Vĩnh Phúc: Trồng những loài hoa lan rừng quý hiếm kiên trì, tâm huyết, ông nông dân này giờ là tỷ phú

Thứ sáu, ngày 18/12/2020 13:01 PM (GMT+7)
Lựa chọn hoa phong lan- “nữ hoàng của các loài hoa” để phát triển kinh tế, đến nay, gia đình anh Nguyễn Đức Thịnh ở thôn Đoàn Thành, xã Triệu Đề (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) đã thành công mô hình trồng hoa phong lan. Anh Thịnh có nhiều loài hoa lan quý, được nhiều người tìm đến thưởng thức và mua, mang lại nguồn thu nhập cao.
Bình luận 0

Xưa nay, khi nhắc đến hoa phong lan, người ta thường chỉ biết chúng là mặt hàng được nhiều người săn lùng với mục đích sưu tầm và thưởng thức vẻ đẹp của loài hoa ví như "nữ hoàng của các loài hoa".

Thế nhưng, thú chơi ấy khi chuyển sang hình thức kinh doanh đã mang lại giá trị kinh tế không hề nhỏ cho những chủ nhân của nó. Và vườn hoa lan của gia đình anh Nguyễn Đức Thịnh ở thôn Đoàn Thành, xã Triệu Đề (huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) là một ví dụ điển hình.

Vĩnh Phúc: Trồng những loài hoa lan rừng quý hiếm kiên trì, tâm huyết, ông nông dân này giờ là tỷ phú - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Đức Thịnh ở thôn Đoàn Thành, xã Triệu Đề (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) hiện là chủ nhân của vườn hoa lan có giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng.

Đến thăm vườn phong lan của gia đình anh Thịnh; điều bất ngờ với tôi là hình ảnh người đàn ông nổi tiếng là chủ của vườn hoa trị giá hàng tỷ đồng lại ăn vận khá giản dị với nụ cười hiền lành.

Để có được vườn phong lan quy mô với tổng diện tích lên tới 1.000m2, đối với người đàn ông này là cả một câu chuyện dài.

Và trong mỗi câu chuyện làm ăn thường được bắt đầu bằng những khó khăn, thử thách, giống như câu nói của ông bà ta ngày xưa: “vạn sự khởi đầu nan”.

Theo chia sẻ của anh Thịnh, anh biết đến loài hoa phong lan khi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự năm 1995.

Sau khi xuất ngũ trở về địa phương năm 1998, anh bắt đầu theo nghề buôn bán cây cảnh, hoa – vốn là nghề truyền thống ở địa phương.

Tuy nhiên, khi làng nghề buôn hoa, cây cảnh ở Triệu Đề rơi vào khủng hoảng vào những năm 2000, nhiều "đại gia" lúc đó lâm vào cảnh vỡ nợ, bán hết gia sản.

Vốn yêu thích loài hoa phong lan, anh chuyển sang mô hình kinh doanh phong lan, bắt đầu lặn lội tìm kiếm và mua lại nhiều giống hoa quý của bà con ở khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm trồng lan nên những cây phong lan được anh Thịnh trồng không phát triển. Nhiều giò lan rừng không ra hoa, thậm chí còn bị thối rễ, cả giò lan tiền triệu phải đem đổ bỏ trong sự tiếc nuối, xót xa.

Nhớ lại khoảng thời gian ấy, anh cho biết: "Đã có lúc tôi muốn buông xuôi vì nhận ra, nghề trồng hoa phong lan giữa đam mê và làm giàu là một khoảng cách khá xa.

Việc trồng một chậu phong lan để làm cảnh, trang trí khác hoàn toàn so với việc chăm sóc, quản lý để cả một vườn cây hoa lan được ra hoa, xanh lá".

Buồn và thất vọng là vậy, nhưng từ đam mê, yêu thích hoa lan, anh bắt đầu chuyên tâm học hỏi, đi thăm quan nhiều nhà vườn trong và ngoài tỉnh. Anh học tập thêm kinh nghiệm trồng, chăm sóc hoa lan qua internet với tâm niệm "lấy niềm đam mê của mình để nuôi sống gia đình".

Sau khi dành thời gian dài học hỏi cách trồng lan, anh phấn khởi vì đã tỏ tường kỹ thuật nhân giống lan rừng.

Đó là khi tiến hành cắt mầm phong lan ra khỏi thân, dụng cụ cắt phải đảm bảo sạch, sắc bén để tránh cành bị dập sẽ khiến cho thân cành bị thối, mầm không lên được.

Ngoài ra, môi trường sống của cây phong lan cũng là yếu tố rất quan trọng mà người trồng cần phải quan tâm. Bởi theo anh Thịnh, hoa phong lan là loài cây thích hợp phát triển trong môi trường có nhiệt độ từ 20 – 30 độ C, độ ẩm từ 40 – 70%. 

Nếu vượt ngưỡng nhiệt độ và độ ẩm cho phép, cây phong lan không phát triển, thậm chí chết thì thiệt hại về kinh tế là điều không thể tránh khỏi.

Đưa chúng tôi đi thăm quan vườn lan có diện tích 200m2 gồm hơn 400 giò phong lan có giá trị cao, gồm các loài hoa lan rừng quý hiếm, như: Long Tu, Giả Hạc, Mỹ Nhân, Bạch Tuyết,…

Nhìn những bông hoa phong lan đua nhau khoe sắc khắp vườn có thể thấy được, đây chính là kết quả cho những nỗ lực của người đàn ông này.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Thịnh cho biết: “Điểm đặc biệt của việc chơi – kinh doanh lan nằm ở chỗ, giá trị một giò lan thường phụ thuộc vào đẳng cấp của loài hoa, màu sắc, độ dài của thân. Thế nên mới có chuyện, một giò lan rừng có giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng là hết sức bình thường”.

Công việc kinh doanh hoa phong lan đã đang mang lại cho anh Thịnh doanh thu gần 2 tỷ đồng/năm. Ngoài mua bán lan rừng, anh còn mua bán lan đột biến, nhân giống và cung cấp lan giống cho các chủ nhà vườn khác trong và ngoài tỉnh Vĩnh Phúc…

Cũng vì thế, không ít giới chơi lan ở khắp các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đồng Nai… không quản đường xa lặn lội đến nhà vườn lan của anh để thăm quan, học hỏi kinh nghiệm.

Cũng từ đó, đơn đặt hàng mua phong lan luôn dày đặc, có những thời điểm không đủ để cung ứng, nhất là vào các dịp lễ, Tết.

Nông nghiệp là lĩnh vực khởi nghiệp được nhiều người lựa chọn; nhưng trồng cây gì, nuôi con gì để gặt hái được thành công luôn cần một quá trình dày công tìm tòi, học hỏi.

Ngọc Lan (Báo Vĩnh Phúc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem