Vụ 7 DN tố cáo Cục trưởng: Tố cáo sai, ai xử?

Thứ bảy, ngày 29/10/2011 07:07 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cuối tháng Chín vừa qua, vụ 7 doanh nghiệp dược phía Nam tố cáo Cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường làm xôn xao dư luận.
Bình luận 0

Ngay sau đó, các cơ quan chức năng vào cuộc. Thế nhưng, mới đây Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng đã cho biết: "Nội dung các doanh nghiệp phản ánh trong đơn chưa có đủ cơ sở để chứng minh, xác định có hành vi tham nhũng".

Chưa đủ cơ sở

Như thông tin đăng trên trang nhất của một tờ báo ở TP.HCM vào ngày 26.9.2011, nêu điều chưa bao giờ xảy ra trong ngành dược từ trước đến nay là có 8 doanh nghiệp ký đơn tập thể tố cáo lãnh đạo Cục Quản lý dược Bộ Y tế đã ký rất nhiều đơn hàng không có số đăng ký cho một số công ty không đúng nguyên tắc và ngăn chặn không duyệt đơn hàng cho các công ty khác...

img
Bản sao văn bản của Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng gửi Bộ trưởng Bộ Y tế (ảnh phải). Tiền chất PSE có trong thành phần của thuốc cảm cúm.

Các doanh nghiệp tố cáo gồm: Công ty Imexpharm, Công ty Agimexpharm, Công ty S.Pharm, Công ty Minh Hải, Công ty Tipharco, Công ty liên doanh Stada - Việt Nam, Công ty Pymepharco và Công ty CP Dược phẩm Khánh Hòa.

Tờ báo này nêu rõ trong đơn tố cáo, các doanh nghiệp này còn "tố" ông Cường đã ưu tiên cho các công ty "sân sau" trong cấp hạn ngạch nhập khẩu, cấp phép nhập chuyến, cấp số đăng ký lưu hành thuốc, cho phép sản xuất gia công đồng thời ưu ái cho Công ty CP dược phẩm BV Pharma nhập khẩu nhiều tấn tiền chất PSE để sản xuất thuốc cảm cúm.

Tuy nhiên, theo nguồn tin của NTNN, trước đó vào ngày 14.9.2011, ông Lê Xuân Sơn - Phó Giám đốc Chi nhánh TP.HCM của Công ty cổ phần Dược phẩm Khánh Hòa đã có văn bản gửi Cục Quản lý dược xin rút chữ ký khỏi đơn kiến nghị tập thể này, chỉ còn lại 7 doanh nghiệp dược đứng đơn tố cáo.

Ngày 7.10.2011 Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Y tế.

Theo văn bản này, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhận được một số đơn kiến nghị tập thể của 7 doanh nghiệp dược phía Nam có nội dung tố cáo Cục trưởng Cục Quản lý dược Bộ Y tế trong công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực dược có biểu hiện làm sai, không khách quan, nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp để vụ lợi.

Văn phòng Ban chỉ đạo đã làm việc với 7 doanh nghiệp này để nghe phản ánh và để nghị các đơn vị cung cấp tài liệu; trên cơ sở đó đã làm việc với Cục Quản lý dược, Thanh tra Bộ Y tế, nghe các đơn vị báo cáo giải trình và nghiên cứu, xem xét các tài liệu liên quan.

Qua nắm tình hình, bước đầu Văn phòng Ban chỉ đạo nhận thấy nội dung các doanh nghiệp phản ánh trong đơn chưa có đủ cơ sở để chứng minh, xác định có hành vi tham nhũng.

Tố sai, ai xử?

Trong một diễn biến khác, ngày 12.10, Cục CSĐT Tội phạm về ma túy Bộ Công an (C47) và Thanh tra Bộ Y tế cũng đã tiến hành kiểm tra, xác minh các vấn đề liên quan đến việc quản lý, duyệt xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh nguyên liệu Pseudoephedrine HCl (PSE) và việc cấp sổ đăng ký thuốc thành phẩm dạng phối hợp có chứa PSE của các đơn vị.

Theo điều 122 Bộ luật Hình sự: "Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm"

C47 và Thanh tra Bộ Y tế đã có kết luận sơ bộ: Cục Quản lý dược đã thực hiện các quy định về quản lý, xét duyệt, dự trù, cấp giấy phép nhập khẩu, mua nguyên liệu tiền chất PSE của các đơn vị theo đúng quy định tại thông tư 11/2010/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn các hoạt động liên quan đến thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc.

Việc cấp số đăng ký thuốc thành phẩm dạng phối hợp có chứa PSE và bổ sung quy cách đóng gói của thuốc có chứa PSE đã được cấp số đăng ký lưu hành đúng với các quy định hiện hành của pháp luật về cấp số đăng ký thuốc.

Cũng theo thông tin từ tờ báo trên: "Các doanh nghiệp cũng khẳng định họ chịu trách nhiệm về những gì phản ảnh trong đơn tố cáo và sẵn sàng cung cấp thêm các chứng cứ, thông tin liên quan cho các cơ quan chức năng. Họ chỉ muốn những khuất tất, bất thường của Cục Quản lý dược được đưa ra ánh sáng, điển hình là vụ cấp phép mua tiền chất PSE…".

Vậy khi các cơ quan chức năng như Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, C47 và Thanh tra Bộ Y tế đã kết luận các doanh nghiệp phản ảnh chưa đủ cơ sở, Cục Quản lý dược đã thực hiện đúng các quy định; và như vậy nghĩa là các doanh nghiệp tố cáo sai thì ai sẽ xử lý?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem