Vô tư bán hải sản ướp hóa chất

Thứ sáu, ngày 20/08/2010 08:03 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hải sản ướp urê, tẩy trắng, mốc... bày bán công khai mà gần như không chịu bất cứ sự kiểm soát nào. Mọi “tội vạ” người tiêu dùng gánh chịu.
Bình luận 0
img
Mớ hải sản này trước khi đem phơi đã được tẩm ướp hoá chất.

Hải sản “tươi” nhờ urê, chất tẩy trắng

Tại chợ Vũng Tàu, 7 giờ sáng, các chủ hàng nhanh tay cho hải sản vào những chiếc thùng lớn, sau đó trút can nước để sẵn vào và khuấy đều chừng 20 phút cho hải sản săn lại rồi rửa sạch, cho ra các khay nhựa. Những người chuyên bán cá tại chợ Vũng Tàu cho biết, nước đó là urê pha loãng. Cá ướp urê giữ được tươi lâu hơn lại rẻ hơn nhiều so với ướp đá. Đó cũng là cách mà các tàu đánh cá ướp hải sản khi đánh bắt được. Thay vì phải chở theo hàng tấn đá cây và muối để ướp, nay họ chỉ cần mang theo vài cân urê.

Ngoài việc ướp bằng urê, những người buôn bán còn dùng thuốc tẩy để tẩy mực cho trắng. Những thùng mực mới nhập về mùi tanh nồng, đen thui do túi mực vỡ ra, chỉ cần một ít thuốc tẩy, lát sau, mực đã trắng tinh, thớ thịt dày lên trông rất bắt mắt.

Chị Nguyễn Thị Tho - chủ tàu cá phường 3, TP.Vũng Tàu cho biết, hầu hết các loại mực đều được cho “ngậm” thuốc tẩy trắng, đặc biệt là loại mực một nắng, vì có tẩy trắng mực mới không có mùi hôi và giữ được lâu. Không chỉ các hàng hải sản ở chợ mà các nậu vựa lớn cũng ngâm chất tẩy trắng bởi mỗi lần tàu cập cảng họ thu mua cả mấy chục tấn cá. “Không dùng hóa chất, cá để 2-3 ngày chỉ có bán cho heo ăn” - một nậu vựa khẳng định.

Hải sản khô “đồng hành” cùng hoá chất

img Do lực lượng thanh tra mỏng trong khi các cơ sở kinh doanh hải sản tập trung tại nhiều địa bàn khác nhau nên rất khó khăn trong công tác quản lý. Nếu không bắt được quả tang việc sử dụng các loại hóa chất cấm trong việc bảo quản hải sản thì không thể xử lý vì tiểu thương, chủ tàu thường đổ lỗi cho nhau. Vì thế, để công tác quản lý các cơ sở này có hiệu quả, đề nghị trong thời gian tới toàn tỉnh sẽ có quy hoạch tập trung khu chế biến hải sản. img

Ông Nguyễn Anh Phương - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và thú y thủy sản Bà Rịa- Vũng Tàu

Đến một cơ sở chuyên chế biến hải sản khô tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì trong khu vực sản xuất, mùi hải sản xen lẫn các tạp chất khác xông lên nồng nặc, thế nhưng không hề có bóng dáng của các loại côn trùng như ruồi, kiến, gián…

Hỏi người quản lý, được giải thích: “Mỗi ngày xưởng nhập cả tấn hải sản các loại về phơi khô sau đó mới phân loại và chế biến, nếu không sử dụng hóa chất thì làm sao bảo quản nổi”. Anh cho biết, các loại hải sản sau khi đã phơi khô, kiến rất dễ tìm đến, vì vậy phải xịt thuốc chống kiến, mà thuốc chống kiến bay hơi rất nhanh nên cứ 3 ngày phải xịt một lần. Tôm, cá khô càng để lâu càng phải xịt nhiều thuốc!

Theo những người bán hải sản khô thì tôm khô loại càng rẻ tiền càng được tẩm ướp nhiều. Bà Nguyễn Thị Hồng, phường 1, TP.Vũng Tàu cho biết, một lần đi chợ thấy người ta bán tôm khô trông vừa to, vừa có màu sắc đẹp, giá lại mềm nên mua về dùng, ai dè khi cho vào nước rửa thì thấy nổi lềnh bềnh các hạt li ti màu đỏ, vớt tôm lên thấy các thớ thịt không còn săn chắc, màu sắc cũng nhợt nhạt, sợ quá bà phải đem bỏ đi.

Tìm hiểu các hoạt động chế biến hàng khô, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi một người trong giới khẳng định: Cá khô còn sử dụng cả cồn, oxy già, thậm chí cả nước tẩy nền nhà khi hàng bị nấm mốc, nhất là vào mùa mưa. Các loại hàng khô bị ế, lên màu ẩm mốc còn được các cơ sở chế biến dùng bột giặt để rửa mốc, đem phơi khô và đưa ra chợ bán. Chỉ cần bán giá rẻ là “đắt như tôm tươi”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem