ĐBQH Hoàng Đức Thắng: Vụ án gỗ trắc, cán bộ sai mà việc giải quyết cứ nhùng nhằng, để lâu thành “thối án”

Ngọc Vũ Thứ bảy, ngày 24/08/2024 13:09 PM (GMT+7)
Liên quan đến vụ án gỗ trắc được dư luận quan tâm, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Đức Thắng – Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị. Ông là người đã rất nhiều lần lên tiếng về vụ án này trên nghị trường.
Bình luận 0

Ông Thắng cho biết, bản thân ông và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị theo đuổi, kiến nghị xử lý vụ án gỗ trắc suốt nhiều năm với mong muốn "Mọi người phải bình đẳng trước pháp luật".

Theo ông Thắng, nhìn từ kỳ án gỗ trắc có thể thấy, khi các cơ quan tố tụng cho rằng người dân, doanh nghiệp vi phạm pháp luật thì bằng mọi cách lập hồ sơ, đưa ra truy tố, xét xử, quyết định hình phạt. Vụ án gỗ trắc, người dân, doanh nghiệp là ông Trương Huy Liệu (cựu Phó Giám đốc Công ty Ngọc Hưng - PV) đã phải chịu phạt 7 năm tù về hành vi "Buôn lậu".

Vụ án gỗ trắc: ĐBQH Hoàng Đức Thắng nói, cán bộ sai mà cứ nhùng nhằng, để lâu thành “thối án”- Ảnh 1.

ĐBQH Hoàng Đức Thắng cho rằng, vụ án gỗ trắc, trong đó có việc bán tang vật vụ án, cán bộ sai mà cứ nhùng nhằng không xử lý, để lâu thành "thối án". Ảnh: Ngọc Vũ.

Ông Thắng cho biết, vụ án Trương Huy Liệu buôn lậu đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, có một sự thật là ông Liệu đã phải thi hành hình phạt tù. Liên quan vụ án này, có hành vi sai phạm là bán vật chứng vụ án đến nay vẫn chưa được xử lý.

Ông Thắng nói thêm, cùng một lô gỗ, các cơ quan tố tụng căn cứ vào kết quả giám định, định giá do một tổ chức giám định đưa ra để giải quyết truy tố, xét xử các bị cáo, trong đó có ông Trương Huy Liệu. Nhưng cũng là lô gỗ ấy, khi xử lý vụ án bán vật chứng, do các cơ quan tố tụng, cá nhân, cán bộ vi phạm, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí lại trả lời, không có căn cứ để định giá lô gỗ đó, nên không xác định được thiệt hại, tính chất, mức độ vi phạm.

Theo ông Thắng, điều vô lý đó dẫn đến dư luận đặt câu hỏi, liệu có vùng cấm, có bao che, dung túng trong vụ án bán vật chứng trái phép hay không?

"Mọi người đều phải bình đẳng trước pháp luật. Vụ án gỗ trắc đang cho thấy thực tế là người dân sai, cơ quan tố tụng đã xử lý theo pháp luật, còn cán bộ làm sai mà việc xử lý vẫn cứ nhùng nhằng, để lâu cuối cùng thối án" – ông Thắng nói.

Ông Thắng chia sẻ thêm, trước đây Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và cơ quan công an đều không thừa nhận việc bán vật chứng vụ án gỗ trắc là sai. Chỉ khi Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị nghiên cứu hồ sơ, phân tích, đấu tranh nhiều lần thì cơ quan tố tụng mới thừa nhận. Lô gỗ bị bán năm 2014, nhưng đến năm 2019, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao mới khởi tố vụ án để điều tra hành vi trái pháp luật liên quan đến việc bán vật chứng của vụ án.

Ông Thắng cho biết, vụ án gỗ trắc hàm chứa rất nhiều vấn đề. Bản thân ông tin rằng công lý sẽ được thực thi.

"Có thể thời điểm này người ta chưa phán xét, nhưng đến một thời điểm nào đó, có những nhân tố tích cực thì vụ án có thể sẽ được xem lại, soi rọi một cách thấu tình, đạt lý để mọi người cùng tâm phục, khẩu phục" – ông Thắng nói.

Vụ án gỗ trắc: ĐBQH Hoàng Đức Thắng nói, cán bộ sai mà cứ nhùng nhằng, để lâu thành “thối án”- Ảnh 2.

Sáng 22/8, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn liên quan vụ án gỗ trắc do ĐBQH Hoàng Đức Thắng chất vấn. Ảnh: Quốc hội.

Trả lời câu hỏi, khi theo đuổi những vụ án "nóng" như kỳ án gỗ trắc, ông có tâm tư, lo lắng gì?, ông Thắng cho biết, tất nhiên sẽ có những va chạm với cơ quan tố tụng, các cấp, các ngành liên quan… và còn có những ông này, bà kia, khiến họ không mấy thiện cảm, và bản thân còn nhiều áp lực khác. Một số người thân, bạn bè khuyên ông Thắng hạn chế va chạm… Tuy nhiên, với trách nhiệm là Đại biểu Quốc hội, được nhân dân trao gửi niềm tin, ông Thắng luôn xác định, bản thân chỉ một lòng đại diện ý kiến nhân dân bảo vệ lẽ phải, có thể thiệt thòi nhưng chấp nhận, giữ vững bản lĩnh người Đại biểu Quốc hội.

Như Dân Việt đã đưa tin, liên quan đến vụ án gỗ trắc kéo dài nhiều năm ở Quảng Trị, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 21/8, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao Lê Minh Trí đã trả lời đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) rằng, vụ án này vướng quy định của pháp luật về trách nhiệm phân công giám định.

Ông Trí cho biết, Cơ quan VKSND đã xác định giai đoạn trước đây có hành vi vi phạm pháp luật (là hành vi bán vật chứng), đã có hậu quả nhưng hậu quả này cần được xác định cụ thể thì mới có thể xác định khung phạm tội để truy tố, xét xử. Trường hợp vụ án này, các cơ quan có thẩm quyền định giá đều có văn bản xác định "không thể xác định lô gỗ vật chứng trong vụ án buôn lậu vì vật chứng không còn", nếu không có căn cứ này thì không thể làm được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem