Những năm gần đây, giá cả của một số cây trồng như ngô, sắn, lúa... liên tục giảm, khiến đời sống của nhiều người nông dân gặp khó khăn. Tỉnh Sơn La có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, để nâng cao thu nhập. Theo đó nghề ươm cây giống cũng trở nên "hot", đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình.
Những năm gần đây nhu cầu mua cây giống của người dân tăng cao, khiến nghề ươm cây phát triển, đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình.
Nắm bắt được nhu cầu đó, anh Thắng và gia đình đã thuê đất, gom hạt giống để ươm cây bán cho thị trường. Nhu cầu trồng cây nhiều, khiến cho nghề ươm cây giống trở nên "hot", chỉ vỏn vẹn với 2.000 m2 đất ươm cây của anh Thắng, mà mỗi năm anh bỏ túi hàng trăm triệu đồng. Thu nhập trên một đơn vị diện tích cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác.
Kể về cơ duyên với nghề ươm cây, anh Thắng nói rằng: Cả hai vợ chồng anh đều học chuyên ngành nông nghiệp ra trường năm 2.000. Anh Thắng tốt nghiệp Trung cấp Nông lâm nghiệp Trung ương ở Quảng Ninh, còn vợ học Trường Cao đẳng Nông lâm Sơn La. Hai vợ chồng xin vào làm việc tại Trại thực nghiệm và nhân giống cây trồng cạn của tỉnh Sơn La, cơ sở tại thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, với mức lương ổn định. Từ những kiến thức đã học được trong trường và kinh nghiệm tực tế tại Trung tâm giống, anh Thắng luôn ấp ủ làm một khu vườn ươm riêng cho mình.
Vườn ươm của anh Thắng được thiết kế bài bản, hàng lối thẳng tắp, cây nào cây nấy luôn tươi tốt.
Năm 2003, với ít đồng vốn tích góp được, vợ chồng anh thuê luôn 2 miếng đất của bà con dân bản gần cơ quan làm chỗ ươm cây.
“Thời điểm đó, tôi chỉ ươm số lượng ít, vừa làm vừa tích lũy thêm kinh nghiệm, tìm hiểu thị trường. Ngày đó, nhu cầu trồng cây ăn quả chưa nhiều nên chủ yếu tôi ươm giống xoài, nhãn, cam, bưởi bán cho bà con lân cận. Khoảng 5 năm trở lại đây, nhu cầu mua cây giống của người dân rộ lên. Tôi tận dụng hết khu đất của mình cải tạo làm vườn ươm và hiện trong vườn đã có hơn 10 loại giống cây”, anh Thắng chia sẻ.
Để hạn chế tác động của ánh nắng mặt trời, anh Thắng làm mái che cho cây, giúp cây phát triển trong điều kiện thời tiết thuân lợi.
Để có hạt giống ươm, anh Thắng tìm đến các nhà vườn xoài, nhãn ở huyện Sông Mã, thu gom hạt của những hộ gia đình bỏ đi, mua lại đem về bảo quản, còn hạt táo sơn tra sang tận huyện Mường La, Bắc Yên mua, hạt lát, xoan giống xuống mãi tận Phú Thọ lấy…Đem về đóng bầu đất, bỏ hạt vào ươm, cho hạt nảy mầm. Theo anh Thắng, để cây khỏe phát triển tốt, khi chọn hạt chỉ nên lấy hạt của các loại cây có nguồn gốc bản địa, không lấy hạt cây đã ghép, vì sức phát triển chậm và tuổi thọ của cây sẽ không được lâu.
Vườn ươm của anh Thắng luôn tạo việc làm cho 7 - 8 lao động địa phương
Chia sẻ về cách ươm cây anh Thắng cho hay, rằng cách ươm mỗi loại cây khác nhau. Đối với xoài, nhãn, bưởi dễ ươm hơn, chỉ cần đóng bầu bỏ hạt vào tưới nước, duy trì độ ẩm đều là cây nảy mầm. Còn giống lát, sơn tra, xoan khó ươm hơn, phải chăm chút từng li, từng tí cây mới có thể nảy mầm. Khi cây phát triển cao khoảng 50cm – 60cm, bắt đầu cắt ghép mắt, mầm các giống có chất lượng cao. Để đảm bảo dinh dưỡng cho cây phát triển tốt, mỗi ngày nên hòa ít nước với phân lân tưới cho cây, giữ cho bầu đất luôn ẩm, khi nắng gắt nên phủ bạt che cây, tránh cho cây bị mất nước, héo lá. Với cách làm này, vườn ươm của anh Thắng luôn phát triển tươi tốt.
Nhờ chăm sóc tốt nên vườn ươm của anh Thắng luôn xanh tươi tốt
Hiện nay, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc đang phát triển mạnh, khiến nhu cầu mua cây giống tăng cao. Mỗi năm vườn ươm của anh Thắng xuất bán hàng ngàn cây giống ra các thị trường trong và ngoài tỉnh như Điện Biên, Lai Châu… thu về hàng trăm triệu đồng. Mỗi loại cây giống trong vườn anh Thắng có giá bán khác nhau, có loại giá 20.000 đồng/gốc và loại thì giá 40.000 đồng/gốc, tùy vào từng thời điểm.
Nắm được nhu cầu thị trường, năm 2017, anh thành lập Hợp tác xã chuyên sản xuất kinh doanh các loại cây giống trồng. Không những thế khu vườn của anh Thắng lúc nào cũng tạo việc làm cho 7 – 8 lao động địa phương, với mước thu nhập 12.000/ngày.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.