Vụ 15 con chó bị tiêu hủy ở Cà Mau, đại diện Cục Thú y: Nên phối hợp với cơ quan thú y xử lý

Anh Thơ (thực hiện) Chủ nhật, ngày 10/10/2021 18:35 PM (GMT+7)
Liên quan đến vụ 15 con chó bị tiêu hủy ở Cà Mau, chiều 10/10, trao đổi riêng với Dân Việt, một đại diện của Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho rằng, hiện nay, chưa có bằng chứng nào khẳng định động vật nhiễm virus SARS-CoV-2 lây sang người.
Bình luận 0

 Liên quan đến vụ 15 con chó bị tiêu hủy do chủ của chúng khi từ Long An về Cà Mau tránh dịch đã xét nghiệm và dương tính với SARS-CoV-2, theo quan điểm của ông, việc tiêu hủy này dựa trên căn cứ pháp lý như thế nào?

- Về vụ việc này, cần làm rõ ai đã lấy mẫu xét nghiệm cho 15 con chó đó, đã có đơn vị nào xét nghiệm SARS-CoV-2 trên đàn chó chưa.

Theo chỉ đạo trong ngành thú y thì Chi cục Thú y vùng 7 được giao nhiệm vụ xét nghiệm và kết luận chó có nhiễm hay không nhiễm SARS-CoV-2 hay không.

Về mặt năng lực các cơ quan y tế hoàn toàn có thể xét nghiệm được nhưng đây là động vật nên trách nhiệm thuộc về cơ quan thú y. 

Ngành thú y đã được Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp quốc (FAO), Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) tập huấn, báo cáo sang Bộ Y tế để Bộ Y tế thẩm định các phòng xét nghiệm thú y có thể xét nghiệm được SARS-CoV-2 trên người.

Đồng thời, nội bộ ngành thú y cũng tự đánh giá theo quy định, có 7 vùng, trung tâm chẩn đoán, xét nghiệm SARS-CoV-2 trên động vật.

Vấn đề nữa là đến thời điểm này, chưa có bằng chứng nào nói động vật có SARS-CoV-2 lây lan sang người. 

Tuy nhiên, theo báo cáo của 40 quốc gia thì cũng đã phát hiện chó, mèo nhiễm virus SARS-CoV-2 do chủ của chúng cũng bị nhiễm. 

Hiện nay, theo quy định của Luật Thú y, loại dịch bệnh nào trên chó, mèo bắt buộc phải tiêu hủy con vật đó khi nó nhiễm bệnh, thưa ông?

- Trong quy định của Luật Thú y và Thông tư số 07 thì khi chó, mèo mắc bệnh dại là buộc phải tiêu hủy.

Ngoài ra, Luật Thú y cũng nếu nguyên tắc chung là khi động vật mắc bệnh nguy hiểm có khả năng lây lan ra diện rộng, đặc biệt có khả năng lây lan sang người thì bắt buộc phải có biện pháp phòng chống cụ thể, trong đó không loại trừ việc tiêu hủy. 

Tuy nhiên, trong trường hợp 15 con chó bị tiêu hủy ở Cà Mau, tôi cho rằng, chúng ta cần có cái nhìn thông cảm, khách quan với chính quyền địa phương, nhất là khi họ đang phải chịu áp lực phòng chống dịch bệnh trong thời gian dài.

Người ta quan ngại khi chủ chó mèo không quản lý được, đàn chó đó tiếp xúc với người khác, bài thải ra virus khiến virus lây lan. 

Chỉ có bệnh dại mới bắt buộc phải tiêu hủy chó mèo - Ảnh 2.

Theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế thì trong trường hợp chủ của chúng nhiễm Covid-19, chó mèo phải được nuôi nhốt. Trong tài liệu dự thảo mới nhất của FAO cũng không khuyến cáo buộc phải tiêu hủy. Trong ảnh: Ông H. trên đường đưa đàn chó 15 con về Cà Mau. Ảnh: F.B.

Các tổ chức quốc tế khuyến cáo thế nào trong trường hợp này khi chủ của 15 con chó bị tiêu hủy ở Cà Mau đã dương tính với SARS-CoV-2, thưa ông? 

- Theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế thì trong trường hợp như thế này, chó mèo phải được nuôi nhốt. 

Trong tài liệu dự thảo mới nhất của FAO cũng không khuyến cáo buộc phải tiêu hủy.

Khi tiêu hủy động vật do dịch bệnh, người dân có được hỗ trợ gì không, thưa ông?

- Theo quy định của Nghị định 02 của Chính phủ, trong trường hợp bắt buộc phải tiêu hủy do mắc dịch bệnh, người dân sẽ được hỗ trợ, nhưng đó là áp dụng cho gia súc, gia cầm.

Sau vụ việc 15 con chó bị tiêu hủy ở Cà Mau, theo ông, luật pháp cần có những quy định cụ thể hơn về phúc lợi động vật?

- Hiện, Cục Thú y đang xây dựng dự thảo hướng dẫn ứng phó, giám sát SARS-CoV-2 trên động vật, chúng tôi đã lấy ý kiến các địa phương, hiện đang lấy ý kiến của các chuyên gia quốc tế, dự kiến 1 - 2 tuần tới sẽ ban hành.

Dự thảo cũng theo hướng phòng bệnh là chính vì dù chưa có bằng chứng virus SARS - CoV - 2 từ động vật lây sang người tuy nhiên do đặc điểm con virus bài thải ra nếu con người tiếp xúc có thể nhiễm bệnh.

Giống như con virus H7N9, nó không lây bệnh cho gia cầm nhưng khi con gia cầm bài thải ra thì sẽ lây sang người. 

Xin cảm ơn ông!

Liên quan đến vụ 15 con chó bị tiêu hủy ở Cà Mau do chủ của chúng dương tính với SARS-CoV-2, một chuyên gia trong ngành thú y của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cách xử lý của chính quyền xã có phần nóng vội dù áp lực phòng chống dịch bệnh của họ tương đối lớn.

"Trước khi đưa ra phương án xử lý, họ có thể kêu gọi xem có ai nhận nuôi, ai hỗ trợ nuôi giúp trong thời gian chủ của 15 chú chó bị cách ly, tôi nghĩ sẽ có nhiều tổ chức cứu trợ động vật vào cuộc" - vị này nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem