Vĩnh Phúc: Vì sao sống dưới bóng cây cổ thụ, dân ở đây lại lo nơm nớp?

Thứ bảy, ngày 09/10/2021 06:16 AM (GMT+7)
Đó là tâm trạng chung của hàng chục hộ dân đang sinh sống, kinh doanh dọc phố Lê Duẩn, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) sau khi tận mắt chứng kiến một cây xà cừ cổ thụ bất ngờ bật gốc, đè sập 1 góc nhà dân cùng nhiều sạp hàng sau cơn mưa lớn đêm 25/9/2021.
Bình luận 0

Đó là tâm trạng chung của hàng chục hộ dân đang sinh sống, kinh doanh dọc phố Lê Duẩn, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên sau khi tận mắt chứng kiến một cây xà cừ cổ thụ bất ngờ bật gốc, đè sập 1 góc nhà dân cùng nhiều sạp hàng sau cơn mưa lớn đêm 25/9/2021.

 

Vĩnh Phúc: Vì sao sống dưới bóng cây cổ thụ, dân ở đây lại lo nơm nớp? - Ảnh 1.

Bà Dương Thị Thân, số nhà 11, phố Lê Duẩn, phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết tại tuyến phố này hiện còn nhiều cây xà cừ cổ thụ có nguy cơ gãy đổ.


 Chịu thiệt hại nặng nề nhất sau vụ tai nạn nói trên, bà Dương Thị Thân, chủ ngôi nhà số 11 phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để thuê thợ cơ khí đến sửa chữa, thay mới một phần hệ thống vì kèo, mái tôn bị gãy nát.

Bà cho biết: “Cây xà cừ bị bật gốc có tuổi đời hàng chục năm, chiều cao từ 30-40m, tán lớn. Nguy hiểm nhất, cây nằm ngay ở lòng đường, án ngữ phía trước chợ Tổng, nằm sát với 1 dãy ki ốt kinh doanh, buôn bán của tiểu thương.

Thời điểm xảy ra vụ việc vào lúc 21h, trời mưa rất to, kèm theo gió mạnh nên còn khoảng 2,3 hộ kinh doanh vẫn còn nán lại các sạp hàng chưa thể ra về. Rất may khi cây đổ, mọi người đã kịp bỏ chạy nên không có thiệt hại về người.

Khi quan sát phần gốc cho thấy nhiều rễ chính của cây bị mất, có độ bám đất nông, không còn tươi, tôi đồ rằng trước đây, quá trình làm đường, cải tạo hè phố đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình phát triển của cây.

Điều đáng nói, tại phố Lê Duẩn, hiện còn khoảng chục cây xà cừ cổ thụ, nhiều cây nằm giữa đường gây khó khăn trong việc đi lại, cản trở giao thông. Chính vì vậy, người dân tha thiết đề nghị cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, tìm hiểu thực trạng để có phương án di dời các cây xanh, ngăn chặn, phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân".

Là người có mặt tại hiện trường, anh Nguyễn Văn Hòa, phường Liên Bảo cho rằng: “Tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường, cùng với nhiều điều kiện bất lợi khác đã gây nên tình trạng cây ngã đổ. Nhiều dãy phố với nhà cao tầng san sát nhau, giống như một đường hầm, khiến hướng gió, sức gió thay đổi và gia tăng đột ngột khi có mưa to, gió lớn cũng là một trong những nguyên nhân khiến cây xanh dễ đổ, gãy.

Vĩnh Phúc: Vì sao sống dưới bóng cây cổ thụ, dân ở đây lại lo nơm nớp? - Ảnh 2.

Cây xà cừ bật gốc đè sập nhiều ki ốt bán hàng, nhà dân tại phố Lê Duẩn tối 25/9.


Ngoài các nguyên nhân khách quan, được biết, có nơi còn có hiện tượng người dân ngấm ngầm bức tử cây xanh vì không hợp phong thủy, cây chắn ngay trước cửa nhà không thuận tiện cho việc kinh doanh; hay sự thiếu ý thức trong quá trình thi công các công trình kiến trúc; sử dụng các phương tiện cơ giới (máy xúc, máy ủi) trong quá trình làm đường, vỉa hè đã tác động mạnh, trực tiếp đến bộ rễ của cây xanh.

Ngoài ra còn có nhiều loại cây xanh bước vào mùa rụng lá, ra quả khiến việc vệ sinh gặp khó khăn, gây ô nhiễm môi trường khi kéo theo ruồi, muỗi… nhiều lần người dân kiến nghị, yêu cầu cơ quan chức năng thay thế, di chuyển nhưng không được. Tôi cho rằng, với các cây xanh đô thị trên đường, trong trường học, nơi công cộng… nên được khống chế chiều cao hoặc có niên hạn, thay mới sau một thời gian trồng nhất định”.

Theo xu hướng phát triển đô thị hiện đại, thời gian gần đây, trên thành phố Vĩnh Yên khi tiến hành cải tạo một số tuyến phố trong các khu dân cư, quá trình thi công đã có sự phối hợp đồng bộ, tính toán khoa học giữa các đơn vị như điện lực, nước sạch, viễn thông…

Nhiều tuyến đường, đã có sự nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng để lựa chọn những loại cây vừa có giá trị, độ thẩm mỹ cao, sinh trưởng tốt, chống chịu gió bão như lộc vừng, giáng hương, muồng hoàng yến… dần thay thế cho những chủng loại cây có tính hướng quang cao như lim, phượng vĩ, xà cừ… thường bị lệch tán, nghiêng ra đường hoặc những cây có khả năng bị sâu bệnh cao như long não, kèn hồng…

Vào mùa mưa bão, công tác kiểm tra, quản lý cây xanh cũng được tăng cường, chú trọng thực hiện. Song, trước những vấn đề phát sinh trên thực tế cũng như kiến nghị của người dân, thành phố cần có những giải pháp cụ thể, nhanh chóng, kịp thời để ngăn ngừa những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Khánh Linh (Báo Vĩnh Phúc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem