Vườn tốt um, trồng thứ trái ăn bổ dưỡng, cắn một miếng mát ngọt tận dạ dày, nông dân An Giang phát tài

Kiều Tiên–Minh Ky (Cổng TTĐT huyện Chợ Mới) Thứ năm, ngày 16/02/2023 13:35 PM (GMT+7)
Nhiều nông dân trên xã Long Giang (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho thu nhập cao. Điển hình là mô hình trồng cây hồng xiêm (hay còn gọi là cây lồng mứt) của chú Nguyễn Thanh Liêm ở ấp Long Thạnh 1.
Bình luận 0

Qua 4 năm chăm sóc, chỉ với 100 cây hồng xiêm trồng trên diện tích 3.000m2 đất vườn đã cho chú Nguyễn Thanh Liêm, xã Long Giang, huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) thu nhập bình quân mỗi tháng trên 20 triệu đồng sau khi trừ hết các chi phí.

Hy vọng mô hình trồng hồng xiêm đặc sản của gia đình chú Liêm góp phần chuyển đổi diện tích đất vườn tạp kém hiệu quả, sang chọn loại cây trồng phù hợp, cải thiện kinh tế gia đình. 

Hồng xiêm, tên cây nghe quen nhưng thu nhập mới tinh

Năm 2018 sau khi được địa phương giới thiệu tham quan các mô hình trồng cây ăn trái hiệu quả trong và ngoài huyện, do Hội Nông dân xã tổ chức, chú Liêm thấy hồng xiêm là loại cây dễ trồng, sản phẩm dễ tiêu thụ, hương vị quả ngọt, bổ dưỡng, lại dễ bảo quản, thời gian thu hoạch kéo dài quanh năm

Vì vậy, chú Liêm đã chọn hồng xiêm làm cây trồng chủ lực. Ban đầu chú chỉ trồng 100 cây hồng xiêm đặc sản trên 3000m2 vườn. Sau 2 năm chăm sóc, chú thực hiện đúng các kỹ thuật trồng hồng xiêm theo hướng dẫn. Hiện, 100 cây hồng xiêm đã  xum xuê cành lá và trĩu quả. 

Chú Liêm cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi, cây hồng xiêm sai trái hơn những năm trước. Chú bắt đầu được bán trái hồng xiêm là từ năm 2021. Bình thường, giá hồng xiêm dao động từ 20.000-30.000 đồng/kg, vườn hồng xiêm đã đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình với mức 20 triệu đồng/tháng.

“Hồng xiêm hiện ít người trồng. Biết rằng trái hồng xiêm không xuất khẩu được đi nước ngoài, chỉ tiêu thụ được ở nội địa. Nhưng trái hồng xiêm hiện bán rất có giá, dễ bán. Từ chỗ đó mà tôi xuống tỉnh Hậu Giang để mua cây hồng xiêm giống về trồng...", chú Liêm chia sẻ.

Hiệu quả kinh tế của mô hình trồng hồng xiêm theo chú Liêm bây giờ cao hơn trồng xoài, trồng mít. Lý do cây hồng xiêm còn ít người trồng, nên trái hồng xiêm cung ứng ra thị trường không đủ, giá bán trái hồng xiêm ở mức khá cao. 

Bình quân, một cây hồng xiêm mỗi ngày chú hái 0,5kg, vị chi 100 cây cho thu hoạch 50 kg trái mỗi ngày. Trên thị trường hiện nay chú Liêm đang bán hồng xiêm giá 20.000 đồng/kg. Bởi vậy, mỗi ngày chú có thu nhập từ 700 – 1 triệu đồng. "Cây hồng xiêm cho thu nhập đều quanh năm như vậy, chứ không phải ngày có ngày không", chú Liêm bộc bạch.

Vườn tốt um, trồng thứ trái ăn bổ dưỡng, cắn một miếng mát ngọt tận dạ dày, nông dân An Giang phát tài - Ảnh 2.

Chú Nguyễn Thanh Liêm xã Long Giang (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đang chăm sóc vườn hồng xiêm cho sai quả. Mô hình trồng hồng xiêm của chú Liêm mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập mỗi tháng 20 triệu đồng.

Để hạn chế công lao động, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người tiêu dùng, bởi 2 vợ chồng chú đều đã lớn tuổi, nên chú chọn áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt Israel và sử dụng 100% phần hữu cơ để bón cho cây hồng xiêm.

Tự làm phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu hữu cơ

Kể cả các loại thuốc để phòng trừ sâu bệnh cũng được chú tận dụng từ các nguyên liệu có sẵn như tỏi, ớt, các loại vỏ rau củ,…Theo hướng dẫn của Hội Nông dân xã, chú Liêm ủ thành phân hữu cơ, thuốc hữu cơ để bón cho vườn hồng xiêm và phòng trừ sâu bệnh cho cây hồng xiêm.

“Cán bộ nông nghiệp ở xã cũng hướng dẫn cách để mình chăm sóc, những loại phân bón không nên dùng, không dùng phân hóa học. Dùng phân hữu cơ tự làm vừa rẻ tiền lại hiệu quả, giúp đất không bị chai, cây không bị còi. Vì vậy, vốn bỏ ra trồng, chăm sóc cây hồng xiêm rất ít so với các loại cây khác. Thu nhập từ cây hồng xiêm mang về thì không thua các loại cây ăn trái khác”.

Cây hồng xiêm nói dễ trồng là đối với những người chịu khó, nắm chắc kỹ thuật chăm sóc. Bởi theo chú kinh nghiệm trồng hồng xiêm, giống hồng xiêm thường có 2 loại sâu bệnh mà người nông dân cần đặc biệt chú ý khi trồng. 

Đó là sâu đục thân và sâu ăn lá trên cây hồng xiêm. Nếu người trồng hồng xiêm lơ là chủ quan thì cây sẽ rất dễ bị sâu hại tấn công, cây sẽ dần dần rụng hết lá và chết thân. Do đó, để phòng trừ bệnh này, mỗi ngày chú phải quan sát thân và lá cây hồng xiêm để kịp thời xử lý ngay mầm bệnh lúc mới phát sinh. Theo chú Liêm, có như thế vườn hồng xiêm sẽ đảm bảo phát triển tốt, cho trái ổn định.

Chú Liêm cho hay, với 100 cây hồng xiêm, chi phí mỗi năm bỏ ra chỉ khoảng 20 triệu đồng. Từ đầu năm 2021 đến nay, bình quân mỗi tháng sau khi trừ hết chi phí gia đình chú thu về trên 20 triệu đồng. 

Nhân rộng mô hình trồng hồng xiêm

Từ hiệu quả kinh tế mang lại, chú luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng hồng xiêm cho những ai ngỏ ý muốn trồng loại cây này. Cũng chính vì vậy mà bà con ai nấy đều quý mến chú, thường đến tham quan học hỏi cách trồng hồng xiêm, kể cả nhờ chú chia sẻ cây hồng xiêm giống. 

Việc làm của chú Liêm cũng để giúp bà con có cây giống tốt để trồng mà không phải đi xa để mua giống như chú trước đây. Vậy là sau thời gian tìm tòi học hỏi, thì hiện ngoài bán trái, vườn hồng xiêm của chú Liêm còn có thêm dịch vụ cung cấp cây giống.

Nhánh hồng xiêm giống loại lớn chú Liêm bán giá 50.000 đồng, loại nhỏ giá bán 40.000. Nguời ta đặt chú cây hồng xiêm giống mà chú làm không kịp, bởi loại cây này đang khan trên thị trường. 

Từ hôm tết đến nay chú bán khoảng 300 nhánh hồng xiêm giống, có thu hàng triệu đồng. Đó là khoản thu nhập ngoài dự tính. Chú cũng trồng xen cây ổi, cây chuối trong vườn hồng xiêm...

Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả mô hình trồng hồng xiêm, chị Đặng Thị Hạnh Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Giang, huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) so sánh: “Trồng hồng xiêm như chú Liêm có thu nhập khá là cao. Mỗi tháng bình quân chú có thu nhập là mấy mươi triệu, trừ chi phí ra ít cũng có lời khoảng 20 mấy triệu. Với góc độ là Hội Nông dân xã, chúng tôi tích cực tuyên tuyên truyền vận động cho bà con mình để cùng học hỏi chú...

Theo chị Hạnh Vinh, học hỏi chú Liêm nhưng không nhất thiết là trồng hồng xiêm. Hiện nay, ở huyện Chợ Mới có định hướng nuôi, trồng các loại cây, con mà thị trường có nhu cầu. Địa phương muốn bà con nông dân hưởng ứng chuyển đổi cơ cấu cây trồng không phải mang tính phong trào, mà làm thực chất, có hiệu quả về lâu, về dài và bền vững...

Với 2.000m2 đất vườn còn lại của gia đình, chú Liêm đã trồng thêm 35 cây hồng xiêm. Hiên cây đang phát triển rất tốt, dự kiến sẽ cho trái vào đầu năm sau. Hiện toàn xã Long Giang chỉ mới trồng chưa đầy 1ha hồng xiêm. 

Tuy nhiên, với kết quả đạt được bước đầu từ mô hình trồng hồng xiêm của chú Liêm, có thể nói, việc đưa vào phát triển mô hình trồng hồng xiêm trên địa bàn xã Long Giang cũng là một trong hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người dân ở địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem