Vốn điều lệ của Vietinbank sẽ tăng tối thiểu 7.000 tỷ - 8.000 tỷ đồng
Vốn điều lệ của Vietinbank sẽ tăng tối thiểu 7.000 tỷ - 8.000 tỷ đồng
Huyền Anh
Thứ bảy, ngày 23/05/2020 12:50 PM (GMT+7)
Chủ tịch HĐQT Vietinbank Lê Đức Thọ cho biết, ngân hàng vẫn đang chờ đợi sửa đổi Nghị định 91 và Nghị định 32 để đủ cơ sở pháp lý cho việc tăng vốn. Nếu được giữ lại toàn bộ lợi nhuận còn lại năm 2017, 2018 hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của Vietinbank sẽ tăng thêm khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng.
Sáng nay (23/5), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - CTG) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên.
Lợi nhuận hết quý II/2020 đạt khoảng 6.000 tỷ
Chia sẻ về hoạt động kinh doanh những tháng đầu cũng như mục tiêu của cả năm 2020 tại phần thảo luận của ĐHĐCĐ, Chủ tịch Vietinbank nhấn mạnh, mặc dù dịch bệnh trong nước đã được chủ động kiểm soát tốt, tuy nhiên chúng ta là một nước có độ mở nền kinh tế khá lớn, nên cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh ở các nước khác.
Tác động của dịch bệnh là rất rộng, làm cho tổng cầu của nền kinh tế sụt giảm mạnh. Có nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, thậm chí dừng sản xuất, bị ảnh hưởng bởi các chuỗi liên kết trong và ngoài nước. Chưa hết, với những khách hàng vay tiêu dùng của Vietinbank nói riêng và các ngân hàng nói chung cũng do ảnh hưởng của Covid-19 khiến cho thu nhật giảm sút, nhu cầu vay tiêu dùng cũng sụt giảm. Đồng thời cũng tác động tiêu cực tới khả ăng trả nợ của khách hàng.
Do đó, hết quý I/2020, quy mô tín dụng của Vietinbank giảm khoảng 1% so với cuối năm 2019. Nguồn vốn huy động vẫn tăng trưởng dương. Đến hiện tại, tín dụng vẫn giảm so với đầu năm (khoảng 2%), do tổng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế chưa được phục hồi đáng kể.
Về chỉ tiêu lợi nhuận, Chủ tịch Lê Đức Thọ thông tin, lợi nhuận quý I/2020 đạt xấp xỉ 3.000 tỷ, giảm khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận của VietinBank đang theo kế hoạch, dự kiến hết quý II đạt khoảng 6.000 tỷ, đây là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh khó khăn và hỗ trợ chia sẻ với khách hàng.
Thế nhưng, nhà băng này lại để ngỏ mục tiêu lợi nhuận cả năm 2020 với lý do "đang cập nhật và kết hợp làm việc với NHNN, Bộ tài chính để đưa ra con số chỉ tiêu lợi nhuận phù hợp".
Vốn điều lệ sẽ tăng thêm khoảng 7.000 tỷ - 8.000 tỷ
Đối với tỷ lệ an toàn vốn của VietinBank, với những biện pháp đang đồng bộ, hiện CAR theo TT22 của NHNN khoảng 10% (cao hơn mức tối thiểu 9%), theo Basel II là 8,6% (vẫn cao hơn so với mức tối thiểu 8%).
Tuy nhiên, theo ông Thọ, khi tăng trưởng tín dụng cao hơn thì tỷ lệ này sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, nhu cầu tăng vốn vẫn là vấn đề rất "bức thiết" đối với Vietinbank trong năm 2020 này.
"Về mặt chủ trương, việc tăng vốn từ lợi nhuận từ 2017, 2018 đã được cơ quan nhà nước đồng ý bằng cách để lại toàn bộ lợi nhuận còn lại hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Hiện nay, ngân hàng vẫn đang chờ đợi sửa đổi Nghị định 91 và Nghị định 32 để đủ cơ sở pháp lý cho việc tăng vốn. Chúng tôi đang đề nghị cho Vietinbank sử dụng lợi nhuận làm ra năm 2019 để tiếp tục phục vụ cho việc tăng vốn của Vietinbank, phục vụ cho sự phát triển của kinh tế xã hội. Nếu tính cả năm 2017 – 2018, vốn điều của Vietinbank tăng thêm khoảng 7.000 tỷ - 8.000 tỷ. Nếu tính cả năm 2019, thì sẽ tăng cao hơn và tạo ra lượng vốn điều lệ cần thiết để Vietinbank tăng trưởng mạnh mẽ quy mô tín dụng cho nền kinh tế, quy mô huy động vốn phát triển hoạt động của Vietinbank", ông Thọ nhấn mạnh.
3 lý do nợ xấu tăng trong quý I/2020
Khi được hỏi vì sao tỷ lệ nợ xấu trong quý I/2020 của Vietinbank tăng vọt lên mức 1,83% từ 1,16% hồi đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) giảm 35% nhưng nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng gần gấp 5 lần lên 9.700 tỷ đồng, nợ nhóm 4 tăng 67% lên 2.589 tỷ. Bên cạnh đó, nợ nhóm 2 tuy chưa xếp vào diện nợ xấu nhưng bị quá hạn từ 10 đến dưới 90 ngày cũng tăng mạnh 40% lên 7.940 tỷ đồng.
Chủ tịch Vietinbank nêu ra 3 nguyên nhân khiến cho tỷ lệ nợ xấu của Vietinbank tăng trong 3 tháng đầu năm nay.
Thứ nhất, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc xử lý, thu hồi nợ của Vietinbank trong quý I đã không diễn ra đúng kế hoạch mà ngân hàng đưa ra trước đó.
Trong khi đó, có những khách hàng vay vốn đang gặp khó khăn đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dẫn đến khó khăn "kép" ảnh hưởng tới khả năng trả nợ ngân hàng.
Cuối cùng, có những khác hàng được thực hiện phân loại nợ theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN (Thông tư 02 của NHNN cũng làm cho tỷ lệ nợ xấu tăng lên.
Đến thời điểm hiện tại, nợ xấu vẫn được kiểm soát như thời điểm cuối quý I/2020. Và theo ông Thọ, tỷ lệ nợ xấu vào cuối quý II này có thể được đưa về mức 1,5%. Điểm tích cực, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LDR) của Vietinbank đang ở mức cao là 86-87%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.