khoảng 450 triệu đồng, phải bán đất trả nợ. Ảnh: Huỳnh Xây

Để có tiền trả nợ ngân hàng, anh Nhường đã bán được trên 1.000m2 đất nhà đang trồng mít Thái, trả nợ ngân hàng trên 300 triệu đồng và còn đang thiếu trên 100 triệu đồng.

Cũng như anh Đoàn và anh Nhường, anh Nguyễn Văn Nghĩa ở ấp Tân Yên, xã Tân Thành, huyện Bình Tân thua lỗ vì trồng khoai lang tím.

"Tôi có hơn 4.000m2 trồng khoai lang tím. Do trồng lỗ nhiều năm nên chuyển sang trồng lúa. Hiện tôi vẫn thiếu nợ ngân hàng 60 triệu đồng nhưng không có tiền trả" - anh Nghĩa nói.

Do thiếu nợ ngân hàng 60 triệu đồng không có khả năng trả nên anh Nghĩa quyết định cho đứa con gái lớn nghỉ học đại học về làm công nhân phụ giúp gia đình. 

Bài 2: 'Nỗi đau' vùng trồng khoai lớn nhất miền Tây:  Người bán đất, người kêu con bỏ học vì lâm nợ - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Văn Nghĩa ở ấp Tân Yên, xã Tân Thành, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho con nghỉ học đại học, phụ gia đình trả nợ. Ảnh: Huỳnh Xây

"Tôi năn nỉ đứa con gái nghỉ học đại học vì gia đình đang thiếu nợ ngân hàng, không có khả năng trả. Nếu con tôi đi học sẽ không có tiền đóng học phí và các chi phí khác. Con tôi đã khóc liên tiếp 3 ngày vì quá buồn" - ông Nghĩa nói.

Nông dân trồng khoai lang tím cần sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng và ngân hàng

Ông Sơn Văn Luận - Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Ngọc (xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) cho hay, do giá bán ra quá thấp, từ năm 2019 đến nay, người dân trồng khoai lang tím năm nào cũng lỗ, nhất là năm 2020 và 2021. 

Bài 2: "Nỗi đau" vùng trồng khoai lang lớn nhất miền Tây:  Người bán đất, người kêu con bỏ học vì lâm nợ - Ảnh 4.

Ông Sơn Văn Luận ở xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long đi vay 1,6 tỷ đồng từ ngân hàng để trồng khoai lang tím. Ảnh: Huỳnh Xây

Ông Luận tính toán, tiền bán khoai lang tím trong thời gian nói trên chỉ đủ trả tiền nhân công đào khoai, còn 100% chi phí đầu tư đều không thu hồi được (từ 12 triệu đồng/1.000m2), tức lỗ 12 triệu đồng". 

"1.000m2 lỗ 12 triệu đồng thì 1ha đã mất hơn 120 triệu đồng và 3 năm liên tiếp như vậy, sao người dân chịu nổi" - Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Ngọc buồn bã nói.

Ông Luận nói tiếp: "Rất nhiều người dân tôi biết đã bán đất trả nợ mà còn không đủ. Nhiều người đi vay từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có ngân hàng. Riêng gia đình tôi đi vay 1,6 tỷ đồng từ ngân hàng". 

Cũng theo ông Luận, trong quá trình làm ăn với thương lái Trung Quốc, ông còn bị thương lái giật tiền khoảng 13 tỷ đồng.

Ông Võ Văn Tước (ở tổ 3, ấp Tân Dương, xã Tân Thành, huyện Bình Tân) cho biết, nhiều người đi thuê đất trồng khoai lang tím và lâm nợ sau đó. Nguyên nhân là không biết trước được giá khoai giảm mạnh sau đó.

Cũng theo ông Tước, ngành chức năng cần tác động phía ngân hàng để có chính sách hỗ trợ người dân không cần đáo hạn sớm nhưng phải đóng lãi. Vì người dân lỗ trắng tay 3 năm nay, không có đủ tiền đáo hạn.

"Nếu không hỗ trợ (không đáo hạn sớm), người dân phải đi vay "nóng" bên ngoài với lãi suất cao. Nếu không vay được bên ngoài, người dân chỉ còn cách bán đất nhưng đất ở nông thôn này rất khó bán" - ông Tước than thở.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, năm 2018 diện tích trồng khoai trên địa bàn toàn huyện là 14.100ha. Tuy nhiên, về sau diện tích giảm dần qua các năm. Cụ thể, đến năm 2019, diện tích giảm còn là 13.500ha; năm 2020 là 12.700ha; 2021 là 7.300ha; 6 tháng đầu năm 2022 là 700ha.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem