Vụ bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt: Bài học về sự ảo tưởng bản thân trên mạng xã hội

Quang Trung Thứ sáu, ngày 25/03/2022 05:48 AM (GMT+7)
Sau sự việc bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam, bày tỏ quan điểm với Dân Việt, nhiều người cho rằng, đây là bài học về sự ảo tưởng của bản thân trên mạng xã hội.
Bình luận 0

Ảo tưởng bản thân trên mạng xã hội

Như Dân Việt đã thông tin, tối 24/3, Công an TP.HCM cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331, Bộ luật hình sự năm 2015.

Viện kiểm sát nhân cùng cấp đã phê chuẩn quyết định này.

Vụ bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt: Bài học về sự ảo tưởng bản thân trên mạng xã hội  - Ảnh 1.

Cơ quan công an đọc quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng. Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ

Sau sự việc bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt, bày tỏ quan điểm với Dân Việt, nhiều người cho rằng, đây là bài học về sự ảo tưởng của bản thân trên mạng xã hội.

Anh Nguyên Khôi (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, việc bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố và tạm giam về Tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân là điều đã được dự báo từ trước.

Bởi, hoạt động của bà Hằng trên mạng xã hội thời gian qua vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Thời gian trước đây, một số giang hồ mạng đã sử dụng mạng xã hội để nói năng tục tĩu, chửi bới, xúc phạm người khác, khoe các hành vi vi phạm pháp luật đã bị xử lý, hiện tượng này đã được kiểm soát trên mạng xã hội.

Những đối tượng gây náo loạn trên mạng xã hội thường là những đối tượng có học thức thấp, coi thường pháp luật. Còn những doanh nhân, những người có học thức, có hiểu biết xã hội, những người có tầm ảnh hưởng đối với xã hội họ thường rất kín tiếng và chuẩn mực trước cộng đồng, ít khi có những phát ngôn gây sốc như vậy.

Anh Khôi cho rằng, hiện tượng phát trực tiếp trên mạng xã hội của một doanh nhân như bà Hằng trong thời gian qua để bày tỏ quan điểm thái độ ý kiến, thậm chí chửi bới một số người như chỗ không người là một hiện tượng lạ, chưa từng có ở Việt Nam.

Có không ít người thấy thích thú với cách nói, cách chửi như vậy trên mạng xã hội, thậm chí họ còn coi bà Hằng là thần tượng, họ trở thành các fan hâm mộ đối với người phụ nữ này...

"Pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, quyền tự do đó cũng trong khuôn khổ pháp luật. Nếu đi quá giới hạn của quyền tự do ngôn luận sẽ xâm phạm đến các quyền hợp pháp khác của công dân.

Hành vi sẽ bị xử lý hình sự nếu như gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân. Chính vì thế, đây là bài học về sự ảo tưởng của bản thân trên mạng xã hội cho nhiều người" – anh Khôi nêu quan điểm.

Mạng xã hội là thế giới ảo nhưng hậu quả là thật

Trong khi đó, chị Minh Châu (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trong suốt thời gian qua, rất nhiều người đã góp ý, thậm chí chỉ ra các dấu hiệu vi phạm pháp luật của bà Nguyễn Phương Hằng nhưng bà Hằng không những không nghe mà còn có những lời khó nghe khi họ góp ý cho mình.

Nhiều người hâm mộ nữ doanh nhân này cũng đã có những hành động khiếm nhã, thậm chí tấn công lại một số trang báo khi họ đưa tin phản ánh về hiện tượng này khiến dư luận bức xúc.

Thậm chí, sau hiện tượng phát trực tiếp của bà Nguyễn Phương Hằng, trên mạng xã hội đã xuất hiện rất nhiều hội nhóm chửi bới, công kích lẫn nhau, dẫn đến hiện tượng thu thập trái phép thông tin cá nhân để tố cáo nhau trên mạng xã hội.


Từ những mâu thuẫn trên mạng xã hội nhiều người đã tìm gặp, ẩu đả lẫn nhau ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội.

Bởi vậy, việc cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp cứng rắn để xử lý đối với những hiện tượng chửi bới, vu khống, đưa tin trái phép trên mạng xã hội là cần thiết để làm trong sạch môi trường mạng.

"Những hiện tượng chửi bới, tố cáo trên môi trường mạng trong thời gian qua đã ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến nhận thức của giới trẻ và của những người lao động. Hy vọng sự việc của bà Nguyễn Phương Hằng sẽ không còn những người tự cho mình là "ông trời con" trên mạng xã hội" - chị Minh Châu nhấn mạnh.

"Sự nổi tiếng có sức hút ghê gớm thật làm mờ con mắt. Nói dai, nói dài, nói dại là đây. Các bạn trẻ, các youtuber lấy đây mà làm gương, đừng vì mấy cái like cái view mà bất chấp pháp luật nhé" - một bạn đọc khác nêu quan điểm.

Bạn đọc này cho rằng, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận các quyền cơ bản của công dân như quyền tự do ngôn luận, quyền hội họp… Tuy nhiên, quyền gì cũng phải có giới hạn chứ không phải tự do là muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm. Sau sự việc này có thể thấy, mạng xã hội là thế giới ảo nhưng hậu quả là thật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem