“Võ sư” bị tố đánh đập vợ dã man có thể bị xử phạt như thế nào?

Đ.V Thứ ba, ngày 27/08/2019 14:42 PM (GMT+7)
Luật sư đã đưa ra quan điểm pháp lý về vụ việc một “võ sư” bị tố đánh đập vợ dã man đang gây xôn xao dư luận.
Bình luận 0

Sáng 27/8, mạng xã hội xuất hiện một đoạn video dài hơn 2 phút ghi lại cảnh một phụ nữ trẻ bế con nhỏ, liên tục bị người đàn ông cao to tát, đấm đá và ném sỏi vào người. Người mẹ cùng em bé nhiều lần ngã dúi dụi xuống nền nhà nhưng người đàn ông không buông tha.

Nạn nhân trong đoạn clip là chị V.T.L (SN 1992), cháu bé chị bế trên tay khi bị đánh là con gái của chị mới được gần 2 tháng tuổi. Còn người đàn ông bạo hành chị L là Nguyễn Xuân Vinh (SN 1987) - chồng chị L.

img

Hình ảnh cắt từ clip cho thấy người chồng đánh đập vợ dù vợ bế con nhỏ mới 2 tháng và liên tục bị ngã.  Nguồn IT

Trao đổi với PV sáng 27/8, chị H (chị gái chị L) cho biết, sự việc trong clip xảy ra khoảng 18h30p ngày 26/8, tại chung cư Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội).

"Chiều qua tôi đang ở nhà thì giúp việc của em gái tôi gọi điện báo em bị chồng đánh. Ngay sau đó tôi xem camera và vô cùng bàng khoàng khi thấy em bị đánh dã man.

Điều gây phẫn nộ em gái mới sinh con 2 tháng đã bị chồng đánh đập, gây trầm cảm và mất sữa. Sáng nay tôi đã đưa em gái đi khám sức khỏe nhưng chưa có kết quả. Tôi mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ" - chị H chia sẻ.

Còn theo anh Nghĩa (anh trai chị L), em rể mình là võ sư, từng dạy võ. "Xem clip mọi người có thể thấy động tác Vinh tung chân đá em gái tôi phải người học võ mới đá được” - anh này thông tin.

Ghi nhận của PV tại nhà mẹ đẻ chị L sáng nay, chị L đang làm việc với cán bộ Công an phường Thạch Bàn về sự việc bị chồng bạo hành.

Liên quan đến vụ việc này, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, việc người chồng ra tay đánh vợ dù với bất kỳ ký do gì cũng không thể chấp nhận được, đây là một hành động đáng lên án.

Hành động của người chồng không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của người vợ mà còn gián tiếp gây những ảnh hưởng xấu đến những người trong gia đình.

Theo luật sư Hòe, pháp luật hiện hành đã đặt ra các quy định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người bị bạo hành trong gia đình. Cụ thể, Điều 42 Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007.

Điều luật này quy định về xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình quy định như sau:

Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi bạo lực gia đình nếu bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của khoản 1 Điều này thì bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục.

Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình

Còn theo điều Điều 49, Nghị định 167/2013/ NĐ-CP quy định về việc xử phạt hành vi xâm hại sức khoẻ thành viên trong gia đình (cụ thể ở đây là hành vi đánh vợ của chồng) như sau:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

Ngoài ra, cũng theo vị luật sư, người chồng trên có thể còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134 BLHS 2015 (sửa đổi năm 2017) trong trường hợp bị hại có đơn tố cáo và giám định thương tích trên 11%.

“Nếu bị khởi tố về tội danh trên, người vi phạm có thể sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm” – luật sư Hòe nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem