Vốn vay ưu đãi - động lực lớn cho hộ nghèo vươn lên

Thứ tư, ngày 09/11/2011 12:54 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhờ vốn vay ưu đãi, hàng trăm hộ dân ở huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu và hàng ngàn sinh viên nghèo thoát khỏi cảnh "đứt gánh” học hành.
Bình luận 0

Niềm vui càng lớn hơn khi nhiều em ra trường đã có việc làm ổn định và đang hoàn vốn cho ngân hàng. Bà Nguyễn Thị Hà - Giám đốc phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bình Xuyên cho hay, địa bàn huyện rất rộng và có tới 6 dân tộc sinh sống. Đó là thuận lợi cũng là khó khăn trong việc giải ngân và hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả vốn vay.

img
Nhờ vốn Ngân hàng CSXH, gia đình chị Trương Thị Hoa đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

“Với 9 chương trình, gồm 209 tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV), 12 điểm giao dịch ở 12 xã, thị trấn thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể nên từ khâu xét duyệt đối tượng, đến hướng dẫn người dân sử dụng đồng vốn chúng tôi rất sâu sát. Hàng tháng, các tổ TKVV ngoài việc thu lãi còn có nhiệm vụ là động viên, hướng dẫn người dân chăn nuôi, trồng trọt làm sao hiệu quả nhất” - bà Hà chia sẻ.

Thoát nghèo

Chương trình vay vốn sản xuất vùng khó khăn là một trong những chương trình khá hiệu quả ở xã Trung Mỹ (Bình Xuyên). Thế mạnh ở đây là chăn nuôi và trồng rừng. Chị Trương Thị Hoa ở thôn Trung Bầu thuộc diện hộ nghèo, năm 2009 được vay 15 triệu đồng. Với lợi thế nhà gần suối, chị nuôi gần 500 con vịt đẻ, vịt thịt và 6 con lợn/lứa.

Dẫn chúng tôi thăm đàn vịt, chị Hoa khoe: "Nhà gần suối và có bãi nuôi thả rộng rãi nên vịt lớn nhanh lắm, cứ 4 tháng xuất một lứa vịt thịt. Ngoài ra tôi thường xuyên duy trì 300 vịt đẻ. Trừ chi phí, mỗi tháng tôi thu khoảng 5 triệu đồng".

Ông Phó Văn Long (thôn Trung Bầu) đầu tư vốn vay vào trồng rừng, nuôi lợn, nhím. Ông cho hay: "Tôi có 18ha bạch đàn, trong đó gần một nửa chuẩn bị cho thu hoạch với dự tính bán được khoảng 50 triệu đồng/ha. Ngoài ra tôi nuôi khoảng 20 lợn thịt/lứa, trừ chi phí còn lãi 8-10 triệu đồng/lứa; còn 4 đôi nhím thì nếu bán 2 đôi là hòa vốn, vẫn còn lãi 2 đôi".

Nuôi con ăn học nên người

Xã Trung Mỹ hiện có gần 300 hộ vay vốn chương trình học sinh, sinh viên, nhiều hộ có 2 - 4 con đang đi học nhưng thu nhập chỉ trông chờ vào vài sào ruộng, ít con lợn, con gà.

Ông Trương Văn Đức (dân tộc Sán Dìu) từng có 4 đứa con cùng đi học, bộc bạch: "Nuôi đàn con ăn học như nuôi "tằm ăn rỗi" ấy. Trung bình mỗi tháng chúng nó "ăn gọn" của tôi 5 triệu đồng. Nếu không có Ngân hàng CSXH, tôi có ba đầu sáu tay cũng không lo được cho các con”.

img Tính đến 30.9.2011, tổng dư nợ của phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bình Xuyên là 154,615 tỷ đồng. Trong đó vốn vay vùng khó khăn là 14,559 tỷ đồng, chương trình học sinh, sinh viên 62,559 tỷ đồng, vốn giải quyết việc làm 5,359 tỷ đồng. img

Hiện 3 người con của ông Đức đã ra trường, có việc làm ổn định và đang trả nợ cho ngân hàng; con gái út học ĐH Quốc gia Hà Nội còn 1 năm nữa là tốt nghiệp. Ông cho biết, đến nay, gia đình ông đã trả được hơn nửa số tiền vay, phấn đấu sang năm chỉ còn 20% số nợ. “Khi chúng nó đi làm có lương tôi mới đỡ lo việc trả lãi, nợ gốc, nên khi chúng lĩnh lương là tôi trả cho ngân hàng ngay” - ông Đức cho hay.

Chỉ có 2 đứa con ăn học, nhưng vợ chồng ông Ngô Đức Minh ở thôn Hồng Giang (xã Trung Mỹ) cứ mỗi kỳ đóng học phí lại chạy long sòng sọc vay mượn mà mà vẫn thiếu trước hụt sau. Cực chẳng đã vợ chồng ông đành đi vay nóng, nhưng được một thời gian thì không ai dám cho vay nữa. Đang lúc túng quẫn thì được ngân hàng cho vay vốn chương trình học sinh, sinh viên, ông Minh mừng lắm.

“Các chương trình của Ngân hàng CSXH đều rất thiết thực, nhưng cái được rõ nhất ai cũng nhìn thấy là đã giúp cho hàng chục nghìn học sinh, sinh viên như 2 con tôi học tập, hàng nghìn hộ có nhà ở và nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu” - ông Minh bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem