Vụ án Hồ Duy Hải: Việc rút 4 bút lục khỏi hồ sơ nếu có thật sẽ nghiêm trọng thế nào?
Vụ án Hồ Duy Hải: Việc rút 4 bút lục khỏi hồ sơ nếu có thật sẽ nghiêm trọng thế nào?
Đình Việt
Thứ sáu, ngày 29/05/2020 13:56 PM (GMT+7)
Chuyên gia pháp lý cho rằng, nếu có việc 4 bút lục bị rút ra khỏi hồ sơ nhằm chứng minh Hồ Duy Hải là hung thủ của vụ án như nghi vấn của luật sư Trần Hồng Phong thì việc này là rất nghiêm trọng, bởi nó làm thay đổi bản chất vụ án.
Ngày 27/5 vừa qua, luật sư Trần Hồng Phong, người tham gia hỗ trợ gia đình tử tù Hồ Duy Hải kêu oan, tiếp tục có đơn kiến nghị gửi đến Giám đốc Công an tỉnh Long An để đề nghị giải thích.
Ông Phong cũng gửi thư đến Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện KSND Tối cao và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội để cung cấp thêm thông tin về vụ án Hồ Duy Hải mà ông mới thu thập được.
Theo đó, ông Phong cho rằng sau phiên xét xử giám đốc thẩm, ông tiếp tục thu thập nhiều tài liệu khác chứng minh còn có nhiều mâu thuẫn chưa được giải quyết trong các bản án của tòa.
Đặc biệt, ông Phong nghi ngờ "một số bút lục rút ra khỏi hồ sơ vụ án cho thấy các bút lục này bị rút ra nhằm chứng minh Hồ Duy Hải là hung thủ của vụ án".
Cụ thể, bút lục số 139, 140, 141, 142 là lời khai của nhân chứng Đinh Văn Còi (ông Còi khi đó đang là công an tỉnh Long An) và ông Lê Thanh Trí.
Tuy nhiên, do bút lục về lời khai của ông Còi và ông Trí đều không có trong hồ sơ xét xử của vụ án nên những vấn đề này chưa từng được nêu ra.
Ông Phong đặt câu hỏi với Giám đốc Công an tỉnh Long An rằng việc rút các bút lục này ra khỏi hồ sơ vụ án có phải là hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án hay không?
Bình luận về việc này, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, trong vụ án Hồ Duy Hải, thời gian gần đây có rất nhiều điểm chưa được làm rõ, còn nhiều tranh cãi, vì vậy vụ án đã gây xôn xao dư luận.
Tuy nhiên, theo luật sư Tuấn Anh, là những người ngoài cuộc, không nắm rõ hồ sơ vụ án vì vậy chúng ta không nên vội vàng đưa ra những quan điểm, nhận định mang tính chủ quan về việc liệu 4 bút lục có bị rút khỏi hồ sơ vụ án hay không? Tại sao lại bị rút khỏi hồ sơ vụ án? Cá nhân, tổ chức nào rút 4 bút lục này ra khỏi hồ sơ vụ án? Viện kiểm sát, tòa án có được tiếp cận với những chứng cứ này hay không?...
"Cần có sự điều tra, xác minh làm rõ của các cơ quan chức năng có thẩm quyền thì mới có hướng xử lý, giải quyết", ông Tuấn Anh nói.
Dưới khía cạnh pháp luật, luật sư Trần Tuấn Anh phân tích, theo Điều 15 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định rõ, cơ quan tiến hành tố tụng (bao gồm cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án) trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ.
Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 cũng quy định việc tranh tụng trong xét xử phải được bảo đảm, mọi tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án khi được chuyển đến tòa phải đầy đủ và hợp pháp để từ đó tòa án căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ mới đưa được ra một bản án đúng người, đúng tội.
Vì vậy, nếu có việc rút 4 bút lục ra khỏi hồ sơ vụ án nhằm bất kỳ mục đích gì có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và khiến hoạt động tố tụng, thi hành án bị cản trở, uy tín của các cơ quan tư pháp bị giảm sút.
"Hành vi này là một hành vi xâm phạm nghiêm trọng tố tụng và hoạt động tư pháp và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", ông Anh nhận định.
Động cơ, mục đích của cá nhân thực hiện hành vi này có thể vì vụ lợi, vì các động cơ khác tuy nhiên đây không phải dấu hiệu bắt buộc mà chỉ cần có hành vi xảy ra, cá nhân đó sẽ phải bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án được quy định tại Điều 375 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm, thư ký tòa án mà thêm bớt, sửa đổi, đánh tráo, tiêu hủy hoặc làm hư hỏng tài liệu, vật chứng của vụ án nhằm làm sai lệch nội dung vụ án thì có thể bị phạt tù từ 1 năm 5 năm.
Nếu hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án mà dẫn đến việc giải quyết vụ án bị sai lệch, khung hình phạt là từ 5 năm đến 10 năm tù. Nếu dẫn đến án oan sai, khung hình phạt có thể lên đến 15 năm tù giam.
"Trong trường hợp có căn cứ vững chắc khẳng định hành vi này đã được thực hiện một cách cố ý, Cục Điều tra hình sự Viện KSND Tối cao cần phải ngay lập tức vào cuộc điều tra, xác minh, cần thiết thì khởi tố vụ án để thực hiện các biện pháp điều tra theo quy định của Bộ luật Hình sự và Tố tụng hình sự để xử lý nghiêm hành vi trên, nhằm đảm bảo tính đúng đắn tuyệt đối trong các hoạt động tư pháp - một hoạt động rất dễ xâm phạm trực tiếp đến sinh mạng pháp lý của mỗi công dân.
Tránh tình trạng các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương coi việc "có sai sót về mặt thủ tục tố tụng nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án" như "nguyên tắc cứu cánh" cho mình mỗi khi làm ẩu, làm bừa, bởi đã là "sai sót" sẽ không bao giờ phản ánh đúng "bản chất" vụ án được", vị luật sư nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.