Vợ chồng nông dân đa năng

Triệu Huấn Thứ ba, ngày 12/05/2015 06:15 AM (GMT+7)
Đó là “danh hiệu” được bà con tặng cho anh Hoàng Văn Doanh và chị Hoàng Thị Hòa ở xã Minh Xuân (Lục Yên, Yên Bái) - cặp vợ chồng nông dân đã và đang thành công ở rất nhiều lĩnh vực sản xuất, tạo việc làm cho lao động trong làng xã.
Bình luận 0

Từ run vì cầm tiền triệu...

Đến thôn 6, xã Minh Xuân hỏi ai cũng biết gia đình Doanh-Hòa bởi anh chị đang sở hữu một ngôi nhà sàn khá lộng lẫy. Ngôi nhà khang trang càng nổi bật hơn bởi nhiều tấm biển quảng cáo đặt trước nhà: Nào là ấp trứng, vật liệu xây dựng, gạch bê tông…

img
Mô hình đa ngành nghề của vợ chồng Doanh Hòa: Làm mộc, chăn nuôi và làm dịch vụ. Ảnh: Triệu Huấn
Anh Doanh, chị Hòa đều gần 40 tuổi, lúc nào cũng niềm nở tươi cười. Sau khi lập gia đình, anh chị ra ở riêng và được bố mẹ dựng cho một ngôi nhà nhỏ lợp cọ, giường đóng bằng 4 cọc tre. Ruộng nương ít, 2 đứa con lần lượt ra đời khiến cho vợ chồng trẻ nhiều năm rơi vào túng thiếu, nghèo đói. Năm 2000, chị Hòa được vay 3 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lục Yên. “Hồi ấy, chúng tôi chưa bao giờ cầm đến tiền triệu, lấy tiền về đến nhà lo quá, đêm ngủ phải giấu tiền dưới chiếu rồi hai vợ chồng nằm hai bên”- anh Doanh nhớ lại.

Có khoản tiền này, anh Doanh vay thêm để mua một chiếc máy bào làm mộc cho anh và máy xay đậu nành làm đậu cho chị. Với quyết tâm thoát cảnh đói nghèo, anh chị hăng say lao động, anh Doanh nhận đóng mọi thứ đồ gỗ từ cái bàn, cái ghế nhỏ; chị dậy từ 3 giờ sáng để làm đậu đem bán. Nhờ tằn tiện, chắt chiu, anh chị đã có thêm vốn để đầu tư mua máy móc hiện đại phát triển thành xưởng mộc, với giá trị máy móc trên 200 triệu đồng, thu hút 3 lao động tham gia với mức lương khoảng 5 triệu đồng/người/tháng; đồng thời tăng số lượng lợn thịt. Để tăng thu nhập anh chị tiếp tục mua máy xay xát phục vụ bà con, kết hợp buôn hàng xáo.

… tới doanh thu tiền tỷ

Quan điểm

Ông Phạm Ngọc Quảng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Minh Xuân
  Vợ chồng Doanh Hòa rất ham học hỏi, các mô hình sản xuất đều được quy hoạch rất cụ thể khiến đất đai được sử dụng triệt để và hợp lý. Nhờ nhanh nhạy với thị trường, chịu khó lao động nên anh chị đã gặt hái được nhiều thành công. 
Năm 2006, máy xay xát ngày càng xuất hiện nhiều, làm không hiệu quả, anh Doanh quyết tâm đi học hỏi, tìm hiểu thêm các mô hình nông nghiệp khác. Anh cho biết: “Ngoài học ấp trứng, tôi cũng học hỏi về phương pháp chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, phải chuẩn bị cho mình một lượng kiến thức nhất định về chăn nuôi để tư vấn cho bà con thì mới bán được con giống”. Sau quá trình học hỏi, anh chị đầu tư mua 3 máy ấp trứng. Chị Hòa chia sẻ: “Trứng gia đình tôi ấp ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, hầu như các máy làm việc không nghỉ dù chỉ một ngày”.

 

Nhận thấy nhu cầu sử dụng gạch không nung của người dân ngày càng cao, anh chị tiếp tục đầu tư mua máy đóng gạch, mỗi tháng sản xuất khoảng 25 nghìn viên, trung bình thu lãi khoảng 5 triệu đồng, tạo việc làm cho 3 lao động địa phương, với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng. Không dừng lại ở đó, năm 2014 anh chị mua thêm 2 xe ô tô tải chuyên chở hàng hóa, vật liệu cho khách hàng, số vốn đầu tư gần 700 triệu đồng, trung bình mỗi tháng cho thu lãi khoảng 20 triệu đồng.

Với mô hình đa ngành nghề, năm 2014, doanh thu của cặp vợ chồng chăm chỉ này đã lên tới tiền tỷ, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương. Anh Đoàn Văn Toán - một lao động tại đây chia sẻ: “Trước đây, vợ chồng tôi tính đi vào miền Nam làm công nhân, từ ngày được nhận vào cơ sở của anh chị Doanh Hoàn làm lái xe, tôi được trả 5 triệu đồng/tháng, vừa được ở gần nhà ổn định cuộc sống, vừa có thể làm thêm từ đồng đất quê mình”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem