Vụ bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1: Căng thẳng đến phút cuối cùng, hài hòa lợi ích có đạt được?
Vụ bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1: Căng thẳng đến phút cuối cùng, việc hài hòa lợi ích có đạt được?
Nguyên Vỹ
Thứ năm, ngày 16/02/2023 19:53 PM (GMT+7)
Xung quanh vụ bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1, buổi họp Thông tin về giống thanh long ruột đỏ LD1 (Long Định 1) căng thẳng đến phút cuối cùng vì các bên liên quan chưa thỏa mãn các nội dung đưa ra.
Buổi họp Thông tin về giống thanh long ruột đỏ LD1 (Long Định 1) do Cục Trồng Trọt (Bộ NNPTNT) tổ chức tại TP.HCM chiều ngày 16/2.
Mức phí áp dụng với giống thanh long ruột đỏ LD1
Phát biểu tại buổi họp, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, việc thực thi luật sở hữu trí tuệ là xu thế chung. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này.
Việc thực thi luật sở hữu trí tuệ với giống cây ăn quả cũng như việc chuyển nhượng, chuyển giao từ cơ quan nghiên cứu sang doanh nghiệp là động lực thúc đẩy ngành giống, xuất khẩu nông sản cũng như công tác nghiên cứu khoa học phát triển.
Tuy nhiên, việc bảo hộ giống cũng cần cân đối lợi ích các bên, tránh độc quyền, thao túng hoặc ép giá. Đó cũng là trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng, với nông dân và đất nước. Nông dân cũng phải chấp nhận chia sẻ lợi ích với doanh nghiệp đã bỏ tiền mua bản quyền giống.
"Buổi họp về vụ bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1, Cục không đứng ra chỉ đạo phải làm thế nào mà đứng trung gian, mong muốn giải quyết 2 vấn đề: Hài hòa lợi ích nông dân, HTX và doanh nghiệp; và giải quyết lợi ích của nông dân đã trồng giống LD1 trước 2017", ông Cường nói.
Đại diện Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An), đơn vị sở hữu bản quyền giống thanh long ruột đỏ LD1 từ năm 2017 cho biết, việc bảo hộ giống nhằm xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng nông sản.
Theo Công ty Hoàng Phát, những năm gần đây, khi chưa có quy định về mã vùng trồng, thị trường vẫn diễn ra câu chuyện ùn ứ thanh long, vì nhiều lý do. Không thể quy chụp việc xuất khẩu thanh long gần đây gặp trục trặc là do Công ty Hoàng Phát.
Bằng chứng, trong mùa dịch Covid-19, Công ty Hoàng Phát vẫn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu. Các nông dân liên kết với Hoàng Phát không hề gặp khó khăn.
Về vấn đề chia sẻ bản quyền, Công ty Hoàng Phát thông báo, ngoài thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, nếu doanh nghiệp và nông dân cần chứng minh truy xuất nguồn gốc, Hoàng Phát sẵn sàng hỗ trợ chia sẻ bản quyền, không thu phí trong thời gian 5 năm, tính từ thời điểm hiện tại.
Với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, nông dân nào đang trồng giống thanh long LD1 từ Viện cây ăn quả miền Nam cung cấp giống cây trồng khảo nghiệm thì Hoàng Phát sẵn sàng ký hợp đồng bao tiêu với giá hợp lý, cao hơn giá thị trường 20%.
Hoàng Phát sẵn sàng chia sẻ bản quyền cho các doanh nghiệp để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc với mức phí: 30.000 đồng/tấn với sản lượng xuất khẩu từ 5.000 – 15.000 tấn trở lên; 20.000 đồng/kg cho sản lượng xuất khẩu từ 15.000-25.000 tấn; và 10.000 đồng/tấn cho sản lượng xuất khẩu từ 25.000 tấn trở lên.
Ông Nguyễn Khắc Huy - Giám đốc Công ty Hoàng Phát khẳng định: "Việc doanh nghiệp mua bản quyền giống thanh long LD1 là để giúp bà con yên tâm sản xuất, bảo hộ giống cây trồng có chất lượng của Việt Nam".
Căng thẳng vụ bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1
Ông Trương Quang An – Giám đốc HTX thanh long Tầm Vu (Long An) nêu, Công ty Hoàng Phát nói bản quyền không gây ảnh hưởng gì. Nhưng giống LD1 đã đăng ký độc quyền, không ai dám xuất khẩu. Vì nếu gặp sự cố thì ai sẽ chịu trách nhiệm.
Việc thứ 2, muốn bán giống thanh long ruột đỏ LD1 qua Nhật Bản, Hàn Quốc phải thông qua Công ty Hoàng Phát. Sau này, thị trường khác cũng yêu cầu tương tự thì sao. Đến nay vẫn chưa có văn bản rõ ràng việc chịu trách nhiệm khi gặp sự cố.
Cuối cùng ông An đề nghị nhà nước cần quản lý lại vấn đề bản quyền giống thanh long ruột đỏ LD1 thì việc xuất khẩu khắp thế giới mới thuận lợi.
Ông Nguyễn Vạn Thành - Giám đốc HTX Vạn Thành (huyện Châu Thành, Long An) cho biết, ông đã đến tận Viện mua giống thanh long ruột đỏ về trồng. Và nhiều nông dân ở Châu Thành mua giống thanh long này về trồng chứ không phải riêng ông.
Ông Thành bức xúc việc Viện Cây ăn quả miền Nam bán giống cho doanh nghiệp đăng ký độc quyền khi giống này đã phát triển ra bên ngoài.
Ông Võ Hữu Thoại - Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, Viện đã thống kê số liệu lượng cây giống bán ra.
Cụ thể từ năm 2009-2017, Long An có 10 hộ mua, với số lượng 19.187 cành (hom giống thanh long), tương ứng với diện tích gần 5ha.
Từ 2012-2017, Tiền Giang có 4 hộ mua với 7.560 cành, tương ứng với diện tích khoảng 2ha.
Từ 2007-2017, Bình Thuận có 17 hộ mua vơi 96.110 cành, tương ứng với diện tích khoảng 24ha.
Ông Thoại khẳng định, số lượng bán ra chỉ chiếm số ít chứ không quá lớn như nhiều nông dân nói.
Tuy nhiên, ông Phan Thanh Sơn – Giám đốc HTX Dương Xuân (huyện Châu Thành, Long An) cho biết, trước năm 2017, rất nhiều nông dân đã trồng giống thanh long ruột đỏ LD1.
Ông Sơn cho rằng việc doanh nghiệp mua bản quyền giống là đúng nhưng việc bán bản quyền có đúng hay không, cần phải xem lại. Từ đó, ông Sơn đề nghị có giải pháp giải quyết thỏa đáng lợi ích cho những nông dân đã trồng giống thanh long ruột đỏ LD1từ trước năm 2017.
Doanh nghiệp đề nghị hài hòa lợi ích các bên
Công ty TNHH chế biến trái cây Yasaka là doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ vụ bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1. Ông Nguyễn Trọng Trung Dũng – Trưởng điều hành công ty đề nghị xem xét lại lợi ích của nông dân.
Công ty Yasaka vẫn đang liên kết với các nông dân, HTX đưa thanh long xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Yasaka muốn tiếp tục công việc hợp tác này vì lợi ích chung cũng như lợi ích của các bên.
"Tuy nhiên, công ty Yasaka lo ngại nếu vấn đề bản quyền chỉ phụ thuộc vào đơn vị duy nhất thì dễ xảy ra biến tướng" ", ông Dũng nói.
Ông Phạm Minh Tuấn – Giám đốc điều hành công ty Goodlife thì đề nghị Công ty Hoàng Phát bổ sung thêm hạn mức số lượng thanh long ruột đỏ LD1 xuất khẩu. Bởi vì hạn mức thấp nhất mà Hoàng Phát đưa ra là 5.000 tấn. Đây là con số mà không phải đơn vị xuất khẩu nào cũng dễ dàng đáp ứng.
Ông Nguyễn Chí Thiện - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho rằng, ý thức vấn đề bản quyền, nhất là giống hiện còn chưa rõ ràng nên vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất.
"Vấn đề hôm nay là nông dân, HTX và Công ty Hoàng Phát cùng bàn bạc, tháo gỡ vướng mắc thay vì tranh cãi đúng sai. Bản thân tôi vẫn ủng hộ chuyển bản quyền nhưng cần hài hòa lợi ích các bên", ông Thiện nói.
Sau khi nghe ý kiến các bên liên quan, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, việc Công ty Hoàng Phát đưa mức phí bản quyền giống, và sẵn sàng hỗ trợ chứng nhận nguồn gốc đã thể hiện thiện chí của doanh nghiệp.
Vấn đề mà nhiều nông dân lo lắng hiện nay là xuất khẩu thanh long LD1 sang thị trường Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Cường đề nghị Công ty Hoàng Phát có văn bản cam kết những nội dung đã thông báo, gửi đến Cục Trồng trọt, lãnh đạo các địa phương.
"Các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục làm việc với Công ty Hoàng Phát. Cục Trồng trọt đứng ra làm trung gian hòa giải", ông Cường tạm kết.
Kết thúc buổi họp Thông tin về giống thanh long ruột đỏ LD1, ông Nguyễn Vạn Thành - Giám đốc HTX Vạn Thành cho biết, nhiều nông dân, HTX và các doanh nghiệp vẫn chưa thỏa mãn với những thông báo đưa ra, vì các vấn đề vướng mắc chưa được giải quyết rốt ráo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.