Vụ "ăn bánh vẽ" xuất khẩu lao động tại Đức: Đại sứ quán khẳng định không có chương trình lao động Đầu bếp đặc sản

Phi Long Thứ năm, ngày 21/09/2023 09:41 AM (GMT+7)
Liên quan đến vụ việc đào tạo để xuất khẩu lao động tại Đức của Công ty Magnet, trả lời Báo Dân Việt, Đại sứ quán CHLB Đức cho biết, không giới thiệu chương trình xuất khẩu lao động nào có tên "Đầu bếp đặc sản".
Bình luận 0

Không có chương trình xuất khẩu lao động "Đầu bếp đặc sản" 

Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, từ những thông tin trên mạng xã hội, hàng chục người ở nhiều địa phương khác nhau đã vay lãi, đóng tiền tham gia đào tạo để xuất khẩu lao động sang Đức thông qua Công ty TNHH Công nghệ và dịch vụ Magnet, nhưng chuyến xuất khẩu lao động đến nay chỉ như "bánh vẽ".

Đại sứ quán Đức khẳng định không có chương trình xuất khẩu lao động "Đầu bếp đặc sản" - Ảnh 1.

Hàng chục lao động kéo lên Công ty Magnet để đòi quyền lợi khi không thể đi xuất khẩu lao động sang Đức. Ảnh: VN

Bạn đọc B.V.N (trú huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) gửi đơn tới Báo điện tử Dân Việt phản ánh, từ những quảng cáo trên mạng xã hội (MXH), tháng 7/2022, B.V.N đã nộp hồ sơ vào Công ty TNHH Công nghệ và dịch vụ Magnet (Công ty Magnet).

Lời mời quảng cáo có nội dung: "Cơ hội sống và làm việc tại Đức, đầu bếp đặc sản. Thu nhập 60 – 80 triệu đồng. Bảo hiểm và thuế chủ bao hết. Không yêu cầu bằng cấp, không yêu cầu học tiếng, có tay nghề là lợi thế. Tuổi từ 25-40, hợp đồng 4 năm, định cư lâu dài, bảo lãnh gia đình sống và làm việc cùng. Để lại số điện thoại được tư vấn hoặc liên hệ".

Sau đó, B.V.N đã đóng tổng cộng 55 triệu đồng trong đó 20 triệu đồng tiền ký hợp đồng cọc và 35 triệu đồng, chuyển khoản vào tài khoản của bà T.T.P là chuyên viên kinh doanh của Công ty Magnet.

Đầu tháng 10/2022, N. đã được Công ty Magnet cho đi học bổ túc nghề bếp tại Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Trung ương ở xã Dương Xá, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Thời gian học là 2 tuần.

"Sau khi học xong, nhân viên công ty hứa hẹn sau 1 tháng có chứng chỉ nghề và hoàn thiện hồ sơ để bay. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay tôi đã tìm đến công ty hỏi nhiều lần vì sao chưa được bay nhưng công ty không trả lời", B.V.N nói.

Cán bộ truyền thông Đại sứ Quán CHLB Đức cho biết: Nhiều công ty môi giới đòi phí rất cao cho việc môi giới học nghề hoặc môi giới việc làm tại Đức và không phải tất cả các công ty đó đều đáng tin cậy. Hãy tin vào chính mình, quý vị có thể tự làm được việc đó!

Cùng hoàn cảnh với N, nhiều người khác cũng đã đóng tiền, tham gia đào tạo nhưng đến nay vẫn chưa được đi xuất khẩu lao động tại CHLB Đức như lời hứa.

Bức xúc vì không đi được xuất khẩu lao động tại Đức, nhiều lao động đã làm đơn tố cáo Công ty Magnet tới Công an quận Cầu Giấy. 

Liên quan đến vụ việc này, PV Báo Điện đã liên hệ với Đại sứ quán CHLB Đức để tìm hiểu về chương trình xuất khẩu lao động có tên "Đầu bếp đặc sản" như quảng cáo của Công ty Magnet. 

Trả lời câu hỏi của Dân Việt, cán bộ truyền thông Đại sứ quán CHLB Đức khẳng định: Không có chương trình xuất khẩu lao động nào liên quan tới "đầu bếp đặc sản"! 

Đồng thời, Đại sứ quán CHLB Đức cũng không biết Công ty Magnet. "Nếu lao động muốn nộp hồ sơ sang Đức theo mục đích làm "đầu bếp đặc sản" phải tự đến nộp hồ sơ xin thị thực theo mục đích này tại Đại sứ quán, nộp các giấy tờ theo yêu cầu và sau đó sẽ phải đến Đại sứ quán như các mục đích nộp hồ sơ xin thị thực khác lấy dấu vân tay", vị này cho biết.

Đại sứ quán CHLB Đức cũng cho biết, mới đây cơ quan này có cảnh báo trên trang Facebook và Twitter của Đại sứ quán về những hình thức có dấu hiệu lừa đảo xuất khẩu lao động sang Đức.

Đại sứ quán Đức khẳng định không có chương trình xuất khẩu lao động "Đầu bếp đặc sản" - Ảnh 3.

Người lao động cho biết, được gửi lại hình ảnh Bằng Trung cấp dù không học ngày nào. Ảnh: N.V.T cung cấp

Không học ngày nào cũng vẫn cấp bằng trung cấp

Bạn đọc T.V cho biết, khi làm thủ tục xuất khẩu lao động sang Đức sau khi được mời gọi và ký hợp đồng với Công ty Magnet thì thấy được gửi lại ảnh chụp bằng trung cấp nghề qua zalo.

Cụ thể, theo bằng cấp mà lao động T.V được gửi thể hiện: Trường Trung cấp nghề Việt Nhật đã cấp bằng ngày 15/9/2015, có số hiệu 010015297, số vào sổ là 15403. Người lao động T.V có bằng xếp loại tốt nghiệp khá, hình thức đào tạo chính quy do Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Việt Nhật Phạm Anh Tuấn ký, đóng dấu.

"Tôi không học ngày nào nhưng lại được cấp bằng Trung cấp nghề hệ chính quy. Có thể do bằng này mà khi làm thủ tục ở Đại sứ quán Đức đã bị loại hồ sơ", lao động V.T cho biết. 

Cùng chung hoàn cảnh như lao động V.T, hàng chục lao động khác sau khi ký hợp đồng với Công ty Magnet đã được gửi lại hình ảnh bằng Trung cấp nghề như thế.

"Sau khi ký hợp đồng với Công ty Magnet vào ngày 6/1/2023, tới ngày 2/4/2023 Công ty Magnet có đặt lịch hẹn cho tôi lên Đại sứ quán Đức để phỏng vấn, lăn tay và hứa sau 21 ngày sẽ có Visa và đóng nốt khoản tiền còn lại. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn không bay được và cũng không lấy lại được tiền", lao động N. N.T sinh năm 1994 ở Phú Thọ cho biết.

N.T.T cũng được gửi hình ảnh bằng tốt nghiệp Trung cấp nghề Việt Nhật sau khi ký hợp đồng với Công ty Magnet. Cụ thể, bằng Trung cấp của anh N.T.T cũng tốt nghiệp loại khá và được cấp ngày 15/9/2015 có số hiệu 010015239, số vào sổ 15324 do Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Việt Nhật Phạm Anh Tuấn ký.

Chuyên ngành đào tạo của các lao động này được ghi rõ trong bằng tốt nghiệp đều là "chế biến món ăn".

Đại sứ quán Đức khẳng định không có chương trình xuất khẩu lao động "Đầu bếp đặc sản" - Ảnh 5.

Lao động N.N.T cũng cho biết, được gửi cả bảng điểm và Giấy xác nhận học viên đã được đào tào và cấp bằng chính quy tại trường Trung cấp nghề Việt Nhật. Ảnh: NLĐ cung cấp

Ngoài việc gửi hình ảnh bằng tốt nghiệp, các lao động còn phản ánh Công ty Magnet gửi cả bảng điểm và Giấy xác nhận học viên đã được đào tào và cấp bằng chính quy tại trường Trung cấp nghề Việt Nhật do Hiệu trưởng Phạm Anh Tuấn ký.

Để làm rõ việc cấp bằng Trung cấp cho các lao động phản ánh chưa học ngày nào, phóng viên đã gửi câu hỏi tới Sở LĐTBXH Hà Tĩnh. 

Mới đây, Báo Điện tử Dân Việt đã nhận được Công văn trả lời do ông Đặng Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Tĩnh ký.

Theo đó, Trường Trung cấp nghề Việt Nhật được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp phép thành lập theo Quyết định số 917/QĐ-UBND ngày 2/4/2008; Quyết định số 1146/QD-UBND ngày 6/4/2015 về việc cho phép thành lập Trường Trung cấp nghề Việt - Nhật thuộc Viện Quản trị doanh nghiệp, trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, trên cơ sở chuyển đổi quyền sở hữu, trụ sở trường tại số 18, ngõ 18, đường Lê Duy Điếm, phường Đại Nài, TP. Hà Tĩnh.

Sở LĐTBXH Hà Tĩnh cũng cho biết, từ năm 2018 đến năm 2015, Trường Trung cấp nghề Việt - Nhật chỉ được phép đào tạo trình độ trung cấp nghề Công nghệ thông tin và đào tạo trình độ sơ cấp các nghề: Hàn, Quản trị máy tính, Kỹ thuật sửa chữa và lắp ráp máy tính. 

"Trường không có chức năng đào tạo theo chương trình riêng cho chương trình xuất khẩu lao động. Từ năm 2015 đến nay, Trường Trung cấp nghề Việt - Nhật không thực hiện tổ chức tuyển sinh, đào tạo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp", Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh khẳng định.

Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh cũng khẳng định việc tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng trung cấp nghề của Trường Trung cấp nghề Việt - Nhật chỉ được công nhận đối với nghề Công nghệ thông tin theo Giấy chứng nhận hoạt động dạy nghề số 06/2008/GCNDN-LĐTBXH ngày 08/8/2008 của Sở LĐTBXH Hà Tĩnh cấp.

"Việc ông Phạm Anh Tuấn cấp bằng trung cấp cho bao nhiêu người không được học ngày nào hiện đang được cơ quan chức năng của Hà Tĩnh điều tra, xác minh", Sở LĐTBXH Hà Tĩnh thông tin.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem